Dòng sự kiện:
Tại sao có phiên chợ ném nhau để cầu may ở Thanh Hóa
11/02/2019 08:12:11
"Chết bỏ con, bỏ cháu. Sống không bỏ mùng 6 chợ Chuộng", đó là câu ca dao nổi tiếng nói về lễ hội truyền thống hàng năm ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa).

Đến hẹn lại lên, cứ đến mùng 6 Tết âm lịch hàng năm, người dân khắp nơi lại nô nức tìm về xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) để tham gia chợ Chuộng.

Từ xa xưa, người dân địa phương đã có câu ca dao nổi tiếng được truyền từ đời này sang đời khác để nói về chợ Chuộng: "Chết bỏ con, bỏ cháu. Sống không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”.

Thanh niên nô nức kéo đến phiên chợ để ném nhau

Phiên chợ được họp tại bãi đất trống bên dòng sông Hoàng tại xã Đông Hoàng. Từ sáng sớm, dòng người đã nườm nượp kéo đến, người đến bán hàng, kẻ đến mua, ai cũng cầu mong đến phiên chợ sẽ bán đi vận rủi và nhận về vận may trong năm mới. Theo quan niệm truyền thống, màu đỏ sẽ mang lại may mắn, sung túc, vì thế những món hàng được bán thường có màu đỏ như cà chua chín, bánh đa gấc, bóng bay đỏ…

Điều độc đáo nhất tại phiên chợ là mọi người không kể trai gái, già trẻ thường ném cà chua vào nhau để cầu may mắn, người ta quan niệm rằng “ném may, nhận rủi”. Bởi thế, cả người ném lẫn bị ném trúng đều thấy vui vẻ, tạo nên không khí rộn ràng trong ngày đầu xuân.

Ngoài ném nhau, phiên chợ còn là nơi du khách thưởng thức đặc sản địa phương

Người dân trong vùng mang đến chợ những mặt hàng nông sản như: Rau, củ, quả, gà, vịt, ngan... cùng các món ăn dân dã như bánh cuốn, bánh đa gấc, kẹo mật...Du khách đến chợ, ai cũng mua một túi cà chua chín, táo, ổi hoặc trứng gà, trứng vịt... để "ném rủi" và "nhận may".

Khách mua cà chua để ném tại phiên chợ

Theo tích xưa kể lại, thời Vua Lê, khi đất nước đang có giặc phương bắc xâm lăng, một vị tướng trong lúc dẫn quân đi đánh giặc, khi đi ngang qua vùng đất Đông Hoàng vào đúng mùng 6 Tết Nguyên đán, vị tướng đã bị giặc phát hiện và lùng bắt.

Người dân chèo thuyền vượt sông để đến chợ Chuộng

Để che mắt giặc, vị tướng đã nảy ra kế huy động người dân giả vờ tổ chức họp chợ. Vũ khí được giấu trong các quầy hàng hóa ở chợ, quân lính hóa trang mặc quần áo như dân thường buôn bán. Lúc đó giặc sẽ lơ là cảnh giác, khi đó vị tướng phát lệnh, người dân và quân lính đã dùng vũ khí giấu sẵn đánh vào quân giặc khiến chúng không kịp trở tay nên thất bại. Sau này, để tướng nhớ đến vị tướng và trận đánh năm nào, người dân địa phương thường tổ chức phiên chợ Chuộng, truyền thống được lưu giữ từ đời này qua đời khác.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến