Trước đó, từ tháng 7/2018, UBND TP Bắc Kạn (Bắc Kạn) đã tạm dừng ký hợp đồng với Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn về việc xử lý rác thải bằng công nghệ đốt mà tiến hành xử lý bằng hình thức chôn lấp trong 4 tháng mùa mưa (7,8,9,10/2018). Sự việc trên hiện gây ra nhiều luồng thông tin trái chiều trên địa bàn.
Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Bắc Kạn lý giải nguyên nhân việc tạm thời phải chôn rác thải thay vì xử lý đốt.
Về câu hỏi có hay không sự ưu ái cho doanh nghiệp thực hiện chôn lấp rác thải, ông Đinh Quang Tuyên khẳng định, phía thành phố luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, đặc biệt doanh nghiệp đầu tư đốt rác thải là một doanh nghiệp "dũng cảm" đầu tư lần đầu tiên công nghệ này trên địa bàn tỉnh với số tiền tương đối lớn.
Từ tháng 1 đến hết tháng 6/2018, UBND TP Bắc Kạn đã "đặt hàng" với Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn để xử lý rác bằng công nghệ lò đốt, qua thực tế cho thấy việc xử lý rác bằng công nghệ lò đốt hiệu quả hơn hình thức chôn lấp. Tuy nhiên, trong năm 2017, TP Bắc Kạn hụt thu ngân sách là 27,55 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, TP Bắc Kạn tiếp tục bị hụt thu ngân sách khoảng 17 tỷ đồng.
Điều đó làm ảnh hưởng đến các khoản chi của TP bao gồm cả việc chi cho công tác xử lý rác thải đô thị. Để đảm bảo hoạt động, chính quyền TP đã cắt giảm nhiều khoản chi, trong đó có chuyển hình thức xử lý rác thải ở địa phương trong 4 tháng 7,8,9,10/2018 là những tháng trong mùa mưa.
Cũng theo ông Tuyên, mặt khác, việc xử lý bằng công nghệ lò đốt trong những tháng mùa mưa còn nhiều bất cập. Rác thải ẩm ướt tồn đọng dài ngày việc xử lý chưa được triệt để, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cả khí thải và nước rác rò rỉ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe của các hộ dân xung quanh. Việc này đã có nhiều đơn thư phát sinh trong thời gian nhà máy hoạt động.
Trả lời việc, theo phản ánh, gần đây trong năm 2017, UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp bổ sung cho thành phố 1 tỷ đồng nhưng UBND TP Bắc Kạn chỉ thanh toán cho Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn số tiền 600 triệu, còn 400 triệu không biết đi đâu về đâu, ông Tuyên giải thích, tổng kinh phí đã chuyển thực cấp cho công ty năm 2017 là 3,098 tỷ đồng có 15 ngày là chôn lấp. Do vậy số tiền này đã bao gồm 1 tỷ đồng mà tỉnh đã cấp.
Còn 600 triệu trong quyết định cho Ban Công ích TP là khi đó Ban mới thành lập nên giao cho Ban chi số tiền còn lại. Trước đó là do phòng Tài chính Kế hoạch TP ký lệnh chi tiền khi Ban công ích chưa được thành lập.
Nhà máy xử lý rác của Công ty TNHH môi trường Bắc Kạn vận hành không đều do TP thiếu kinh phí chi trả. (Ảnh: ND)
Giải thích vì sao TP không chịu chi 700 triệu cho Công ty CP Môi trường và công trình đô thị để doanh nghiệp này xây kè, chống thấm xung quanh bãi rác mà doanh nghiệp chôn lấp, Chủ tịch UBND TP Bắc Kạn cho hay, đây không phải là kè chống thấm mà là bể xử nước thải. Công trình bể xử lý nước thải này không hề liên quan đến việc xử lý rác thải bằng đốt hay bằng chôn lấp hiện nay.
Bãi rác tại đây đã hoạt động từ năm 2003 đến nay đã được 15 năm. Từ năm 2009, UBND TP là UBND thị xã lúc đó đã nhận được rất nhiều đơn thư của các hộ dân có ruộng lúa canh tác ở phía hạ lưu bãi rác, kiến nghị do nước rỉ rác làm nhiều diện tích lúa sau khi thu hoạch không thể ăn và chế biến được và có mùi hôi rất khó chịu.
Toàn bộ diện tích ảnh hưởng không thể trồng cấy được khoảng 5ha, đặc biệt là hộ ông Hà Sỹ Quy có hộ khẩu thường trú tại tổ Khuổi Mật, phường Huyền Tụng là hộ bị ảnh hưởng nặng nhất nên có đơn thư liên tục.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề là hết sức khó khăn, vì nếu thu hồi cả đất sẽ bị ảnh hưởng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Việc giải quyết đền bù phần đất ruộng bị ô nhiễm không canh tác được của hộ ông Quy và tạm thời xây dựng một bể lắng trước chỉ là một phần nhỏ trong việc giải quyết hậu quả lâu dài của bãi rác thải gây ra.
Ông Tuyên cho biết thêm: "Trong thời gian tới, TP sẽ cố gắng thu xếp nguồn kinh phí để giải quyết dần từng bước hiện trạng nước ô nhiễm từ rác cũ tồn đọng vẫn đang thấm rất nhanh ra diện tích xung quanh khu vực".
Với những khó khăn đang gặp phải, ông Đinh Quang Tuyên chia sẻ, việc đốt rác thải là ưu tiên của TP, việc tạm dừng xử lý đốt trong thời gian 4 tháng liên tiếp là giải pháp chưa thực sự thấu đáo và hợp lý. Đó chỉ là giải pháp ngắt quãng tạm thời trong khoảng thời gian mưa gió, ẩm ướt.
Hiện UBND TP đã chỉ đạo Ban Dịch vụ Công ích TP sớm ký kết hợp đồng với công ty để thực hiện và phải tính đến cả yếu tố thời tiết để đảm bảo nhà máy hoạt động được thường xuyên. Đồng thời, chính quyền cũng sẽ báo cáo với UBND tỉnh về phần kinh phí còn thiếu để bổ sung thực hiện.
Đoàn Tân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy