Dòng sự kiện:
SSI Research: Chính sách tiền tệ dịch chuyển rõ nét theo hướng hỗ trợ tăng trưởng
11/12/2019 06:00:41
Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng cho thấy quan điểm điều hành thận trọng của NHNN.

Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt nam tháng 11/2019 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, chuyên gia của SSI cho hay sau tín hiệu dừng hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), làn sóng nới lỏng tiền tệ trên thế giới cũng có vẻ chững lại trong tháng 11, chỉ ghi nhận 10 ngân hàng trung ương (NHTW) giảm lãi suất trong tháng vừa qua trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Mexico; bằng một nửa so với số lượng NHTW cắt giảm lãi suất hàng tháng giai đoạn tháng 8-10/2019.

Tuy nhiên, theo SSI, xu hướng giảm lãi suất trở lên rõ nét hơn ở Việt Nam với các động thái mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trước Quốc hội.

Cụ thể, NHNN đã bơm ròng 103.176 tỷ đồng trên thị trường mở; giảm lãi suất mua kỳ hạn (OMO) từ 4,5%/năm xuống 4%/năm - bước giảm lớn nhất (0,5 điểm%) trong 5 năm trở lại đây, là lần giảm thứ 2 trong năm nay; tái khởi động lại kênh OMO sau gần 3 tháng không giao dịch; trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn và cho vay lĩnh vực ưu tiên đồng loạt hạ xuống thấp hơn 0,5%/năm so với mức cũ.

Lãi suất Việt Nam đồng (VND) trên liên ngân hàng đi ngang ở mức thấp quanh 2%/năm trong nửa đầu tháng 11 nhưng tăng lên quanh 4%/năm với kỳ hạn qua đêm trong 2 tuần cuối tháng khi nguồn cung tiền đồng từ các NHTM lớn sụt giảm. Tháng 11 là tháng có hiệu lực đầu tiên của Thông tư 58 về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN), theo đó tiền gửi không kỳ hạn của KBNN sẽ được quản lý tập trung về tài khoản của KBNN ở Sở giao dịch NHNN thay vì để tại các NHTM.

Số dư tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại 4 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn là khoảng 250.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính quý III). Trong đó chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn và các NHTM cũng đã chủ động cơ cấu lại kỳ hạn để giảm thiểu ảnh hưởng của Thông tư 58, như Vietcombank giảm số dư tiền gửi không kỳ hạn của KBNN từ hơn 31.000 tỷ đồng vào cuối 2018 xuống còn 5.332 tỷ đồng vào 30/9/2019, BIDV cũng giảm từ gần 19.000 tỷ đồng xuống 4.642 tỷ đồng vào 30/9.

Bởi vậy, thực chất việc áp dụng thông tư mới có làm sụt giảm số dư tiền gửi không kỳ hạn của KBNN tại các NHTM nhưng tác động không lớn. Biến động thanh khoản một phần đến từ việc quay vòng các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại NHTM. Sau một thời gian có hiệu lực của Thông tư 58, cơ chế vận hành nhuần nhuyễn hơn cùng sự điều hành tập trung từ NHNN có thể giảm thiểu tác động từ biến động dòng tiền của KBNN đến thanh khoản và thị trường liên ngân hàng.

Thông thường lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng sẽ dao động trong một hành lang từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO, hiện tại là 2,25% đến 4%/năm. Trong tháng cao điểm cuối năm, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở ngưỡng cao, tức là quanh 4%/năm và giảm trở lại sau Tết nguyên đán.

SSI nhìn nhận, các động thái trên đã có những tác động nhất định đến lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế, không bao gồm tổ chức tín dụng).

Ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và một vài NHTM lớn, lãi suất huy động các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng của hầu hết các NHTM trong những tháng gần đây đều đang ở mức 5,5%/năm nên khi trần lãi suất huy động giảm, một loạt các NHTM cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn này về mức 5%/năm theo "lệnh" từ NHNN.

Điểm đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn cũng đã bắt đầu giảm, rõ rệt nhất là ở nhóm các NHTM có thị phần nhỏ (giảm 0,2-0,3 điểm%), thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các NHTM lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4,1-5,0%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5-7,5%/năm và từ 12-13 tháng là 6,4-7,9%/năm.

Bên cạnh việc thể hiện quan điểm hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng hơn, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN về tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

"Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng tổng thể cùng với lộ trình siết chặt các quy định an toàn về vốn và tín dụng cho thấy quan điểm điều hành thận trọng của NHNN. Giảm lãi suất vẫn đang được cân đối với kiểm soát lạm phát, tỷ giá và sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng", chuyên gia của SSI đánh giá.

Phía SSI nhấn mạnh, trong tháng 12, cung cầu ngoại tệ vẫn thuận lợi nhưng do lạm phát nên lãi suất thị trường 1 sẽ khó giảm. Tuy nhiên, sang năm 2020, với dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh sau Tết nguyên đán, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5%-1% từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.

"Các kỳ hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm NHTM lớn và nhỏ", SSI lưu ý.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến