Anh Thanh Thành, tài xế đối tác của Grab, đã chở khách được gần một tuần nay. Giai đoạn trước đó, anh chủ yếu chạy dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn. "Khi còn giãn cách thì đơn giao hàng nhiều, thu nhập cũng ổn. Tuy nhiên từ khi TP HCM hết giãn cách, mọi người có thể ăn uống tại chỗ mà không cần đặt mua về nữa thì lượng cuốc xe giao đồ ăn cũng ít đi", anh Thành nói với Zing.
"Hơn 3 tháng rồi nay mới được chở khách. Tháng vừa rồi tôi cũng có quay lại giao hàng nên cũng có thu nhập, nhưng được chở khách thì có thêm nguồn thu. Chở người cũng vui hơn chở hàng, giao đồ ăn, dọc đường chuyện trò cùng khách gặp nhiều người rất vui", anh Đăng An (Tân Bình, TP HCM) - tài xế xe ôm công nghệ - chia sẻ.
Theo anh An, lượng khách đặt xe không thể bằng giai đoạn trước giãn cách nhưng với anh việc được hoạt động trở lại đã là một niềm vui lớn. "Mỗi ngày không tới 10 cuốc xe chở khách nhưng tăng được đáng kể thu nhập. Giai đoạn này nếu chỉ giao đồ ăn, giao hàng thì không đủ chi tiêu vì mấy tháng vừa rồi đâu có được đi làm", tài xế này nói.
Tài xế xe ôm công nghệ tại TP HCM hào hứng khi được hoạt động chở khách trở lại từ 17/11. Ảnh: Gojek.
Chiếm hơn 50% thu nhập
"Đợt trước có những ngày chở khách chiếm hơn nửa số cuốc xe nên được chở khách trở lại đương nhiên là vui. Cuốc xe chở khách đầu tiên sau 3 tháng tôi mừng rơi nước mắt", anh An kể.
Không chỉ anh An hay anh Thành, hàng chục nghìn tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM đã chở khách lại sau khi thành phố cho phép dịch vụ này hoạt động trở lại từ ngày 17/11. Sau giai đoạn chỉ hoạt động chở hàng, giao đồ ăn, tài xế đối tác của các ứng dụng gọi xe đã có thể tham gia chở khách, dịch vụ vốn chiếm tới trên 50% thu nhập của các tài xế.
"Giờ TP HCM phủ vaccine rộng, hầu hết người dân đều đã tiêm 2 mũi vaccine, bản thân tôi cũng đã tiêm nên an tâm hơn nhiều. Trước khi đón khách trở lại tôi cũng có cân nhắc việc chỉ chở hàng, giao đồ ăn cho an toàn. Tuy nhiên chỉ chở hàng thì không đủ thu nhập, hơn nữa thành phố giờ cũng sống chung với Covid rồi, luôn cẩn thận thì sẽ an toàn", anh K. Công - tài xế GoBike - khẳng định.
Anh Công cũng chia sẻ dù mong lượng khách trở lại nhiều như trước nhưng "có lẽ phải chờ thêm". Các công sở chưa hoạt động lại như bình thường, nhiều người vẫn làm việc tại nhà nên nhu cầu cho xe ôm công nghệ vẫn chưa tăng đột biến. "Có thể cũng có nhiều khách lo ngại lây nhiễm nên chưa dám đi xe ôm, tôi hi vọng thời gian tới khách sẽ đông trở lại", anh Công lạc quan.
Độ phủ vaccine tại TP HCM giúp nhiều tài xế cũng như hành khách yên tâm hơn khi dịch vụ xe ôm công nghệ trở lại. Ảnh: Quỳnh Danh.
Nhiều hành khách sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ cũng ủng hộ quyết định đưa loại hình vận tải này trở lại của chính quyền TP HCM. "Trước khi có xe ôm công nghệ trở lại, mình phải đặt taxi công nghệ mỗi khi có công việc cần di chuyển", chị chị D. Thảo (TP Thủ Đức) cho biết.
"Nhiều khi thấy đi bằng ôtô không thực sự cần thiết, tốn kém hơn mà quãng đường di chuyển lại dài hơn vì nhiều đường ôtô không đi được, trong khi các bác tài xe ôm nắm rất rõ ngõ hẻm, đường tắt", chị D. Thảo giải thích.
"Những ngày đầu sử dụng lại xe ôm công nghệ thấy lượng tài xế trên ứng dụng khá nhiều, thời gian đợi xe không lâu hơn trước là bao. Bác tài cũng luôn đeo khẩu trang, có chứng nhận tiêm vaccine trên ứng dụng nên mình rất yên tâm", hành khách này nhận định.
Vaccine, 5K để hoạt động an toàn
Trao đổi với Zing, Gojek cho biết dịch vụ gọi xe 2 bánh GoRide (chở khách) của Gojek chính thức hoạt động trở lại tại TP HCM kể từ 0h ngày 19/11. Với tốc độ tăng trung bình 17% mỗi ngày, tính đến ngày 23/11, số lượng cuốc xe GoRide hàng ngày đã đạt mức 63% so với thời điểm ngay trước khi TP.HCM tạm dừng hoạt động xe ôm công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 9/7).
"Số lượng cuốc xe GoRide hiện chiếm tỷ trọng 25% tổng số cuốc xe của 3 dịch vụ nói trên của Gojek. Chúng tôi cũng ghi nhận trong 5 ngày qua số lượng tài xế tăng thêm 23%, xấp xỉ mức tăng của tổng lượng cuốc xe của cả 3 dịch vụ trên nền tảng xe 2 bánh của Gojek (24%) trong cùng khoảng thời gian", ứng dụng này cho biết.
"So với trước thời gian giãn cách xã hội, tổng số cuốc xe trên nền tảng xe 2 bánh của Gojek trong tuần qua tăng nhẹ (gần 10%), chủ yếu do sự tăng trưởng đơn GoFood", Gojek nói thêm.
Gojek khẳng định tất cả đối tác tài xế đều được yêu cầu tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất một liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, theo quy định của cơ quan chức năng. Thông tin về tình trạng tiêm vaccine của đối tác tài xế sẽ được hiển thị trên ứng dụng Gojek khi người dùng đặt chuyến GoRide.
Grab cũng cho biết đã mở lại dịch vụ GrabBike với số lượng không quá 50% xe tại TP HCM theo đúng quy định của cơ quan chức năng. Các tài xế đều đã được tiêm vaccine và ứng dụng cũng có phần hiển thị thông tin tiêm chủng của tài xế để hành khách dễ dàng kiểm tra.
Trong khi TP HCM đã đưa xe ôm công nghệ trở lại, dịch vụ này vẫn chưa thể khai thác tại Hà Nội. Trao đổi với Zing, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - cho rằng hiện nay tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng ngày một tăng cao.
Theo ông Viện, xe ôm công nghệ không đảm bảo giãn cách 5K và các biện pháp phòng, chống dịch khi tiếp xúc. Do đó để hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, loại hình này chưa thể hoạt động trở lại.
Tác giả: Ngô Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy