Tằm “nhả” chăn tơ và nỗi lòng của người nông dân yêu nghề
13/11/2015 16:02:08
ANTT.VN – Xuất phát từ lòng yêu nghề, say nghề, hiểu nghề người phụ nữ ở tuổi lục tuần đã tìm ra con đường riêng cho sản phẩm tơ tằm của mình, đó là cho chính những “thợ” tằm tự dệt chăn tơ mà không có công nghệ, công nhân nào có thể làm tinh sảo bằng.

Tin liên quan

Bà Nguyễn Thị Thuận đang luyện "thợ" tằm đang chăn tơ

Người phụ nữ đó chính là bà Phan Thị Thuận, sinh ra và lớn lên trong làng nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa tại Phùng Xá – Mỹ Đức - Hà Nội. Nhìn làng nghề càng ngày càng mai một, bà Thuận luôn đau đáu trăn trở  muốn khôi phục làng nghề và tìm hướng đi mới cho sản phẩm từ chính con tằm của làng nghề.

Luyện “thợ”tằm đan chăn tơ

Theo lời bà Thuận, gia đình bà đến nay đã có 4 đời làm nghề nuôi tằm và sản xuất sản phẩm từ tơ tằm. Trước kia, gia đình bà vẫn dùng phương pháp cũ là nuôi tằm lấy kén, sau đó kéo sợi, dệt vải lụa, nhưng bắt đầu từ năm 2010, bà Thuận nghiên cứu việc để con tằm nhả tơ dệt nên những tấm chăn. Trải qua nhiều lần thử nghiệm và khó khăn, năm 2012 bà đã thành công khi có tấm chăn đầu tiên nhờ những “công nhân” tằm.

Vợ chồng anh Lê Văn Nam (con trai bà Thuận) bên khuôn tằm

Bà Thuận cho biết, làm nghề nuôi tằm tơ vất vả không phải ai muốn là cũng làm được mà cần phải có cái tâm, tận tụy với nghề cộng với sự cần cù, chịu khó và kiên nhẫn túc trực bên con tằm 24/24 mới có được những sản phẩm tốt.

Tấm chăn do những “thợ” tằm tự đan của bà Thuận đến nay đã nổi tiếng gần xa, đó là thành quả lao động miệt mài và sự dày công nghiên cứu tạo được sản phẩm tinh tế nhất, độc đáo nhất. Để có được sản phẩm chăn tơ tằm có “một không hai” bà và gia đình đã thử đủ mọi cách để tìm ra sản phẩm tốt nhất. Bà Thuận chia sẻ “ tôi đi lối mới, dùng chính con tằm làm những người thợ đặc biệt để tạo ra những sản phẩm đặc biệt, chất lượng hơn cả những sản phẩm sử dụng máy móc, con người”.

Anh Lê Văn Nam, con trai bà Thuận cho biết mới đầu bà Thuận và anh thử rất nhiều cách để làm ra tấm chăn bằng tơ tằm như thử kéo tơ từ con kén nhưng cách này độ liên kết kém và dễ bị xô dạt nên không thành công. Dần dần mẹ con anh bắt đầu thử cho con tằm nhả tơ trên một mặt phẳng nhưng vì tập tính của con tằm là cuốn kén nên chỉ cần sơ ý một chút con tằm sẽ kéo kén lấp chùm lên nhau, rất mất thời gian để gỡ.

"Bông" bằng tơ tằm

“Con tằm ăn lá dâu trong 20 ngày đêm, trong điều kiện khoảng 25 độ C, trong vòng 20 ngày sẽ đủ độ tơ trong bụng tằm. Thông thường nếu như trước kia con tằm đan kén, làm tổ sẽ mất khoảng 3 ngày nhưng hiện giờ để con tằm đan tấm kén trên một mặt phẳng sẽ mất thêm 1 ngày tằm tìm vị trí đan nên sẽ mất tổng cộng 4 ngày để thu được một tấm kén phẳng”- Anh Nam nói.

Giá mỗi tấm chăn từ tơ tằm của bà Thuận được tính theo kg, trung bình 4 triệu đồng/kg, thông thường tấm chăn nặng 2kg giá bán khoảng 8 triệu đồng, tính thêm tiền công và vỏ chăn bằng lụa, một tấm hoàn thiện khoảng 11 triệu – 12 triệu đồng, tuy nhiên còn phụ thuộc vào chiều dài, rộng và độ dầy, mỏng của chăn.

Nỗi niềm của người nông dân yêu nghề

Tằm vào kén theo cách truyền thống

Ở tuổi lục tuần nhưng bà Thuận vẫn có những ước mơ cho riêng mình và cho cả những người nông dân của làng nghề, ước mơ cũng chính là nỗi lòng của bà – một người gắn bó cả cuộc đời với nghề của ông cha.

Bà Thuận chia sẻ với chúng tôi rằng rất muốn mở rộng sản xuất, bà mong có thể phát triển ngành tơ tằm trong phạm vi cả nước, mong người dân trong cả nước sẽ được dùng những sản phẩm từ tơ tằm chất lượng tốt, từ tấm chăn, đến quần áo, khăn quàng… Nhưng điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ của nhà nước, của các nhà đầu tư tài chính. Bà trăn trở, ở cái tuổi hơn 60 của bà theo quy định thì không được vay vốn nữa, còn nếu là doanh nghiệp thì cần phải có doanh thu mới có điều kiện vay vốn nên bà không thuộc diện nào để được vay vốn cả.

Bà Thuận bên những sản phẩm độc đáo và tinh tế từ tơ tằm của mình

Bà Thuận nói, “để phát triển bền vững tôi rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước, của các nhà đầu tư tài chính, đồng thời cần các cơ quan có thẩm quyền chú ý nhiều hơn đến sản phẩm từ tơ tằm. Tôi muốn nhà nước, Hội Nông dân, Bộ KHCN, Cục Xúc tiến thương mại, ngân hàng giúp những người nông dân làm nghề và nhất là đối với những người nông dân có giải pháp sáng tạo được giải cao vay vốn lãi xuất thấp để mở rộng và phát triển sản xuất”.

Thành phẩm chăn bằng tơ tằm của bà Thuận

Cũng vì lý do chưa mở rộng sản xuất mà bà đã phải từ chối việc đặt hàng số lượng lớn từ nước ngoài, bà bộc bạch, “Tôi từ chối việc đặt hàng số lượng lớn từ nước ngoài bởi đó là vào thời kỳ tôi mới phát triển được việc con tằm tự đan tơ trên một mặt phẳng, họ đặt với số lượng lớn tôi chưa có nguồn nguyên liệu, chưa có nguồn vốn dự trữ, chưa có số lượng lớn hàng có sẵn trong kho để khi xuất hàng đi với số lượng lớn lớn vẫn còn nguồn hàng”.

Khăn lụa và vải đũi làm bằng tơ tằm

Được biết, sắp tới vào ngày 16/11, bà Thuận sẽ đi nhận giải nhất về “Giải pháp sáng tạo hữu ích” do Bộ Khoa Học Công Nghệ, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Trung ương Hội Nông dân tổ chức. Bên cạnh đó, bà Thuận cũng vinh dự nhật giải “ Bông lúa vàng năm 2015” của Bộ NN&PTNT.

Thiên Di - Hoa Liên
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến