Dòng sự kiện:
Sử dụng nước thô bị ô nhiễm, người dân vẫn phải mua nước sạch với giá cao
12/07/2019 15:21:32
Dù Công ty cấp nước Nghệ An đang sử dụng nước thô sông Đào bị ô nhiễm thế nhưng người dân TP Vinh và vùng phụ cận vẫn phải mua nước sạch với giá cao.

Thời gian gần đây, trên địa bàn Nghệ An nói chung và TP Vinh nói riêng xôn xao về vấn đề chất lượng và giá nước sạch mà hàng ngàn người dân địa phương đang sử dụng.

Đặc biệt, vào đầu năm 2019, giữa 2 công ty là Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An (công ty 100% vốn Nhà nước, nay đã cổ phần hóa) và Công ty CP Đầu tư Tuấn Lộc (công ty tư nhân) có sự bất đồng về giá bán nước thô đầu vào nên Công ty cấp nước Nghệ An đã hạn chế lấy nước thô của Công ty cấp nước Sông Lam. Trước tình hình đó, Công ty cấp nước Sông Lam đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị và yêu cầu Công ty cấp nước Nghệ An phải lấy nước thô theo cam kết trước đó.

Được biết, vào năm 2014, mặc dù dự án cấp nước thô chưa được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng ngày 25/11/2014, Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An và Công ty CP Đầu tư Tuấn Lộc đã ký biên bản làm việc đưa ra giá nước thô là 1.950 đồng/m3. Đến ngày 22/12/2014, UBND tỉnh Nghệ An mới ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh cho Công ty Tuấn Lộc.

Ngày 28/1/2015, tuy tỉnh Nghệ An chưa thẩm định giá trị đầu tư của dự án cấp nước thô của Công ty cấp nước Sông Lam 496 tỷ đồng nhưng trong thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước thô ký giữa UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Cấp nước Sông Lam (thuộc Công ty Tuấn Lộc), UBND tỉnh Nghệ An bất ngờ chấp thuận giá nước thô đúng bằng với giá của Công ty Tuấn Lộc và Công ty cấp nước Nghệ An tự thỏa thuận.

Trạm bơm nước thô sông Lam (Công ty Tuấn Lộc).

Đến nay, sau nhiều năm đi vào hoạt động và thu tiền nước thô của hàng ngàn người dân TP Vinh với giá 1.950 đồng/m3 nước thô (tương đương 1 hộ dân phải chi trả cho Công ty Tuấn Lộc là gần 3.000 đồng/m3 nước sinh hoạt, bao gồm cả thuế GTGT là gần 3.300 đồng/m3), tỉnh Nghệ An vẫn chưa thẩm định giá trị đầu tư dự án của Công ty cấp nước sông Lam chính xác là bao nhiêu, để từ đó làm căn cứ tính giá nước thô, giá nước sinh hoạt bán cho người dân.

Không chỉ vậy, tỉnh Nghệ An đã ký bản thỏa thuận tạo thế “độc quyền” cung cấp nước thô với Công ty cấp nước Sông Lam. Theo đó, tỉnh Nghệ An cam kết, chỉ đạo Công ty cấp nước Nghệ An tiếp nhận và đảm bảo tiêu thụ toàn bộ khối lượng nước thô do Công ty cấp nước Sông Lam cung cấp trong suốt thời gian hoạt động của dự án (50 năm). Mức giá nước thô chưa thuế GTGT được tính là 1.950 đồng/m3 (tương ứng với tổng mức đầu tư dự án 496 tỷ đồng). Từ năm thứ 2 trở đi, cứ 2 năm tăng giá 1 lần, với mức tăng 12%, tăng đến năm 2030.

Đường ống dẫn nước thô của Công ty cấp nước sông Lam.

Xét về vấn đề này, từ ngày 28/12/2018, nhà máy nước Cầu Bạch ngừng mua nước thô của Công ty cấp nước sông Lam (giá 1.950 đồng/m3), thay vào đó là lấy nước sông Đào (giá 900 đồng/m3) để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân TP Vinh và phụ cận. Tuy nhiên, công ty cấp nước Nghệ An vẫn thu tiền nước của người dân theo giá đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt (giá nước bao gồm cả 1.950 đồng/m3 nước thô của Công ty cấp nước sông Lam). Như vậy, từ ngày 28/12/2018, mỗi 1m3 nước thô, công ty cấp nước Nghệ An đã hưởng chênh lệch là 1.050 đồng/m3.

Công ty cổ phần cấp nước Nghệ An ngừng mua nước thô Sông Lam để lấy nước sông Đào sản xuất nước sạch bán cho người dân.

Tuy nhiên, hàng ngàn người dân ở TP Vinh và phụ cận sử dụng nước sinh hoạt từ nhà máy nước cầu Bạch không được công ty cấp nước Nghệ An thông báo hay giảm giá về việc này.

Không những thế, việc Công ty cấp nước Nghệ An sử dụng nước thô từ sông Đào bị ô nhiễm để sản xuất nước sạch đã khiến người dân hoài nghi về chất lượng nước sạch đầu ra.

Cũng từ đây, bên cạnh việc nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm, thêm phần người dân phải gánh tiền nước sạch với giá cao từ Nhà máy nước Nghệ An nên dẫn tới trên địa bàn Nghệ An nhất là TP Vinh đã dấy lên thông tin xôn xao dư luận, Thậm chí, “nóng” cả nghị trường Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Kỳ họp thứ 9, khóa XVII.

Kết quả xét nghiệm nước đầu vào sông Đào bị vượt ngưỡng cho phép.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, trước đây UBND tỉnh Nghệ An có 2 quyết định (năm 2007 và năm 2015) đồng ý cho Công ty CP cấp nước Nghệ An (trước đây là 100% vốn Nhà nước, nay còn 38%) được phép lấy nước từ sông Đào để sản xuất nước sạch. Thời gian qua, 2 doanh nghiệp là Công ty cấp nước Nghệ An và Công ty cấp nước Sông Lam đã cạnh tranh chưa lành mạnh nên nảy sinh một số vấn đề mà người dân đang quan tâm. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu đề nghị HĐND tỉnh có ý kiến để UBND tỉnh chỉ đạo cho càng nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nước thì càng tốt, để từ đó cạnh tranh, nâng cao chất lượng, giảm giá thành nước cho người dân.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, ông Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: "Về vấn đề nước sinh hoạt, trước đây chúng ta có nhiều quyết định, cam kết còn chồng chéo và cần phải xem xét lại. Chúng ta phải quản lý chất lượng nước đầu vào, đầu ra. Tới đây sẽ yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nước sạch lắp đặt quan trắc tự động, quản lý việc sử dụng hóa chất để xử lý nước. Sẽ tính toán, phê duyệt lại giá nước để cho phù hợp nhất. Tiến hành xây dựng quy chuẩn nước sạch địa phương. Tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực nước sạch và nước thô để có sự cạnh tranh lành mạnh, chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn, đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân”.

Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Đại, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, chuyển thành công ty cổ phần không có nghĩa là làm méo mó đi hình ảnh của một công ty cấp nước. Ngược lại, công ty cổ phần phải làm tốt hơn, năng động hơn, nhất là nêu cao trách nhiệm và đạo đức trong kinh doanh.

Trong điều kiện công nghệ xử lý nước của Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, đại biểu Lê Xuân Đại đề nghị các ngành chức năng liên quan phải quan tâm đến chất lượng nguồn nước đầu vào, đảm bảo cung cấp cho người dân và đề nghị chấm dứt lấy nguồn nước sông Đào. Tối đa hóa lợi nhuận, không có nghĩa là bất chấp lợi ích của người dân.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Đình Hoan, thành viên HĐQT công ty CP cấp nước Nghệ An cho rằng: “Trong tháng 3 vừa qua, theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên môi trường Nghệ An có 4 chỉ tiêu vượt ngưỡng tiêu chuẩn sử dụng nước thô. Tuy nhiên, nước đầu ra (nước sạch của nhà máy) thì khẳng định đạt yêu cầu. Riêng giá nước thô, hiện nay giá nước thô của Tuấn Lộc là quá cao. Nếu nước thô Công ty Tuấn Lộc giảm xuống 1.000 đồng/m3 thì nhà máy giảm xuống 1.500 đồng/m3 so với giá hiện tại; nếu, 600 đồng thì nhà máy giảm còn 900 đồng/m3”.

Đại diện Công ty CP cấp nước Nghệ An thừa nhận sử dụng nước đầu vào sông Đào bị ô nhiễm.

Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, các mẫu nước được tiến hành xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An đều được Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và phòng thí nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp giấy chứng nhận ISO. Tuy nhiên, theo bộ quy chuẩn chất lượng thì nguồn nước phải đảm bảo 109 tiêu chí. Với năng lực hiện tại của Nghệ An thì mới chỉ tiến hành kiểm tra chất lượng với 24 chỉ tiêu. Hiện, Sở đã có công văn tới Viện sức khỏe của Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ chuyên môn để xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở Y tế sẽ cung cấp với các cơ quan chức năng toàn bộ kết quả.

Hiện, UBND tỉnh Nghệ An và các ngành liên quan đang tổ chức phối, kết hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt lâu dài, bền vững cho người dân, đồng thời sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn.

Ngọc Tuấn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến