Sihanoukville nhìn từ trên cao (Ảnh: Media Corp)
Sihanoukville từng là một thành phố im lìm ở tây nam Campuchia và là điểm khám phá nổi tiếng với khách du lịch “tây ba lô” vì những bãi biển đẹp. Nhưng trong vòng hai năm qua, Sihanoukville đã chứng kiến gần 30 sòng bài do người Trung Quốc vận hành mọc lên, chưa kể tới 70 sòng bài khác đang được xây dựng.
Nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, thành phố ven biển Campuchia đã thay da đổi thịt thành một trung tâm sòng bài với lượng khách du lịch, đầu tư nước ngoài và kinh tế bùng nổ. Tuy vậy, không phải người dân nào cũng hài lòng với tốc độ phát triển nhanh chóng như vậy.
Vuth Ung, một chủ nhà hàng Campuchia, đã than phiền về việc kinh doanh ế ẩm khi khách du lịch và nhà đầu tư Trung Quốc thường chọn ăn uống tại các nhà hàng mới mở do người Trung Quốc điều hành.
“Họ muốn tất cả thu nhập của họ đều quay về túi người Trung Quốc”, ông Ung than vãn.
Làn sóng đầu tư của Trung Quốc đã biến Sihanoukville thành một “Macau thu nhỏ”, không chỉ có các khu nghỉ dưỡng sòng bài mà còn có các công viên giải trí, từ đó tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Tuy vậy, ở một thành phố tràn ngập sự hào nhoáng như Sihanoukville, các doanh nghiệp địa phương đang phải vật lộn để có thể tiếp tục công việc làm ăn của mình.
Hàng trăm doanh nghiệp gia đình Campucia đã phải đóng cửa trong vòng một năm qua. Nhiều cơ sở kinh doanh bị thu hồi do chủ nhà muốn cho doanh nhân Trung Quốc, những người có khả năng trả giá cao gầp 5 lần, thuê.
Tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi các doanh nghiệp địa phương mất đi nguồn khách hàng truyền thống, đó là những khách du lịch phương Tây thường tới đây để khám phá cảnh đẹp tự nhiên.
Sự đổ bộ của khách du lịch Trung Quốc đã đẩy giá khách sạn tăng gần gấp 3. Năm ngoái, khoảng 120.000 khách Trung Quốc tới Sihanoukville, cao gấp 4 lần so với năm trước đó.
Do vậy, những khách “tây ba lô” với tài chính hạn hẹp không còn tới Sihanoukville nữa. Điều này đã tác động không nhỏ tới các doanh nhân và những ông chủ kinh doanh nhà hàng như ông Ung.
Các sòng bài mọc lên ồ ạt tại Sihanoukville. (Ảnh: Media Corp)
2 năm trước đây, ông Ung điều hành một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất ở Sihanoukville. Còn bây giờ, nhà hàng của ông luôn vắng khách và ông đổ lỗi cho người Trung Quốc.
“Khách phương Tây đến rất ít. Họ không còn đến đây nữa”, ông Ung nói.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Campuchia năm nay, hiện có khoảng 210.000 người Trung Quốc đang sống ở Campuchia, so với hơn 100.000 người hồi năm ngoái. Trong số này, hơn 78.000 người đang sống ở tỉnh Sihanoukville.
Tỷ lệ tội phạm cũng tăng lên. Tỉnh trưởng Sihanoukville Yun Min cảnh báo sự hiện diện của người nước ngoài đã tạo cơ hội cho “những người Trung Quốc thuộc các băng đảng mafia thực hiện các hành vi phạm tội và bắt cóc các nhà đầu tư Trung Quốc”, tạo ra một “môi trường bất ổn về an ninh”.
Tiến sĩ Mey Kalyan tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh, cố vấn cấp cao tại Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao cho rằng tốc độ phát triển như hiện nay là quá nhanh.
“Nó sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong hệ thống… tạo ra tâm lý lo ngại cho người dân địa phương”, ông Mey nói, đồng thời cho biết nhiều người Campuchia cảm thấy rằng đất nước của họ đang rơi vào tay những người nước ngoài.
Nhiều cơ hội việc làm
Các sòng bài Trung Quốc tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương ở Campuchia. (Ảnh: Media Corp)
Ngoài những tác động tiêu cực, Sihanoukville cũng được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư của Trung Quốc khi có nhiều cơ hội việc làm được tạo ra. Được hấp dẫn bởi mức lương và thưởng hậu hĩnh khi làm việc tại các sòng bài, nhiều người dân địa phương đã chuyển từ các vùng nông thôn tới thành phố để tìm việc làm.
Sòng bài và khách sạn Jin Bei là một trong những sòng bài mới nhất với 30 bàn chơi và 560 nhân viên, trong đó 95% là người Campcuhia. Benson Tan, giám đốc điều hành của sòng bài Jin Bei, tin rằng nếu không có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, tốc độ phát triển kinh tế của Sihanoukville sẽ tụt hậu từ 5-10 năm.
Ông Tân lấy ví dụ về mạng lưới cao tốc nối thành phố Sihanoukville với thủ đô Phnom Penh, giúp rút ngắn khoảng cách đi lại xuống còn 2 tiếng rưỡi.
“Điều này sẽ giúp đưa hàng triệu khách tới Sihanoukville. Tôi nghĩ chúng tôi có thể thu hút nhiều khách quốc tế tới nơi này”, ông Tan nói.
Luồng tiền mới cũng biến Sihanoukville thành trung tâm đầu tư về sản xuất. Đặc khu kinh tế miễn thuế Sihanoukville, khu công nghiệp lớn nhất Campuchia, đang phát triển thành một trong những đặc khu kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Với diện tích hơn 1.100 hecta, đặc khu này được xem là trụ cột cho quan hệ hợp tác Campuchia - Trung Quốc.
Ngoài các tòa nhà văn phòng và chung cư, đặc khu Sihanoukville còn quy tụ khoảng 100 nhà máy do Trung Quốc sở hữu, hoạt động trong các ngành công nghiệp như dệt may và gia công máy móc hạng nặng.
Thủ đô thay da đổi thịt
Đường cao tốc nối thủ đô của Campuchia. (Ảnh: Media Corp)
Không chỉ tại Sihanoukville, Trung Quốc cũng cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng tại các khu vực khác ở Campuchia, trong đó có thủ đô Phnom Penh.
Thủ đô của Campuchia từng là một thành phố chậm phát triển, tuy nhiên sự bùng nổ của các công trình xây dựng trong thời gian gần đây đã thay đổi bộ mặt của Phnom Penh với những tòa nhà cao tầng ngày càng nhiều.
Trước đây, giá bất động sản ở Campuchia thường thấp. Nhưng khi người Trung Quốc đến và bắt đầu thực hiện các dự án xây dựng, mức giá đã tăng lên.
“Tại một số khu vực, giá đất tăng lên từ 2-5 lần trong vòng một năm. Do vậy các chủ đất được hưởng lợi nhiều từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Họ rất vui”, Chủ tịch Hiệp hội Định giá và Môi giới bất động sản của Campuchia, cho biết.
Khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Campuchia sau vụ bắt giữ lãnh đạo đảng đối lập và giải tán đảng của ông này hồi năm ngoái, Trung Quốc vẫn ủng hộ chính quyền Campuchia và tiếp tục nỗ lực theo đuổi con đường phát triển của Bắc Kinh tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tiến sĩ Mey Kalyan nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Campuchia. Đồng tình với quan điểm này, Lim Chea Vutha, đồng sáng lập hãng tin Fresh News của Campuchia, cho biết ông ủng hộ sự đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia và khẳng định, “Trung Quốc không tìm cách phá hoại Campuchia”.
“Tôi ủng hộ chính sách Một Vành đai, Một Con đường của Trung Quốc vì nó cải thiện mối quan hệ giữa siêu cường Trung Quốc và các nước ở châu Á cũng như toàn thế giới. Bằng cách mở rộng thương mại, sáng kiến này đã giúp Campuchia phát triển hơn”, ông Lim nói.
Theo Dân trí
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy