Dòng sự kiện:
Tái sinh sân bay Nà Sản sau 30 năm đóng cửa: Lấy đâu ra 2.000 tỷ đồng?
27/04/2022 14:54:23
Đơn vị đang quản lý 21 cảng hàng không sân bay của Việt Nam cho biết không thể cân đối được 2.000 tỷ đồng để xây dựng sân bay Nà Sản (Sơn La), do vậy đề nghị Bộ GTVT xem xét hình thức đầu tư phù hợp.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tham gia ý kiến về việc xây dựng cảng hàng không Nà Sản theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Theo ACV, Dự án xây dựng cảng hàng không Nà Sản không nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 của doanh nghiệp này. Do vậy, trong trường hợp cần thiết phải triển khai đầu tư Dự án Cảng Hàng không Nà Sản ngay trong giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ACV kiến nghị Bộ GTVT xem xét đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp.

Sân bay Nà Sản thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, được người Pháp xây dựng vào năm 1950. Những năm 1960 sân bay này duy trì hoạt động nhưng sau một thời gian dừng khai thác do ít khách. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khai thác trở lại, sau đó lại đóng cửa vì cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu khai thác.

Cảng Hàng không Nà Sản đã dừng hoạt động từ những năm 1994 (Ảnh: Báo Đầu tư).

Nà Sản là cảng hàng không được Thủ tướng xác định trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đã được Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch chi tiết với quy mô cảng hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, là loại sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; công suất đến năm 2030 đạt 1,5 triệu hành khách/năm; diện tích quy hoạch 498,67 ha.

Đầu tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không Nà Sản. UBND tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP và giao cho UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án, tỉnh Sơn La sẽ cân đối, bố trí khoảng 300 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để thúc đẩy công tác thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

UBND tỉnh Sơn La cho biết, Cảng Hàng không Nà Sản có vai trò quan trọng trong mạng sân bay chính của khu vực Tây Bắc, đồng thời là sân bay chính trong mạng sân bay quân sự quốc gia (sân bay tuyến số 2) có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ khu vực và đất nước, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát vùng biên giới.

Góp ý về đề xuất nói trên, Cục Hàng không Việt Nam bày tỏ quan điểm ủng hộ việc đầu tư dự án Cảng Hàng không Nà Sản theo hình thức PPP, tuy nhiên cơ quan này cho biết hiện nay Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án "Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không" chưa được phê duyệt.

Theo Cục Hàng không, việc triển khai các thủ tục theo quy định để tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển Cảng Hàng không Nà Sản sẽ thực hiện sau khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện về quy hoạch, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng liên quan tới việc đầu tư loạt sân bay với ước tính mức đầu tư các dự án này ước khoảng 21.000 tỷ đồng, ACV cũng cho biết là chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng một loạt các sân bay khác trong giai đoạn 2021-2025 Côn Đảo, Đồng Hới, Vinh, Chu Lai, Thọ Xuân, Tuy Hòa, Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Cà Mau, Rạch Giá.

Theo ACV, do dịch Covid-19 dẫn đến doanh thu, lợi nhuận bị giảm sút nên ACV sẽ chỉ ưu tiên nguồn lực để thực hiện 6 dự án trọng điểm gồm: Sân bay Long Thành giai đoạn 1; nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Phú Bài; đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên; nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay sân bay Cát Bi.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến