Sóng ngầm trong ngành sản xuất, chế biến gỗ tại Đồng Nai
15/01/2016 09:21:58
ANTT.VN - Từ chỗ chỉ là rác thải phải thuê người mang đi đổ thì nay các phế liệu như dăm bào, mạt cưa… đang trở thành nguồn nguyên liệu được săn đón thu mua. Cùng với sự “nhộn nhịp” của mình thì thị trường này cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại về kinh tế do sự lũng đoạn của các tay “cò” và nhiều dấu hiệu của việc “dựa hơi” thu mua phế liệu để xả thải trái phép.
Khốn khổ vì thị trường nằm trong tay “cò”

Củi ép từ dăm bào, mạt cưa (chất thải sinh khối) có nhiệt trị cao, rất ít tro, sạch, đặc biệt phù hợp để thay thế những loại nhiên liệu hóa thạch như dầu diesel, than đá... trong sinh hoạt, lò đốt… nhất là ở các nước phát triển. Do nhu cầu cao của thị trường đối với sản phẩm này nên hiện nay, tính riêng ở khu vực TP. Biên Hòa, Đồng Nai đã có hàng chục cơ sở ép củi từ dăm bào, mạt cưa, công suất từ vài tấn tới vài chục tấn/ngày để xuất khẩu.

Xe tải vi phạm của công ty Vương Đại Nghĩa bị tạm giữ.

Đối với nguyên liệu để sản xuất củi ép, do “cung ít, cầu nhiều”, trong khi khả năng quản lý của các cơ quan nhà nước là có hạn nên hoạt động mua bán, môi giới mùn cưa, dăm bào ở đây đang có nhiều diễn biến phức tạp. Kéo theo đó là các hệ lụy, nguy cơ mất trật tự xã hội, môi trường bị xâm hại.

Các cơ sở ép củi muốn mua được nguyên liệu, thường phải thông qua cò, phải đặt cọc cho “cò” hoặc doanh nghiệp chế biến gỗ hàng trăm triệu đồng… Chia sẻ với PV về thông tin này, một chủ cơ sở ép củi cho biết: trong vài năm trở lại đây không chỉ riêng chúng tôi mà nhiều cơ sở khác đã không ít lần khốn đốn vì sự lũng đoạn của các “tay cò”. Ngoài việc bị ép giá, nâng giá, có “tay cò” còn kiếm cớ là chúng tôi dọn không sạch sẽ, trả tiền chậm… rồi “xù” cả tiền đặt cọc của chúng tôi.

Đưa cho PV xem tập hợp đồng đã ký với “cò”, chủ cơ sở ép củi nêu trên cho biết: vào đầu năm 2013, chúng tôi có ký hợp đồng mua bán phế liệu với Doanh nghiệp tư nhân Đạt Thịnh (Biên Hòa, Đồng Nai), chủ doanh nghiệp này là bà Trần Bích Ngọc. Theo những thỏa thuận giữa 2 bên thì chúng tôi được bên bà Ngọc bán cho các loại phế liệu như: dăm bào, củi vụn, mùn cưa… từ nhà máy của bên thứ 3. Trong khi chúng tôi phải trả cho bà ngọc khoảng 2 triệu đồng/1 xe thì bà Ngọc chỉ phải trả cho bên thứ 3 là nhà máy chế biến sản xuất gỗ khoảng 1,3 – 1,5 triệu đồng/1 xe. Tuy nhiên, việc “cắt cò” chưa khổ sở bằng việc bà Ngọc ép đặt cọc hàng trăm triệu đồng với những lý do “trên trời” như: “Để bên B được nhận hàng” hay “Xử lý rác sinh hoạt, rác nguy hại”… Cho đến nay dù hợp đồng đã được thanh lý hơn 02 năm thế nhưng bà Ngọc vẫn chưa trả lại tiền đặt cọc cho chúng tôi.

Chủ nguồn thải và đơn vị xả thải có thể bị xử lý hình sự

Như vậy, nếu như trước đây, đối với dăm bào, mạt cưa các công ty sản xuất gỗ phải thuê người đổ đi thì nay lại góp phần giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ có thêm nguồn thu rất lớn từ các cơ sở thu gom, sản xuất viên củi ép.

Tuy nhiên, điều đáng nói là từ việc bán phế liệu dăm bào, mạt cưa nêu trên đã có dấu hiệu một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ “phó mặc” cho cơ sở thu gom trả chi phí, chịu trách nhiệm việc xử lý rác thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất. Từ đó dẫn tới nguy cơ các chất thải độc hại như: Giẻ lau dầu máy, sơn, vỏ hộp hóa chất…  “xả chui” ra ngoài môi trường gây ô nhiễm – vấn đề đã và đang nhức nhối tại Đồng Nai trong nhiều năm qua.

Để có thông tin chi tiết về việc này, nhóm PV đã thực hiện việc tìm hiểu, điều tra, ghi nhận thực trạng thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý rác thải nguy hại tại một số doanh nghiệp khu vực Khu công nghiệp Tam Phước (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa).

Một thực tế ngỡ ngàng tại đây là, có doanh nghiệp có dấu hiệu “phó mặc” cho cơ sở thu gom tự lo về vấn đề vận chuyển, lưu giữ và xử lý rác thải nguy hại. Rác thải nguy hại tại nhà máy được dồn vào một khu vực, sau đó dùng xe tải thông thường (không phải xe chuyên chở rác thải nguy hại được cấp phép, có dán hình, logo cảnh báo nguy hiểm) chuyên chở tới một địa chỉ nằm sâu trong khu vực khá heo hút, hai bên là rừng bạch đàn, không rõ tên cơ sở bên ngoài…

Việc phó mặc cho cơ sở thu gom “chịu trách nhiệm” về rác thải nguy hại, hoặc giao cho doanh nghiệp không đủ chức năng, điều kiện vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại mang tới nguy cơ rất lớn về môi trường, uy tín doanh nghiệp.

Một ví dụ điển hình là chính tại TP. Biên Hòa, vào cuối năm 2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Đồng Nai (PC49) Đồng Nai đã bắt quả tang xe ô tô tải biển số 60C-105.41 đang bỏ các loại chất thải nguy hại xuống kho phế liệu của Cty TNHH MTV Vương Đại Nghĩa, do ông Nguyễn Hùng Vương làm giám đốc (KP.8, P. Long Bình, TP.Biên Hòa). Qua kiểm tra, công an phát hiện trên xe có 25 vỏ thùng phuy sắt loại 200 lít và 300 vỏ thùng phuy sắt loại 20 lít chứa sơn, dung môi thải, tất cả đều có ký hiệu nguy hại và độc tính. Đây là hành vi trái pháp luật, bởi công ty Vương Đại Nghĩa chỉ được cấp phép hành nghề dịch vụ vệ sinh công nghiệp, mua bán phế liệu, hoạt động xử lý chất thải (trừ các chất thải nguy hại).

Chia sẻ với PV, một cán bộ lãnh đạo phụ trách vấn đề Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai) thông tin, các hành vi xả chất thải nguy hại trái phép nếu bị phát hiện có thể sẽ bị xử lý hình sự. Đặc biệt, nếu đơn vị nhận vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại nhưng lại không có giấy phép, thì doanh nghiệp chủ nguồn thải sẽ bị xử lý.

Trao đổi với PV, một cán bộ hải quan cho hay: Nếu để rác thải nguy hại chưa qua xử lý, phát tán trái phép ra ngoài môi trường thì ngoài các hậu quả do ô nhiễm gây ra, khiến chúng ta phải hứng chịu thì các doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị các thị trường “khó tính” như Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… tẩy chay, cắt hợp đồng, trả hàng hóa do quy định rất chặt chẽ của các quốc gia này khi lập “hàng rào” về môi trường đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin điều tra về vụ việc này tới bạn đọc.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến