Dòng sự kiện:
Tác động từ động thái giảm lãi suất của Fed khá khiêm tốn
02/11/2019 08:24:00
Rạng sáng ngày 31/10 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 1,5% - 1,75%, lần giảm lãi suất thứ 3 Fed trong năm nay.

Ảnh minh hoạ

Quyết định trên của Fed tác động thế nào đối với thị trường quốc tế cũng như thị trường tiền tệ của Việt Nam? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi nhanh với TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết cụ thể những tác động từ quyết định này đối với thị trường quốc tế và Việt Nam?

Quyết định giảm thêm 0,25% lãi suất của FED lần này đã được dự báo trước nên những tác động của nó đối với thị trường tài chính toàn cầu cũng như Việt Nam là không lớn. Thị trường chứng khoán có tác động mạnh hơn khi chỉ số chứng khoán của Mỹ đều bật tăng. Nhưng giá vàng thế giới chỉ biến động nhẹ khác hẳn với những lần điều chỉnh trước.

Tại Việt Nam, tác động của động thái trên có vẻ khá khiêm tốn, thậm chí thị trường chứng khoán lại quay đầu giảm điểm. Trong khi NHNN giữ nguyên tỷ giá trung tâm là 23.145 đồng/USD. Còn giá USD tại các NHTM chỉ tăng nhẹ khoảng 5 đồng/USD, mua vào 23.150 đồng/USD và bán ra 23.270 đồng/USD.

Có vẻ quyết định giảm lãi suất lần này của FED là khiên cưỡng và dường như FED đang muốn chấm dứt động thái này, thưa ông?

Đúng là lần điều chỉnh lần này của FED chịu nhiều sức ép từ phía Tổng thống Donald Trump để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ. Vì FED tỏ ra lo ngại giảm mạnh lãi suất có thể làm tăng lạm phát. Mặc dù hiện tại lạm phát tại Mỹ vẫn thấp hơn mục tiêu 2% của Fed, nhưng nếu cắt giảm lãi suất quá nhanh và mạnh cũng sẽ tạo áp lực lên lạm phát, có thể làm cho lạm phát của Mỹ tăng vượt 2%, phá vỡ mục tiêu của FED.

Còn về xu hướng ngừng nới lỏng chính sách, tôi nghĩ việc giảm lãi suất của FED chưa chắc sẽ dừng lại ở con số 3 mà có thể là 4 lần trong năm nay. Bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn dai dẳng và căng thẳng nên Chính phủ Mỹ vẫn muốn sẽ hạ lãi suất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để bù lại những tác hại mà cuộc chiến tranh này tác động đến kinh tế Mỹ.

Nhất là sang năm, cuộc tranh cử tại Mỹ sẽ diễn ra và ông Donald Trump không muốn mình bị mất lợi thế trước cử tri về kết quả không tích cực từ tăng trưởng kinh tế Mỹ. Vì vậy, từ giờ đến cuối năm nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, theo tôi, Tổng thống Mỹ sẽ gây áp lực lên FED và nhiều khả năng có thêm một lần giảm lãi suất nữa.

Nếu FED giảm thêm một lần lãi suất nữa thì có tác động nhiều đến thị trường tiền tệ của Việt Nam không, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, nếu FED có giảm thêm lãi suất thì tác động đối với thị trường tiền tệ của Việt Nam vẫn là không lớn. Tuy nhiên theo tôi, hiện NHNN đang có vẻ hơi khó xử giữa 2 mục tiêu một là duy trì sự ổn định, hai là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu giữ ổn định với chính sách chặt chẽ như hiện tại có thể duy trì ổn định tỷ giá, nhưng xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động nhất định khi giá trị của đồng VND đang tăng lên so với USD.

Vì vậy, để cân bằng giữa ổn định và phát triển kinh tế, NHNN có thể xem xét điều chỉnh chính sách để các mục tiêu đặt ra không bị ảnh hưởng. Nhưng tôi nghiêng về phương án NHNN có thể xem xét giảm thêm lãi suất điều hành, như vậy sẽ vừa tác động tích cực lên tỷ giá, vừa giúp nền kinh tế có mặt bằng lãi suất hợp lý hơn. Với cách này, tôi nghĩ một mũi tên trúng hai đích.

Còn nếu điều chỉnh tỷ giá sẽ liên quan đến nhiều vấn đề như nợ nước ngoài, các cân đối vĩ mô khác… Chưa kể, ổn định tỷ giá là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và NHNN để ổn định kinh tế vĩ mô, là điều kiện tiên quyết để kiểm soát lạm phát. Vì vậy, điều hành tỷ giá tại Việt Nam khó hơn so với các nước vì không chỉ căn cứ vào diễn biến thị trường tài chính toàn cầu mà phải dựa vào hoàn cảnh, đặc điểm nền kinh tế Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến