Dòng sự kiện:
Suýt cụt chân vì ngâm bằng nước lá không rõ nguồn gốc
15/03/2018 12:45:57
Tự ý ngâm chân bằng nước nóng, lá cây không rõ nguồn gốc, người mắc tiểu đường suýt mất chân.

Chăm sóc bệnh nhân biến chứng tiểu đường

Bệnh nhân Nguyễn Văn D. (61 tuổi, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) được chẩn đoán tiểu đường trên 13 năm, điều trị Isullin 3 năm nay.

Cách đây 1 tháng, bệnh nhân bị biến chứng thần kinh gây tê bì bàn chân. Để giảm triệu chứng tê bì, bệnh nhân đã tự ý ngâm chân bằng nước nóng với nhiệt độ cao gây bỏng loét. Tuy nhiên, bệnh nhân không tới viện điều trị mà tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp lên bàn chân khiến vết thương tiếp tục bỏng sâu, chảy dịch hôi thối.

Đến khi vết thương lan rộng và ngày càng sâu, bệnh nhân mới chịu để người nhà đưa vào viện, khi được các bác sĩ thăm khám, thì tình trạng bàn chân đã trở lên nghiêm trọng, nhiễm trùng, hoại tử sâu rộng.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Vàng A L. (59 tuổi, ở Sơn La) cũng vừa được chỉ định cắt bỏ toàn bộ bàn chân tới giữa cẳng do nhập viện trong tình trạng biến chứng bỏng quá nặng, hoại tử sâu và không còn dấu hiệu phục hồi do dùng thuốc lá ngâm chân khi bị tiểu đường. 

Bệnh nhân Nguyễn Văn D bị hoại tử chân

Theo Ths.Bs Nguyễn Ngọc Thiện (Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân - Bệnh viện Nội tiết Trung ương), những trường hợp trên không phải là hiếm gặp. Tình trạng bệnh nhân dù đang điều trị tiểu đường nhưng vẫn tự ý dùng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc để tự chữa trị vẫn diễn ra khá thường xuyên mà không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Trung bình mỗi tháng tại khoa Chăm sóc bàn chân tiếp nhận và xử lý 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đặc biệt, nhiều trường hợp tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc, dẫn đến bỏng nặng và hoại tử lan rộng, khó chữa trị, thậm chí phải cắt cụt chi, đe dọa đến tính mạng.

Cũng theo BS Thiện, bệnh nhân tiểu đường thường chỉ đi khám khi đã có biến chứng nặng, do đó quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều so với các vết bỏng thông thường, không chỉ phải tích cực cắt lọc, chăm sóc vết thương hoại tử mà các bác sĩ còn phải kiểm soát đường huyết cũng như dùng thuốc hỗ trợ nuôi dưỡng vùng tổn thương kích thích da tự mọc, hạn chế tối đa xuất hiện thêm vết thương.

Bên cạnh đó, người mắc tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp nên dễ bị bỏng, vì vậy tuyệt đối không nên tự ý ngâm chân bằng nước nóng hay đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc để giảm cảm giác đau, rát, tê bì.

Theo Lao động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến