Dòng sự kiện:
Tâm lý tích cực trở lại, giới đầu tư mạnh dạn gom hàng
27/05/2022 09:49:06
Phố Wall tăng tích cực trong phiên ngày thứ Năm (26/5), nhờ sự lạc quan về triển vọng ngành bán lẻ và tâm lý giới đầu tư giảm bớt ngại về việc tăng lãi suất quá mạnh của Fed.

Tất cả ba chỉ số chính của Mỹ đều ghi nhận mức tăng vững chắc, trong đó chỉ số Nasdaq thiên về nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh nhất, với mức tăng gần 2,7%, được hỗ trợ lớn bởi các cổ phiếu của Apple tăng 2,3%, Tesla tăng 7,4% và Amazon tăng hơn 4%.

Dù vậy, như những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn được quan tâm hơn cả và phiên này đã có sự hồi phục mạnh.

Trong đó, Nhà điều hành cửa hàng bách hóa Macy's Inc đã tăng 19,3% sau khi nâng dự báo lợi nhuận trong năm.

Chuỗi cửa hàng giảm giá Dollar General Corp và Dollar Tree lần lượt tăng 13,7% và 21,9%, sau khi tăng dự báo doanh số năm nay, tín hiệu cho thấy người tiêu dùng đang mua sắm những mặt hàng giá rẻ hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Biên bản từ cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng đã xoa dịu lo ngại rằng Fed có thể trở nên diều hâu hơn trong việc tăng lãi suất, một mối lo ngại đã dẫn đến sự biến động của thị trường trong những tuần gần đây.

"Với kết quả kinh doanh các công ty trên phố Wall trong quý đầu tiên về cơ bản đạt kết quả tốt hơn dự kiến, kết hợp với việc Fed cho thấy rằng, tuy họ áp dụng chính sách thắt chặt lãi suất, nhưng cũng ngụ ý rằng có thể tạm dừng vào cuối mùa thu, tất cả những điều đó đã mang lại tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư”, Sam Stovall, Trưởng chiến lược gia đầu tư tại CFRA Research ở New York cho biết.

Kết thúc phiên 26/5, chỉ số Dow Jones tăng 516,91 điểm (+1,61%), lên 32.637,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 79,11 điểm (+1,99%), lên 4.057,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 305,91 điểm (+2,68%), lên 11.740,65 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng với lĩnh vực bán lẻ dẫn đầu, khi Anh tiết lộ kế hoạch kích thích kinh tế mới, trong khi Fed bám sát kịch bản thắt chặt chính sách tiền tệ cũng thúc đẩy khẩu vị rủi ro của giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,78% lên 437,11 điểm, với nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng 4,7%.

Trong đó, các nhà bán lẻ của Anh như Ocado, Marks & Spencer, Next và Primark Associated British Foods tăng từ 4,4% đến 11,5%, với hy vọng rằng 15 tỷ bảng Anh của gói hỗ trợ mới trị giá 19 tỷ USD cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng hóa đơn năng lượng tăng cao sẽ khuyến khích họ tiếp tục chi tiêu.

Nhóm cổ phiếu xa xỉ cũng tăng mạnh, với chủ sở hữu của Louis Vuitton LVMH tăng 3,7%, và là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho STOXX 600.

Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn mong manh trước những lo lắng kéo dài về việc tăng trưởng kinh tế chậm lại từ việc thắt chặt ngân hàng trung ương.

Hôm thứ Tư, biên bản cuộc họp chính sách đầu tháng 5 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã đồng ý tăng lãi suất thêm 0,5% trong hai cuộc họp tiếp theo để kiềm chế lạm phát và cũng thảo luận về khả năng tạm dừng sau tháng 7 nếu lạm phát bắt đầu giảm bớt.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu tiện ích châu Âu giảm 1,2% đã hạn chế mức tăng của STOXX 600, với Công ty cấp nước United Utilities giảm 6,6% sau khi cảnh báo chi phí cao hơn trong năm nay.

Một số thị trường ở châu Âu, bao gồm Thụy Sĩ, Thụy Điển và Phần Lan, đã đóng cửa để nghỉ lễ tại địa phương.

Kết thúc phiên 26/5: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 42,17 điểm (+0,56%), lên 7.564,92 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 223,36 điểm (+1,59%), lên 14.213,29 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 111,94 điểm (+1,78%), lên 6.410,58 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp, do tổn thất ở các cổ phiếu liên quan đến chip đã làm lu mờ bước nhảy vọt của các công ty hàng không và đường sắt.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, dù phần lớn thời gian trong phiên giằng co, rung lắc do các nhà đầu tư lo lắng về dấu hiệu suy giảm kinh tế, nhưng đã được an ủi với nhận xét của Thủ tướng Lý Khắc Cường về việc ổn định nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, khi nhóm cổ phiếu công nghệ suy yếu do lo ngại về tranh chấp kiểm toán giữa Mỹ và Trung Quốc đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc niêm yết trên phố Wall.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do các nhà sản xuất chip lớn kéo xuống, khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đưa ra một động thái diều hâu khác để chống lại lạm phát gia tăng.

Kết thúc phiên 26/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 72,96 điểm (-0,27%), xuống 26.604,84 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,64 điểm (+0,50%), lên 3.123,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 55,07 điểm (-0,27%), xuống 20.116,20 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,77 điểm (-0,18%), xuống 2.612,45 điểm.

Tác giả: Lạc Nhạn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến