Dòng sự kiện:
Sức ép phí môi trường qua giá xăng
01/03/2018 06:00:04
Bộ Tài chính cho rằng tăng thuế xăng dầu sẽ khiến hàng hóa tiêu dùng thực tế trong xã hội giảm, trong khi một số chuyên gia cho rằng sẽ gây bất lợi cho kiểm soát lạm phát và tạo cơ hội tăng lãi suất.

Thừa nhận gây giảm sức mua

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Nếu được thông qua, từ ngày 1/7 tới đây, thuế môi trường đối với mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng, lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít; dầu diesel sẽ tăng thêm 500 đồng, lên mức 2.000 đồng/lít…

Giá xăng tăng tác động sâu rộng đến các loại hàng hóa trong xã hội

Việc tăng phí vào xăng, dầu như kịch bản trên, theo tính toán của Bộ Tài chính sẽ làm hàng hóa tiêu dùng thực tế giảm khoảng 22.000 đồng/tháng ở nhóm thu nhập thấp nhất và khoảng 130.000 đồng/tháng ở nhóm thu nhập cao nhất. Trong khi đó, phúc lợi xã hội giảm trung bình khoảng 0,19% trong giai đoạn đầu và khoảng 0,45% trong dài hạn, mức lạm phát thấp hơn 0,2% trong giai đoạn đầu và nhỏ hơn 0,5% trong dài hạn.Biện luận về tác động của việc tăng thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu; Bộ Tài chính cho rằng, phương án điều chỉnh mức thuế môi trường chỉ tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng. Trong trường hợp giá dầu thô không ít biến động, thì mức độ tác động đối với giá bán xăng dầu sẽ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ: khoảng 4,9% đối với xăng, 3,2% đối với dầu diesel và khoảng từ 0,6% - 8,9% đối với dầu nhờn, dầu mazut và các loại khác.

Như vậy, mặc dù thừa nhận việc tăng thuế môi trường vào giá xăng dầu có tác động tiêu cực đến mức tiêu dùng của người dân và lạm phát của nền kinh tế. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa đề cập gì về khả năng ảnh hưởng của mặt bằng giá xăng dầu mới đến sự biến thiên của lãi suất và các tác động đến thị trường tiền tệ.

Việc bỏ lại những tác động này có vẻ như là minh chứng cho thấy cơ quan này chưa có những báo cáo đánh giá tác động cụ thể khi đề xuất tăng thuế môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Bởi thực tế theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chỉ trong tháng 1/2018 khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng 2 đợt đã khiến cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tăng 2,65% so với tháng trước đó và góp phần khiến CPI cả nước tăng thêm 0,11%, lên mức tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2017.

Thắt chi tiêu có thể gây khan tiền

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, con số gần 15.700 tỷ đồng mà Bộ Tài chính tính toán thu được về cho ngân sách mỗi năm từ việc tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu thực chất sẽ là số tiền do người dân và DN phải bỏ ra. Vì thế việc tăng thuế với xăng dầu chẳng khác gì tăng giá điện, đều sẽ khiến giá thành hàng loạt hàng hóa khác tăng theo. Khi đó người dân sẽ thắt chặt chi tiêu tạo ra hiệu ứng khan tiền, buộc các NHTM phải tính toán đến khả năng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn để thu hút tiền gửi.

Ở chiều cho vay, khi giá xăng, dầu tăng, các DN vận tải sẽ bắt buộc phải đưa ra các biện pháp tăng thu từ các dịch vụ vận tải để bù lại số tiền thuế phải nộp. Các DN sản xuất - kinh doanh đứng trước chi phí đầu vào (như: nguyên liệu, phân phối, vận chuyển, vận hành máy móc, thiết bị…) tăng mạnh sẽ cân nhắc mở rộng đầu tư.

Từ đó khiến cho nguồn tín dụng đổ vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh tăng trưởng chậm, dòng tiền đổ vào các lĩnh vực phi sản xuất như kinh doanh bất động sản, chứng khoán sẽ tăng lên. “Điều này cộng hưởng với việc khó giảm lãi suất huy động sẽ khiến dư địa giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 của các NHTM đã hẹp lại càng hẹp hơn”, ông Hiển nói.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, khi xăng, dầu tăng giá sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN. Vài năm trở lại đây việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam tốt một phần là nhờ giá xăng, dầu giảm. Năm nay mục tiêu là lạm phát dưới 4% trong khi tháng 1 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,51%. Do vậy Bộ Tài chính cần tính toán kỹ hơn đối với những hệ lụy của việc tăng giá xăng, dầu để giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiềm chế lạm phát.

Ở góc độ khác, TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam lại cho rằng, câu chuyện tăng mức thuế đối với xăng dầu có ít cơ sở để đánh giá tác động đối với các vấn đề lạm phát hay khía cạnh lãi suất. Ông Du thiên về quan điểm tách bạch chính sách thuế với chính sách tiền tệ và cho rằng tác động tích cực hay tiêu cực của việc thu thêm thuế đối với xã hội nằm ở chỗ nguồn thu thêm qua giá xăng, dầu được Chính phủ sử dụng như thế nào.

“Nếu nguồn tiền này được sử dụng hiệu quả, đầu tư lại cho nền kinh tế, khiến các chi phí khác của DN được tiết giảm, phúc lợi xã hội tăng thêm thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt. Còn ngược lại sẽ khiến DN khó khăn hơn”, ông Du nói.

Trong chừng mực so sánh với mặt bằng thuế xăng, dầu tại Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, ông Du cho rằng đề xuất tăng thuế môi trường của Bộ Tài chính là khả dĩ chấp nhận được. Câu chuyện còn lại là việc sử dụng nguồn thuế này hiệu quả như thế nào. Nếu không có kế hoạch sử dụng hiệu quả mà chỉ khiến cho cộng đồng DN và xã hội bị đội thêm chi phí sản xuất – kinh doanh thì nên ngưng việc đề xuất tăng thuế trong thời điểm hiện nay.

Theo Thời báo ngân hàng
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến