Tổng dân số cả người Israel và người Palestine sống ở Israel, Gaza và khu vực Bờ Tây là khoảng 14 triệu người. Dân số cả hai bên đều tăng trưởng ở mức gần 2% mỗi năm, so với chỉ 0,4% mỗi năm ở các nước thu nhập cao. Khi dân số tăng lên, nhu cầu về nước cũng tăng theo.
Trong khi đó, lượng nước cung cấp bình quân đầu người hàng năm trong khu vực này chưa tới 500 mét khối/người. Theo Liên hợp quốc và các chuyên gia, lượng nước này đang ở ngưỡng gần tình trạng khan hiếm tuyệt đối - mức không thể giúp các quốc gia đáp ứng hết mọi nhu cầu của người dân, bên cạnh lượng nước lớn cần cho nông nghiệp, dẫn đến phải hạn chế sử dụng nước.
Để so sánh, lấy một ví dụ như năm 2015, Mỹ sử dụng 1.207 mét khối nước bình quân trên đầu người.
Trung tâm xung đột
Nguồn nước ngọt chính của Israel và các vùng lãnh thổ Palestine là từ hệ thống sông Jordan và hai tầng chứa nước ngầm – một dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và một bên dưới dãy núi trung tâm Judean. Người Palestine ở Bờ Tây chủ yếu được tiếp cận với hệ thống tầng chứa nước trên núi và những người ở Gaza được tiếp cận với tầng ngậm nước ven biển. Israel sử dụng cả hai.
Các cơ sở cung cấp/xử lý nước (màu xanh) tại dải Gaza, năm 2009. (Nguồn: The Conversation)
Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993 bao gồm các điều khoản phân bổ nước giữa người Israel và người Palestine, nhưng xung đột đang diễn ra và những bất đồng liên tục đã cản trở việc cập nhật các thỏa thuận này để theo kịp nhu cầu nước ngày càng tăng. Từ khi thành lập nhà nước Israel, việc tiếp cận nguồn tài nguyên nước luôn là vấn đề trọng tâm trong cuộc xung đột giữa quốc gia này với Palestine, bên cạnh tranh chấp đất đai.
Trong khi Israel phần nào cố gắng thoát khỏi tình trạng khan hiếm nước bằng cách xây dựng các nhà máy khử muối dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Thì ở Bờ Tây, xung đột đã cản trở khả năng của người Palestine trong việc phát triển mạng lưới cấp nước của riêng họ để có thể phân phối nước cho toàn bộ người dân. Tình hình ở Gaza thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Ngay cả trước cuộc chiến Israel-Hamas, Gaza đã bị thiếu nước trầm trọng. Nguồn nước chính ở khu vực này là nước ngầm, đã bị lấy quá mức đáng kể nên hiện nay mặn đến mức không thể uống được, do nước biển xâm nhập vào tầng ngậm nước.
Trước cuộc chiến, hầu hết người dân ở Gaza đều sống dựa vào các nhà cung cấp nước tư nhân và một số nhà máy khử muối nhỏ để lấy nước uống. Israel cũng dẫn khoảng 10 triệu mét khối nước mỗi năm vào Gaza. Nhưng nhìn chung, nguồn cung cấp nước không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của toàn bộ mọi người. Giờ đây, do chiến tranh, các nhà máy khử muối thiếu nhiên liệu và không thể hoạt động.
Một nhà máy khử muối ở Deir al-Balah ở trung tâm dải Gaza, tháng 12/2020. (Ảnh: Abed Rahim Khatib/Flash90)
Vũ khí hay giải pháp hòa bình?
Nhiều lo ngại xung quanh việc nguồn nước bị vũ khí hóa khi Israel được cho là ngừng vận chuyển nước và nhiên liệu tới Gaza để trừng phạt Hamas. Tuy nhiên, Israel cho rằng họ vẫn cố gắng cung cấp hỗ trợ nước cho các cơ sở dân sự ở Gaza, nhưng việc cung cấp bị các vụ hoạt động của Hamas cản trở.
Dù là trường hợp nào thì việc nguồn nước bị vũ khí hóa cũng sẽ khiến thảm họa trở nên tồi tệ hơn, theo các chuyên gia. Các bên chưa chắc đã từ bỏ vì thiếu nước uống hay điều kiện vệ sinh, trong khi hứng chịu thêm chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là dân thường.
Các quan chức Liên hợp quốc cảnh báo rằng việc thiếu nước và không đảm bảo vệ sinh sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em. Tình trạng này có thể dẫn đến dịch bệnh lây lan, bùng phát nhanh chóng trên khắp khu vực dân cư đông đúc và bị bao vây này.
Các bệnh viện ở Gaza hiện tràn ngập thương vong, thường xuyên thiếu nước và điện.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, vấn đề chung về nước có thể mở ra cho các bên những giải pháp, khởi đầu với những dự án hợp tác cấp nước.
Ví dụ, từ năm 2019 đến năm 2023, một viện nghiên cứu về môi trường ở miền nam Israel, một nhóm phi lợi nhuận của người Palestine, cũng như một công ty công nghệ nước của Israel, đã cùng tham gia dự án lắp đặt bảy máy tạo nước trong khí quyển cho Gaza. Những thiết bị này hút độ ẩm từ khí quyển và biến nó thành nước uống chất lượng cao, chạy bằng năng lượng mặt trời để đảm bảo hoạt động suốt ngày đêm ở dải Gaza nghèo năng lượng.
Những máy tạo nước đầu tiên được lắp đặt tại một đô thị nhỏ ở trung tâm Gaza, dọc biên giới với Israel vào năm 2019, và tại một bệnh viện lớn ở trung tâm Gaza vào năm 2020. Trong cuộc xung đột tháng 5/2021 giữa Hamas và Israel, khi nguồn nước nhiều khu cộng đồng bị cắt, những máy phát điện này trở thành nguồn cấp nước duy nhất cho nhiều người dân.
Một số máy tạo nước khác được lắp đặt ở các cơ sở y tế trên khắp Gaza vào năm 2023. Bên cạnh đó là các dự án xử lý nước thải, cũng có sự tham gia của người Israel và Palestine.
Tác giả: Phương Anh/Theo The Conversation
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy