Dòng sự kiện:
Sôi động huy động vốn đầu năm 2025
22/01/2025 06:06:32
Chỉ trong nửa đầu tháng 1/2025, nhiều thương vụ huy động vốn trên thị trường chứng khoán qua kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu đã có tín hiệu đáng chú ý.

“Nóng” ngay từ đầu năm

Trung tuần tháng 1/2025, đợt chào bán trái phiếu ra công chúng của Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE (mã DSE) với tổng giá trị 300 tỷ đồng đã chính thức khép lại sau gần một tháng nhận đăng ký mua từ các nhà đầu tư. Trái phiếu này thuộc loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm với kỳ hạn 24 tháng, trả lãi 6 tháng một lần.

Toàn bộ lượng trái phiếu đã được phân phối hết tới gần 300 trái chủ. Trong đó, 7 tổ chức đã mua gần 87% lượng phát hành. Còn lại, dù chỉ chiếm tỷ trọng 13,28%, các lô trái phiếu trị giá gần 40 tỷ đồng được phân bổ tới 289 cá nhân. Đợt phát hành thành công này cũng là lần đầu tiên DNSE phát hành trái phiếu ra công chúng, sau nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trước đây. Công ty chứng khoán này từng “mở hàng” thị trường chứng khoán đầu năm 2024 với đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng, cũng thu hút tới hơn 600 nhà đầu tư.

Sau một năm, công ty chứng khoán này lựa chọn kênh trái phiếu. Nguồn vốn thu được từ đợt phát hành nhằm bổ sung vốn phục vụ cho các dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán và giao dịch ký quỹ cũng như tăng cường vốn cho hoạt động tự doanh chứng khoán, đầu tư giấy tờ có giá.

Trong khi DNSE vừa hoàn tất huy động vốn, cuối tuần trước cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành mới của CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG). Danh sách cổ đông chốt vào ngày hôm nay (20/1). Theo đó,  Yeah1 sẽ phát hành thêm 54,8 triệu cổ phiếu để huy động 548 tỷ đồng.

Ngoài việc dùng hơn 60% để thanh toán góp vốn cho Công ty TNHH 1Production (211 tỷ đồng) và thanh toán hoàn trả tiền vay để mua cổ phần CTCP Yeah1 Edigital (127,09 tỷ đồng), Yeah1 dùng hơn 100 tỷ đồng thanh toán hoàn trả tiền vay để mua cổ phần CTCP Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam; 62,4 tỷ đồng thanh toán nợ vay Ngân hàng VietinBank. Còn lại, hơn 47 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn vốn để thực hiện các hoạt động kinh doanh thường xuyên. Các cổ đông hiện hữu muốn tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ sẽ đặt mua, nộp tiền mua thêm cổ phiếu từ ngày 3/2 đến ngày 3/3.

Không chỉ các thương vụ phát hành hướng đến đông đảo các cổ đông hiện hữu, kế hoạch chào bán riêng lẻ của BIDV từng nêu ra từ năm 2022 sẽ sớm “chuyển động”, dự kiến hoàn tất trong quý I/2025. Danh sách bên mua vừa được BIDV “hé lộ” đầu tháng 1 vừa qua. Trong số 5 nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu, có đến 4 thành viên thuộc quỹ ngoại Dragon Capital. Khối lượng cổ phiếu các thành viên thuộc quỹ ngoại Dragon Capital dự kiến mua là hơn 85 triệu cổ phiếu. Còn lại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với số lượng dự kiến mua gần 39 triệu cổ phiếu.

Với giá chào bán là 38.800 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền huy động hơn 4.800 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được BIDV bổ sung vốn kinh doanh, hoạt động tín dụng (4.084 tỷ đồng), thực hiện hoạt động đầu tư (481 tỷ đồng) và đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh (240 tỷ đồng).

Tương tự, các “ông lớn” ngân hàng có vốn nhà nước khác cũng chuẩn bị triển khai các kế hoạch tăng vốn. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường hồi tháng 8/2024, lãnh đạo VietinBank từng tiết lộ kỳ vọng có thể hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong nửa đầu năm 2025 nếu thị trường thuận lợi. Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho biết, ngân hàng đã được cho phép giữ lại toàn bộ hơn 11.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.

“Thuận nước đẩy thuyền”

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu YEG của Yeah1 đã tăng kịch biên độ. Các nhà đầu tư mua cổ phiếu phiên này sẽ không chịu áp lực nộp thêm tiền góp vốn mới. Trước đó, chuỗi giảm kéo dài gần 3 tuần giao dịch đã lấy đi gần một nửa vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này và cũng là toàn bộ “thành quả” trong nhịp tăng chóng vánh từ ngày 17/12. Nguyên nhân của đợt giảm này ngoài hiệu ứng điều chỉnh do tăng nóng, một phần còn đến từ câu chuyện tăng vốn có thể gây áp lực bán đối với các cổ đông hiện hữu.

Thời điểm cổ phiếu YEG nhận được nhiều sự chú ý nhờ sức nóng từ chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” cũng là lúc Yeah1 thông báo triển khai kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu (đã được duyệt từ tháng 9/2024). Không chỉ biến động về giá, thanh khoản cổ phiếu cũng tăng vọt kể từ đầu tháng 12/2024, khi đa phần các phiên có khối lượng giao dịch trên 5 triệu đơn vị, thậm chí một số phiên trên 10 triệu đơn vị.

“Thuận nước đẩy thuyền” từ những kỳ vọng, dù báo cáo tài chính quý IV/2024 phải tới tuần này mới công bố, đây là thời điểm huy động vốn có khả năng thành công cao. Hơn 6 năm kể từ khi Yeah1 xuất hiện trên sàn chứng khoán với dấu ấn là cổ phiếu có thị giá lớn (tới 250.000 đồng/cổ phiếu), đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này huy động vốn mới từ các cổ đông hiện hữu.

Các chuyên gia phân tích đang đánh giá khá tích cực về tăng trưởng lợi nhuận năm 2024. Theo chuyên gia từ VPBankS, một nửa trong nhóm 18 ngành nghề được công ty chứng khoán này theo dõi có thể đạt mức tăng trưởng hai con số trở lên. Bức tranh lợi nhuận năm 2025 vẫn tiếp tục được dự báo khả quan với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt 25-30% nhờ xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Luật sửa đổi 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách đã chính thức được ban hành cuối năm 2024, đưa thêm nhiều điều kiện được bổ sung khi doanh nghiệp phát hành các loại chứng khoán ra công chúng, cùng việc tăng nặng trách nhiệm các bên tham gia tư vấn.

Dù chi phí và thời gian chuẩn bị cho các thương vụ có thể tăng lên, nhưng ông Đặng Thành Công, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư Miền Bắc (Công ty cổ phần Chứng khoán KB - KBSV) đánh giá, các quy định mới chắc chắn sẽ làm tăng tính minh bạch và chuẩn mực cho thị trường sơ cấp. Chất lượng “hàng hóa” được nâng cao sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư và thúc đẩy phát triển thị trường trong tương lai.

Tác giả: Thanh Thủy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến