Bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện tại Hà Nội. Ảnh: PV
Liên tục ghi nhận ca tử vong tại các địa phương
Đơn cử như ngày 2/5, cả nước có 4 ca tử vong do COVID-19, tại TP Hồ Chí Minh (1 ca), Đà Nẵng (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Lạng Sơn (1 ca); ngày 30/4 có 3 ca COVID-19 tử vong tại Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai; các ngày trước đó cũng đã liên tục ghi nhận các ca tử vong, trong khi trước đó hầu như Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19 trong suốt thời gian dài.
Cùng với đó, số ca COVID-19 nặng, phải thở oxy cũng tăng cao, nhiều ngày có hàng trăm ca nặng; đơn cử như ngày 2/5 có 137 ca, ngày 1/5 là 123 ca, ngày 29/4 là 122 ca…
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ trong 3 ngày đầu nghỉ lễ, có gần 3.300 người bệnh khám COVID-19 tại các cơ sở y tế; trong đó có hơn một nửa số bệnh nhân phải nhập viện, có 11 ca tử vong.
Trong số các ca nặng, tử vong nhiều trường hợp có bệnh nền, nhiều người chưa tiêm, không tiêm đủ vaccine COVID-19.
Về các chủng biến thể gây bệnh COVID-19 hiện nay, các chuyên gia cho rằng, những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, không có gì mới. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm. Tuy nhiên, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng về việc các biến thể phụ này có thể làm tăng mức độ nặng của bệnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục. Với những người chưa tiêm đủ mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì nên khẩn trương tiêm đủ mũi để phòng bệnh tốt nhất. Với biến thể Omicron, vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả trong việc phòng chống lây nhiễm, giảm tỷ lệ chuyển nặng khi mắc COVID-19. Bên cạnh việc tiêm đủ các mũi vaccine như khuyến cáo, người dân nên được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, khử khuẩn.
Chuẩn bị phương án bùng dịch sau nghỉ lễ
Theo nhận định của Bộ Y tế, nhu cầu giao thương, du lịch, đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ gia tăng rất lớn, là điều kiện lây lan nhanh các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có COVID-19.
GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Dự báo dịch COVID-19 sẽ có thể gia tăng sau kỳ nghỉ lễ. Khi người dân, học sinh, sinh viên trở lại làm việc, học tập sau kỳ nghỉ lễ, công tác phòng, chống dịch phải được các địa phương chú trọng và tăng cường kiểm soát hơn.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, các trường học bước vào kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT và đại học; ngành y tế các địa phương cần tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục đảm bảo an toàn cho học sinh, cũng như phòng, chống dịch trong nhà trường. Các Viện Pastuer, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực phải phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đã được phân công để tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch, tiêm vaccine.
Bộ Y tế cũng tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19, tập trung ưu tiên bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai) là những trường hợp dễ có nguy cơ chuyển biến nặng, có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19.
Các địa phương chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; báo cáo kịp thời và triển khai ngay các biện pháp ứng phó khi dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus. Cùng với các biện pháp phát hiện, chủ động thu dung, điều trị, công tác truyền thông phòng bệnh cũng cần được tăng cường để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.
Đặc biệt, theo Bộ Y tế, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cần được đẩy mạnh, các địa phương cần huy động sự tham gia của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng, nhất là với các nhóm có nguy cơ cao như nhóm người cao tuổi, nhóm dân di biến động, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch và phụ nữ mang thai.
Tại các địa phương, hiện công tác tăng cường tiêm chủng, giám sát dịch COVID-19 cũng đang được đẩy mạnh.
Tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, số bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng. Do đó, ngành Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể đáp ứng công tác phòng, chống dịch.
Hiện các bệnh viện hạng 1 và bệnh viện tuyến thành phố được phân công điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng; bệnh viện tuyến huyện điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có sự phối hợp, hỗ trợ chuyên môn giữa các tuyến. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch để người dân thực hiện nghiêm hướng dẫn “2K”. Khuyến cáo người dân trong những ngày nghỉ lễ không lơ là, chủ quan mà cần có biện pháp dự phòng chủ động như đeo khẩu trang; đồng thời, khuyến cáo người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 đầy đủ, đặc biệt là với nhóm người có nguy cơ cao như người già, người có bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ em. Cùng với đó, ngành Y tế Hà Nội cũng tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát dịch tại những khu vực có nguy cơ cao như: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Thành phố cũng tổ chức các điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ lễ; trong đó đảm bảo mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức duy trì ít nhất 2 điểm tiêm phục vụ nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 của người dân, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ hoặc người chưa tiêm đủ liều khi đến khám, chữa bệnh tại các đơn vị.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các bệnh viện chủ động rà soát các nguồn lực, khôi phục lại hoạt động của đơn vị, khoa điều trị COVID-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ. Đồng thời, các đơn vị bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp.
TP Hồ Chí Minh cũng sẵn sàng nhân sự chuyên môn, vật tư, trang thiết bị y tế để vận hành Bệnh viện dã chiến số 13 trong vòng 24 giờ sau khi được kích hoạt nếu xảy ra tình huống số bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tăng lên đến 50 trường hợp trong cùng một thời điểm.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy