Đầu tư chứng khoán chưa bao giờ trở nên khó khăn và khốc liệt như hơn 3 tháng vừa qua. Từ mức đỉnh 1.200 điểm, VN-Index lao dốc mạnh xuống dưới 900 điểm chỉ trong một thời gian ngắn trước áp lực bán ròng của khối ngoại và tác động từ thông tin chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất thế giới dù quý trước đó được vinh danh quán quân tăng điểm theo số liệu từ IndexQ.
Diễn biến có thể nói là bất ngờ và nằm ngoài dự đoán của nhiều công ty chứng khoán cũng như quỹ đầu tư. Có thể xét trên mặt phân tích kỹ thuật, một vài chuyên gia đã nhìn ra kịch bản trên nhưng không ai có thể ngờ thị trường diễn biến tiêu cực như vậy.
Không có sự phân hóa trên sàn, cổ phiếu đầu ngành, cơ bản tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đặn cùng chung số phận giảm giá, thậm chí nhiều cổ phiếu bluechips giảm gần 50%. Điều này khiến cho nhà đầu tư không kể nhỏ lẻ hay chuyên nghiệp gần như mua cổ phiếu ở bất cứ thời điểm nào cũng chịu số phận thua lỗ.
Trước đây, khi thị trường điều chỉnh sẽ xuất hiện dòng tiền bắt đáy nhưng ở thời điểm hiện tại không có nhiều tiền mới tham gia thị trường. Dòng tiền tiếp tục đứng ngoài quan sát trong khi các nhà đầu tư cũ cố gắng giảm lỗ bằng cách mua bình quân giá.
Cho đến nay, khi mùa báo cáo tài chính đã qua đi, thị trường chứng khoán chỉ mới phục hồi lại vùng giá 950 điểm. CTCK BIDV (BSC) nhận định rằng thị trường có khả năng cao đi ngang và giảm nhẹ trong thời gian tới để chờ đợi những phản ứng từ thị trường quốc tế về hành động áp thuế của Mỹ lên Trung Quốc, cũng như những hành động điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước Việt nam đối với bộ ba tỷ giá - lãi suất - lạm phát.
Trao đổi với người viết, ông Nam Phan – có 13 năm kinh nghiệm và quyền Giám đốc chi nhánh một CTCK lớn nhìn nhận rằng dẫu thị trường chứng khoán thăng trầm thì đây vẫn là kênh đầu tư đáng để “chọn mặt gửi vàng” bởi hàng hóa ở đây là những doanh nghiệp tạo ra tài sản thực, tạo ra giá trị gia tăng thực. Tuy nhiên, nhà đầu tư mắc sai lầm lớn là không bao giờ dám nhìn lại thất bại để rồi sai lầm nối tiếp sai lầm, cùng một lỗi có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Với 13 năm kinh nghiệm trên trường chứng khoán, ông Nam cho rằng rất nhiều nhà đầu tư mắc phải lỗi “all in”, tức là sau khi chọn được cổ phiếu đáng để đầu tư liền dồn tất cả tiền mua bằng được trong một thời điểm để sau đó tiện làm việc khác. Với cách thức này, nếu may mắn bắt đáy thành công thì lợi nhuận lớn nhưng tỷ lệ cực thấp, không ai biết được đáy cổ phiếu là đâu, ngay những nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chỉ may mắn dự báo đúng được một hai lần trong cả quá trình đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư nên mạnh dạn giải ngân đầu tư bằng nguồn vốn nhàn rỗi khi giá cổ phiếu giảm đột ngột, đặc biệt là khi thấp hơn giá trị doanh nghiệp. Nhà đầu tư thông minh luôn biết chia tiền ra nhiều lần giải ngân để có lợi thế về giá. Tuyệt đối không sử dụng vốn vay trong chiến lược đầu tư này là lưu ý quan trọng nhất.
Thứ hai, nhiều nhà đầu tư còn mơ hồ với margin (ký quỹ). Sử dụng margin như con dao hai lưỡi, thị trường tích cực lãi gấp nhiều lần nhưng thị trường tiêu cực lỗ cũng gấp nhiều lần, tài khoản nhà đầu tư sẽ nhanh chóng tiến đến 0. Với nhà đầu tư thận trọng, tỷ lệ sử dụng margin có thể ở mức an toàn nhưng diễn biến thị trường hơn 3 tháng qua, cổ phiếu giảm 10%, 20% vẫn an toàn, nhưng giảm 50%, 60% thì chắc chắn chạm ngưỡng và bị bán giải chấp. Có lẽ đã có không ít nhà đầu tư bị cháy tài khoản trong thời gian qua do sử dụng margin.
Ông Nam cho rằng, khi thị trường tích cực, nhà đầu tư có thể sử dụng margin để kiếm thêm nhưng khi thị trường tiêu cực nên giảm ngay lập tức margin, hay thậm chí là không dùng.
Bên cạnh đó, theo ông Nam, nếu sử dụng margin để đầu tư dài hạn, nhà đầu tư còn phải tính toán giữa chi phí và lợi nhuận. Lãi suất margin một năm của các công ty chứng khoán giao động từ 12-13%/năm tùy đối tượng khách hàng, thêm chi phí cơ hội là lãi suất ngân hàng khoảng 6% nữa thì nhà đầu tư phải tạo ra mức lợi nhuận trên 20%, đây là mức lợi nhuận khá áp lực.
Một phương châm đầu tư mà ông Nam rút ra “no thì duỗi mà đói thì co” và biết thế nào là đủ. Nghĩa là, khi thị trường tích cực nhà đầu tư có thể cho phép bản thân đầu tư lớn hơn nhưng khi thị trường tiêu cực cần biết tiết giảm lại, thậm chí rời bỏ thị trường và quay trở lại khi diễn biến khá hơn. Đồng thời, nhà đầu tư cần đặt ra mức lợi nhuận kỳ vọng để khi đạt được thì chốt lời ngay không nên quá tham lam, bởi không thể dự đoán đỉnh cổ phiếu ở đâu; ngược lại, cũng nên cắt lỗ ở mức mục tiêu. Có thể nhà đầu tư cảm thấy tiếc nuối khi “ăn non” hay cắt lỗ quá sớm nhưng đã đầu tư cần tuân thủ nguyên tắc.
Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu cơ bản có tốc độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận cao sau khi báo cáo tài chính bán niên đã được công bố gần hết. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, hàng không, bất động sản, thủy sản, các tập đoàn tổng công ty lớn như Petrolimex, Vinatex, ACV..., cổ phiếu đầu ngành như SSI, HPG,..đều báo lãi tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Suy cho cùng,sức khoẻ nội tại của nền kinh tế trong nước mới là nguyên nhân tác động tích cực hay tiêu cực đến thị trường chứng khoán hơn nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung!
Theo NDH
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy