Dòng sự kiện:
Tăng lãi suất 'đuổi' lạm phát là sai lầm?
06/07/2022 13:23:59
Các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới, nguyên nhân do siết chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc

Hàn Quốc hôm 5-7 ghi nhận giá tiêu dùng trong tháng 6 vừa qua tăng nhanh nhất trong gần 24 năm qua, dẫn đến khả năng tăng lãi suất mạnh trong tháng này.

Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cũng tăng lãi suất tháng thứ 3 liên tiếp trong khi các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương khác như Philippines, Singapore và Malaysia đều có động thái tăng tương tự.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một trong các ngân hàng trung ương đi đầu trong việc tăng lãi suất nhằm đưa nhu cầu ngang bằng với nguồn cung vốn đang bị hạn chế. Đầu tháng 6, FED đã nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 và Chủ tịch FED Jerome Powell ám chỉ Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7.

Tuy nhiên, ông Paul Gambles, nhà đồng sáng lập Công ty tư vấn MBMG Group, nhận định với đài CNBC hôm 4-7 rằng tăng lãi suất để kiềm chế nhu cầu cũng như lạm phát không phải là giải pháp đúng đắn vì giá hàng tiêu dùng tăng cao hiện nay phần lớn bắt nguồn từ các cú sốc trong chuỗi cung ứng.

Khách hàng đến mua xe đạp tại một cửa hàng ở Manhattan (New York - Mỹ) hôm 28-6 Ảnh: REUTERS

Trong giai đoạn phong tỏa vì đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên toàn cầu không thể sản xuất và vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng một cách hiệu quả. Thêm vào đó, các lệnh cấm vận của phương Tây lên Nga cũng đã cắt giảm nguồn cung, góp phần đẩy giá cả lên cao.

Ông Gambles không cho rằng chính sách tiền tệ của FED có thể tác động đáng kể đến nhu cầu hàng hóa. Chuyên gia này nhận định trong bối cảnh các cú sốc nguồn cung liên tục trở nên nghiêm trọng hơn, các ngân hàng trung ương sẽ khó có thể khống chế lạm phát trong dài hạn.

Cùng quan điểm, ông Stephen King, cố vấn kinh tế cấp cao của tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC, phân tích: "Về mặt kinh tế, cuộc khủng hoảng Covid-19 được xem là một thách thức về nhu cầu. Các ngân hàng trung ương đã phản ứng bằng cách duy trì lãi suất thấp và nới lỏng định lượng dù các chính phủ tung ra những giải pháp kích thích tài khóa lớn".

Cảnh báo của ông Gambles về cú sốc nguồn cung tiếp diễn không phải là không có căn cứ khi nhiều khu vực ở Trung Quốc đối mặt nguy cơ phong tỏa trở lại do số ca mắc Covid-19 tăng mạnh.

Theo nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Ting Lu tại Tập đoàn tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản), số thành phố Trung Quốc áp đặt hạn chế di chuyển đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một tuần, lên 11 thành phố hôm 4-7. Các biện pháp mới nhất ảnh hưởng đến khu vực chiếm khoảng 14,9% GDP của Trung Quốc.

Nomura Holdings hôm 5-7 dự báo các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Nguyên nhân đến từ việc giới chức trách siết chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, lạm phát tăng cao và tăng trưởng giảm tốc.

Theo nội dung báo cáo của Nomura, Trung Quốc là "nước ngoài cuộc" khi nền kinh tế số 2 thế giới tiếp tục đà hồi phục dựa trên một loạt các chính sách hỗ trợ trong khi Mỹ sẽ chứng kiến cuộc suy thoái nhẹ kéo dài tới 15 tháng tính từ quý IV/2022.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden cân nhắc giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc để kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã thảo luận trực tuyến về thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng hôm 5-7.

Không đánh giá cao cuộc gặp, ông Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Natixis (Hồng Kông), cho rằng cuộc đối thoại có thể thúc đẩy quan hệ hai nước trong ngắn hạn nhưng không xoay ngược thế cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tác giả: Xuân Mai

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến