Dòng sự kiện:
Sống trong sợ hãi
14/07/2015 10:30:18
ANTT.VN – Vụ giết người man rợ ở Bình Phước gây rúng động dư luận cả nước đang trở thành đề tài nóng hổi trên mặt báo, tại các công sở, thành chủ đề bàn luận ở các quán xá, len lỏi vào từng bữa cơm gia đình. Các nghi phạm đã bị bắt và đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, song dư âm về sự thảm khốc, man rợ vẫn còn đó, khiến người ta chơi vơi, hoang mang, sợ hãi…

Tin liên quan

Một cư dân mạng treo dòng trạng thái trên mạng xã hội Facebook: “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung - Bắc Văn Luyện, Nam Hải Dương” để cảm thán rằng miền Bắc đã tưởng Lê Văn Luyện dã man, tàn ác lắm rồi, nào ngờ miền Nam còn vượt xa bởi nghi can Nguyễn Hải Dương, chẳng khác nào hai anh tài Kiều Phong và Mộ Dung trong truyện kiếm hiệp “Thiên Long Bát bộ” của Kim Dung.
 
Một xã hội hiện đại trong thời bình khi đã hơi thỏa mãn với cuộc đấu tranh sinh tồn chống lại cái đói cái rét và cái dốt, thì nay vẫn phải vật lộn chống lại cái ác. Nghèo đói, chết, đã đành. Giàu có sung túc, có biệt thự 3000 m2, có xe thể thao 8 tỉ đồng, vẫn chết. Ngu dốt thất học, giết người, đã đành. Cử nhân đại học như Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Hải Dương khi bị rối loạn hành vi, mất nhân cách tạm thời, vẫn trở thành kẻ thủ ác như bao kẻ thủ ác thất học khác.

Chẳng thế mà Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có điều khoản bỏ tội danh tử hình đối với một số đối tượng, khi được đưa ra thảo luận tại kỳ họp quốc hội khóa XIII vừa rồi, đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cho rằng nhân đạo với cái ác là hành xử ác với toàn thể xã hội loài người. Quan điểm đó được dư luận xã hội đồng tình, nhất là trong bối cảnh mà tội phạm tăng nhanh hơn dân số hiện nay. Theo thống kê, trong năm 2014, cơ quan chức năng đã khởi tố 77.500 vụ án hình sự, với hàng chục vạn bị can, tăng 1,4% so với năm 2013.

Không chỉ đối mặt với tội phạm hình sự, hàng ngày hàng giờ, con người phải sống chung với hiểm họa rình rập khắp mọi nơi. Ra đường thì tai nạn giao thông với đinh tặc, xe bồn, xe điên. Ăn uống thì ngộ độc thực phẩm. Trẻ em thiếu bảo vệ, chết vì tắm sông tắm suối. 

Suy rộng ra, không chỉ giết người mới là ác. Tham nhũng, tham lam, vô trách nhiệm cũng là tội ác gián tiếp.

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng có phương pháp giáo dục thành công (ảnh: Internet)

Không thể chỉ đổ lỗi cho cái nghèo cái đói mới là nguồn cơn của sự bất công. Bên cạnh đó còn có vai trò của ý thức, dân trí, mà nguồn gốc là giáo dục. Bác Hồ cũng dạy rằng “Ngủ thì ai cũng như lương thiện. Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền. Thiện ác phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Giáo dục không chỉ là học vấn, bằng cấp. Cần phải giáo dục cả vốn sống, lòng nhân ái. Nên chăng nhìn sang nước bạn Nhật Bản mà học cách giáo dục của người ta, trẻ nhỏ sinh ra trước tiên được dạy cách cảm ơn và xin lỗi, khi trưởng thành không nhất thiết phải nên ông nọ bà kia nhưng nhất định phải là một người nhân ái, sống tích cực. Sau vài chục năm, họ có những công dân trong hiểm họa sóng thần, khi sự sống như ngàn cân treo sợi tóc, vẫn nhẫn nại đứng xếp hàng chờ đến lượt nhận cứu trợ, không tranh giành hay chen lấn xô đẩy.                          
                                                                                                                            HÀN.
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến