Dòng sự kiện:
Sri Lanka sẽ tiếp tục trong tình trạng vỡ nợ đến năm 2026
09/02/2023 10:04:23
Tháng trước, Tổng thống Wickremesinghe ước tính nền kinh tế có thể thu hẹp tới 11% trong 2022, khi dự trữ ngoại hối của Sri Lanka cạn kiệt và các thương nhân không thể nhập khẩu hàng hóa thiết yếu.

Một quầy bán hành, tỏi khô tại chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/2, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết quốc đảo này sẽ tiếp tục trong tình trạng vỡ nợ trong ít nhất ba năm nữa khi ông nỗ lực củng cố năng lực tài chính của chính phủ sau cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Ông Wickremesinghe nhậm chức vào năm ngoái - giai đoạn cao điểm của tình trạng bất ổn quốc gia do thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trong nhiều tháng.

Sau đó, ông Wickremesinghe đã thúc đẩy việc tăng thuế và đàm phán với các chủ nợ quốc tế để mở đường cho một gói cứu trợ vô cùng cần thiết từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong một bài phát biểu trước quốc hội nhằm kêu gọi cải cách kinh tế, ông nói: "Nếu chúng ta tiếp tục theo đuổi kế hoạch này, chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng phá sản vào năm 2026."

Tháng trước, Tổng thống Wickremesinghe ước tính nền kinh tế có thể thu hẹp tới 11% trong năm 2022, khi dự trữ ngoại hối của Sri Lanka cạn kiệt và các thương nhân không thể nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu.

Tuy nhiên, ngày 8/2, ông Wickremesinghe dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023 khi các biện pháp tăng doanh thu mới thúc đẩy nguồn thu của chính phủ.

Chính sách tăng thuế và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu và điện không nhận được sự ủng hộ của người dân Sri Lanka, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng và lạm phát tràn lan. Nhiều nghiệp đoàn đã tổ chức đình công.

Trước đó, ngày 4/2, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên bố nước này đang đáp ứng các điều kiện tiên quyết để nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá 2,9 tỷ USD từ IMF, trong nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng sau khi chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ vào tháng 5/2022.

Sri Lanka hiện vẫn đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành lại độc lập năm 1948 với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, lạm phát phi mã và nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Do tình trạng vỡ nợ quốc tế, đảo quốc với 22 triệu dân này cũng đang phải chịu mức thuế cao cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cùng nạn khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, cũng như tình trạng cắt điện mỗi ngày./.

Tác giả: Trà My

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : vỡ nợ , sri lanka
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến