LTS: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển bùng nổ nhưng đã đứng lại sau cú “phanh gấp” năm trước. Sự trầm lắng kéo dài trong hơn một năm qua vẫn tiếp diễn. Dù vậy, đã có sóng ngầm trên thị trường này, với những thỏa thuận dồn dập giữa doanh nghiệp với các trái chủ, giữa ngân hàng với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư. Cơ hội tương lai của thị trường trái phiếu sẽ ra sao? Những gì cần thiết để thị trường trái phiếu phát triển mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, giảm bớt gánh nặng lên vai hệ thống ngân hàng cũng như thị trường cổ phiếu, như xu hướng ở các nền kinh tế phát triển? |
Lãi suất trái phiếu, nơi cao chót vót, chỗ chỉ bằng nửa lãi vay ngân hàng
Thị trường trái phiếu (TPDN) tiếp tục quá trình tái cấu trúc sau những biến động không thuận trong năm 2022, đến từ các vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, SCB… Niềm tin trên thị trường dường như chưa được khôi phục. Nhiều doanh nghiệp xoay xở giải quyết các khoản nợ trái phiếu cũ. Trong khi đó, cũng có những doanh nghiệp phát hành mới.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong gần 7 tháng đầu năm 2023, có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với trị giá 62.300 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ. Tổng TPDN được mua lại trước hạn đạt 135.300 tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong những tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp bất động sản chấp nhận vay hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 13-14% trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động trên hệ thống ngân hàng giảm mạnh, về quanh mức 6-8%/năm.
Cuối tháng 6/2023, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Bất động sản TMT hoàn tất huy động hơn 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm với mức lãi suất 13,75%/năm. Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (XD3C) huy động lô trái phiếu 2.250 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và mức lãi suất 14%/năm. Vinam Land huy động 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm với lãi suất 14%/năm. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Khánh Mỹ cũng đã phát hành 2.245 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 6 năm, lãi suất 14%.
Trong giai đoạn tháng 3-4/2023, một số lô trái phiếu được phát hành với mức lãi suất tương tự. Đáng chú ý, thương vụ CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi sao Phương Nam và CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An huy động tương ứng 4.695 tỷ đồng và 4.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu, kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất đều 13%/năm.
Gần đây, một tập đoàn lớn thông báo về việc chào bán 5 lô trái phiếu ra công chúng với tổng trị giá 10.000 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có kỳ hạn 24-36 tháng, trả lãi mỗi 6 tháng. Lãi suất của 2 kỳ tính lãi đầu tiên cố định ở mức 14,5-15%/năm. Từ kỳ thứ 3 trở đi, lãi suất sẽ bằng tổng của 4-4,5% và lãi suất tham chiếu.
Ngoài mảng bất động sản, một số ngân hàng và DN lớn khác huy động trái phiếu ở mức lãi suất thấp hơn, từ 9-12%/năm. Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo hồi đầu tháng 6 huy động 2.600 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, với lãi suất 9%/năm. VietJet huy động gần 3.000 tỷ đồng trong hơn 2 tháng qua với lãi suất 12%/năm.
Ở chiều ngược lại, một điểm rất đáng chú ý, một số doanh nghiệp huy động trái phiếu với mức lãi suất rất thấp, có nơi bằng chưa tới nửa lãi suất huy động ngân hàng.
Ngày 6/6, CTCP Doanh nghiệp xã hội Ivy Care đã phát hành lô trái phiếu trị giá 15 tỷ đồng, kỳ hạn 6 năm với lãi suất cố định 1,33%/năm. Trước đó, vào năm 2022, Ivy Care cũng phát hành một lô trái phiếu với mức lãi suất và điều kiện tương tự.
Hồi giữa tháng 4, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, không có tài sản đảm bảo với lãi suất chỉ 5,25%/năm.
Về trái phiếu phát hành trước đó, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Lượng mua lại áp đảo lượng phát hành mới.
Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm, lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu, như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land...
Hồi đầu tháng 5, Bất động sản Phát Đạt lùi lịch đáo hạn, nâng lãi suất của các lô trái phiếu trị giá vài trăm tỷ đồng từ 12-13% lên 15%.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn trầm lắng.
Thị trường ảm đạm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường TPDN phát hành riêng lẻ hiện có dư nợ khoảng 1,02 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 42,7 tỷ USD (chiếm 10,8% GDP năm 2022), bằng 8,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Đánh giá về trái phiếu doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2023, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường này còn rất trầm lắng. Lý do là bởi các nhà đầu tư (NĐT) vẫn còn mất niềm tin vào trái phiếu.
Về hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều lý do để DN làm việc này, có thể do dự án của DN không còn khả thi nên muốn tất toán để giảm chi phí tài chính và DN cũng có thể tiếp cận nguồn vốn khác với lãi suất thấp hơn...
“Trước đây, có thể một số đợt phát hành trái phiếu chưa chuẩn về quy định như mục đích sử dụng vốn. Vì vậy, DN có thể lựa chọn mua lại trái phiếu nhằm tránh rủi ro pháp lý tiềm ẩn”, ông Hiếu nhận định.
Về hoạt động phát hành mới, theo TS. Hiếu, có những trái phiếu được phát hành cho các bên liên quan, do vậy lãi suất rất thấp.
“Các tổ chức biết nhau, tin tưởng và giúp đỡ nhau trong khó khăn, nên mới có mức lãi suất như vậy (thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng)”, ông Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, nếu phát hành thực tế trên thị trường, lãi suất vẫn rất cao, 13-14%/năm, thậm chí, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, có thể còn không phát hành được. Hiện tại, người mua chủ yếu là ngân hàng, tổ chức còn NĐT cá nhân rất ít.
Theo Bộ Tài chính, việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu đã góp phần ổn định tâm lý của NĐT; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.
Trong khi đó, đánh giá về Nghị định 08 (sửa đổi lại Nghị định 65 về trái phiếu), ông Hiếu cho rằng không có tác động mạnh mẽ, chưa tháo gỡ được nhiều. Thị trường vẫn còn trầm lắng. Các tổ chức doanh nghiệp “biết nhau” thì mua trái phiếu. Trong khi hoạt động mua lại trước hạn rất nhiều.
Theo ông Hiếu, các thay đổi lớn theo Nghị định 08 (chưa xem xét NĐT chuyên nghiệp, thỏa thuận lùi việc trả nợ, dùng tài sản cấn trừ, lùi quy định xếp hạng tín nhiệm…) mới chỉ tạo điều kiện cho người phát hành mà chưa giúp cho NĐT cảm thấy yên tâm hơn. Việc nới lỏng quy định tạo rủi ro cho NĐT.
Ông Nguyễn Bá Khương - Chuyên viên Phân tích vĩ mô, CTCK VNDirect - cho rằng, Nghị định 08 được ban hành trong đó có một số nội dung hoãn thi hành một số điều kiện phát hành bao gồm “quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định tăng thời gian phân phối”, đã giúp cho hoạt động phát hành TPDN có sự phục hồi nhất định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo ông Khương, trong bối cảnh thị trường TPDN vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, niềm tin của các NĐT vẫn chưa quay trở lại với thị trường khi nhiều tổ chức phát hành (TCPH) vẫn còn đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Số lượng các TCPH chậm thanh toán nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên, cùng với nhiều trái chủ sở hữu trái phiếu liên quan đến các tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tân Hoàng Minh vẫn chưa đòi lại được các quyền lợi của mình. Do đó, hoạt động phát hành TPDN trong thời gian qua còn trầm lắng và có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Về mức chênh lãi suất trong các đợt phát hành TPDN riêng lẻ gần đây có thể lý giải nguyên nhân chính là do có sự khác nhau về mức độ danh tiếng, rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng vốn và nguồn lực tài chính của các TCPH.
Ví dụ các TCPH là các ngân hàng với mức độ tin cậy cao và tiềm lực tài chính mạnh sẽ có lãi suất phát hành ở mức thấp hơn mức lãi suất chung của thị trường, thực tế các đợt phát hành TPDN riêng lẻ gần đây của các ngân hàng có lãi suất khoảng từ 6-8%/năm.
Trong khi các TCPH có ít tên tuổi, hoạt động kinh doanh được đánh giá nhiều rủi ro hơn như doanh nghiệp bất động sản thường sẽ có lãi suất phát hành cao hơn mức lãi suất chung của thị trường. Thực tế, mức lãi suất phát hành trái phiếu gần đây của một số doanh nghiệp bất động sản khoảng từ 12-14%/năm.
Tỷ lệ trái phiếu/GDP tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại tọa đàm gần đây, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cho rằng, nhìn những quốc gia đã tạo ra sự phát triển thần kỳ thì thị trường trái phiếu có vai trò rất quan trọng, chiếm quy mô đến 100% của GDP, trong đó khoảng 50% của doanh nghiệp và 50% của Chính phủ. Tuy nhiên, thị trường TPDN Việt Nam không những có quy mô còn rất nhỏ mà còn chùng lại trong hơn một năm qua. |
Bài sau: Phát hành trái phiếu quốc tế: Sân chơi của 'ông lớn' nhưng khó có lãi suất thấp
Tác giả: Mạnh Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy