Dòng sự kiện:
Sớm áp chuẩn Basel II giúp ngân hàng có được rào chắn rủi ro
05/11/2019 13:01:55
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, triển khai Basel II là biện pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính.

Basel II cũng được xem như là rào chắn rủi ro hiệu quả trong hoạt động của Ngân hàng. 

Mặc dù không nằm trong 10 ngân hàng thí điểm, nhưng OCB đã sớm triển khai, áp chuẩn Basel II. Tại sao, OCB lại quyết định tự nguyện triển khai và áp dụng các chuẩn mực này sớm hơn nhiều so với quy định của NHNN, thưa ông?

Các ngân hàng trên thế giới đã áp dụng chuẩn mực Basel II từ 14 năm trước và đã chứng minh vai trò quan trọng của nó trong việc cải tiến văn hóa rủi ro của ngân hàng. Thêm vào đó, cách đây hơn 10 năm, việc triển khai thực hiện Basel II tại Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước xác định là một trong những trọng tâm của ngành tại đề án “Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Theo đó, HĐQT và Ban Điều hành OCB nhận thấy rằng nâng cấp quy trình quản trị và quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II là cần thiết và được định hướng ưu tiên triển khai từ năm 2012. 

Trên cơ sở định hướng của HĐQT và Ban điều hành, năm 2014, OCB hoàn thành dự án phát triển khung quản trị rủi ro mới, dưới sự tư vấn chuyên nghiệp của công ty kiểm toán KPMG.

Kết quả này đã thay đổi toàn bộ khung thể chế, công cụ quản lý rủi ro, phương thức vận hành và tác động đến tất cả các hoạt động kinh doanh khác nhau của ngân hàng, đặc biệt  đã giúp OCB trụ vững trước những khủng hoảng của ngành ngân hàng trong giai đoạn 2014 - 2015. Đây cũng là tiền đề để OCB có sự phát triển mạnh trong giai đoạn sau đó, nhất là việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ngân hàng giảm dần qua các năm. 

Ông có thể chia sẻ, việc sớm áp dụng chuẩn Basel II đã tác động ra sao đến hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của Ngân hàng OCB trong những năm qua?

Triển khai Basel II là bước đi tất yếu trong quá trình cải tiến văn hóa rủi ro của ngân hàng. Năm 2016 là cột mốc đánh dấu bước đầu triển khai áp chuẩn Basel II tại OCB với ưu tiên làm sạch dữ liệu. Đến cuối năm 2018, OCB chính thức được NHNN công nhận đã hoàn tất Basel II.

Từ đó, OCB đã có sự cải thiện rõ rệt về hiệu quả kinh doanh. Nếu nhìn vào bảng báo cáo tài chính của Ngân hàng từng năm có thể thấy được điều đó, tổng tài sản, lợi nhuận của OCB năm sau luôn cao hơn năm trước, thuộc nhóm các ngân hàng hàng đầu có mức tăng trưởng ổn định và bền vững qua nhiều năm liên tiếp.

Năm 2017, OCB đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; năm 2018, OCB đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 9 tháng đầu năm nay đã đạt trên 2.100 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra cho cả năm nay là 3.200 tỷ đồng.  

Muốn sớm triển khai và thành công trong việc áp chuẩn mực quốc tế Basel II, theo ông trước hết đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng được các tiêu chí nào?

 Hiện Basel II là thông lệ tốt nhất trong quản trị rủi ro của ngân hàng tại Việt Nam. Ngay trong giai đoạn chuẩn bị, triển khai dự án Basel II, trước hết đòi hỏi các ngân hàng phải có thông tin đầy đủ và dữ liệu “sạch”.

Vì nếu không có dữ liệu và thông tin đầy đủ thì không thể có được chính xác hiện trạng của ngân hàng. Sau khi có dữ liệu thông tin đầy đủ và chuẩn mực sẽ được đưa vào hệ thống tiêu chuẩn, đo lường quản trị rủi ro khác nhau như: rủi ro về thanh khoản, rủi ro tài chính, rủi ro thị trường, rủi ro khoản vay... Tất cả những yếu tố này sẽ được Ngân hàng đo lường và lượng hóa được. 

Ngân hàng sẽ đánh giá, dự báo, hạn chế được rủi ro khi áp chuẩn Basel II?

 Khi áp dụng các chuẩn mực Basel II, lúc này, ngân hàng không chỉ đo lường được rủi ro đơn lẻ của một khoản vay, một giao dịch, một khoản đầu tư mà có thể đánh giá, đo lường được rủi ro của từng danh mục, của từng phân khúc hay tất cả các giao dịch.

Điều đó có nghĩa, ngân hàng có thể tạo được rào chắn sẵn sàng trước những rủi ro thực sự; bước vào khu vực an toàn trong quản trị rủi ro và xác suất rủi ro xảy ra có thể thấp hơn. Việc ngân hàng quản lý rủi ro không chỉ đến cá biệt từ những khoản vay mà có thể nhìn thấy được tổng thể từng doanh mục, phân khúc mà ngân hàng kinh doanh.

Mặt khác, vì ngân hàng khi áp dụng chuẩn mực quốc tế, có dữ liệu sạch, có hệ thống chuẩn mực rủi ro nên có thể đánh giá được cả hai chiều.

Chiều thứ nhất là khu vực đó có an toàn hay không. Thứ hai là khi đã nhìn thấy trước được những rủi ro trong kinh doanh, ngân hàng có thể lượng hóa, phân tích được rủi ro đó có xứng đáng với kết quả kinh doanh mang lại hay không. Nói cách khác là tối ưu hóa kết quả trên rủi ro. 

Điều đó đã được vận dụng vào quá trình hoạt động, kinh doanh của OCB ra sao?

 Việc áp dụng chuẩn mực Basel II được OCB cụ thể hóa rõ qua các chỉ số đo lường trong khâu lập kế hoạch kinh doanh, triển khai kinh doanh, giám sát triển khai kế hoạch kinh doanh. 

Chẳng hạn có thể kể ra, trong quy trình lập kế hoạch, OCB phải xây dựng các kịch bản để đánh giá mức độ chịu đưng vốn tối đa của ngân hàng (stress test), là một trong những cơ sở  để xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm và xác định phương án tăng vốn trong dài hạn.

Bên cạnh đó, việc vận dụng Basel II để định hướng danh mục cho vay tối ưu cũng được OCB triển khai ngay trong khâu lập kế hoạch, nhằm hạn chế tối đa mức rủi ro có thể xảy ra. Hay nói cách khác, kế hoạch kinh doanh hàng năm của OCB sẽ được kiểm tra qua các quy chuẩn của Basel II, nhằm hạn chế rủi ro trước khi triển khai thực tế. 

Ông có nghĩ rằng, việc bước vào “vùng an toàn” quá sớm sẽ hạn chế cơ hội trong kinh doanh của Ngân hàng khi phải áp dụng các chuẩn mực khắt khe hơn?

Tất nhiên, trong kinh doanh ngân hàng luôn phải biết nắm bắt cơ hội và không chỉ cơ hội đó luôn đảm bảo rủi ro mà ngay cả khi có rủi ro cũng phải biết nắm bắt. Tất nhiên, ngân hàng phải cân nhắc được giữa rủi ro và lợi nhuận thu về.

Do đó, việc áp chuẩn Basel II sớm có thể nhiều người sẽ cho rằng, OCB sẽ đánh mất nhiều cơ hội trong kinh doanh, nhưng tác động của Basel II nhìn về dài hạn nhiều hơn. Một khi khủng hoảng có thể xảy ra, ngân hàng đủ khả năng để chống chọi và tồn tại.

Hệ thống các quy chuẩn Basel II sẽ giúp các ngân hàng tồn tại trong khủng hoảng. Và thực tế, với hoạt động ngân hàng sau một chu kỳ tăng trưởng sẽ đi đến khó khăn.

Trong giai đoạn khó khăn đó, chúng ta mới nhìn ra được giá trị thực sự của việc nâng cao quản trị, chuẩn mực quản lý rủi ro theo các tiêu chuẩn quốc tế để ngân hàng có thể tồn tại. Khi khủng hoảng đi qua, hoạt động ngân hàng mới phát triển, gặt hái. 

Thứ 2, với việc sớm triển khai Basel II, OCB khẳng định được vị thế, sự uy tín của mình trên thị trường, từ đó tạo sự thu hút đối với khách hàng.

Đặc biệt hơn là khi đã nhận diện ra được những rủi ro trong kinh doanh thì ngân hàng có thể mạnh dạn được rủi ro để đẩy vốn vào phân khúc khác hàng tiềm năng. Hiện CAR của OCB lên đến 11 - 12%, cao hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tốc độ tăng trưởng về tổng tài sản, tốc độ tăng trưởng kinh doanh của OCB những năm gần đây cho thấy điều đó. Có thể, nếu nói về quy mô, OCB chưa phải là ngân hàng có quy mô hàng đầu, nhưng về chất lượng tổng tài sản và chất lượng kinh doanh thì OCB luôn là ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng từ 30-37% từ năm 2017 đến nay. Trong khi, nợ xấu của OCB kiểm soát ở mức thấp. 

Việc sớm áp chuẩn Basel II tạo điều kiện cho OCB trong tăng trưởng tín dụng?

Ngân hàng OCB đã tăng trưởng tín dụng lên 20% trong hơn nửa đầu năm và đến nay ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay bằng cách đẩy vốn cho khách hàng nhỏ lẻ. Bởi khi cho vay bán lẻ, khách hàng sẽ liên tục tất toán và cho vay khách hàng mới.

OCB tập trung bán lẻ trong những năm gần đây đã tác động tích cực lên hoạt động kinh doanh. Tất nhiên, việc áp chuẩn Basel II không chỉ tạo điều kiện cho OCB trong phát triển tín dụng mà quan trọng hơn đó chính là kiểm soát được chất lượng tín dụng, rủi ro...

Vì vậy, hoàn tất Basel II cuối năm 2017 chưa phải là điểm đích của OCB,  OCB sẽ tiếp tục triển khai, nâng cấp để có thể tiến tới áp chuẩn Basel II nâng cao rồi đến Basel III trong tương lai. 

 Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến