Dòng sự kiện:
Tăng trưởng tín dụng: Không nên kỳ vọng quá nhiều
15/05/2019 10:14:38
Nhiều ngân hàng lớn đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao trong những tháng đầu năm và nếu duy trì đà tăng trưởng như vậy thì sẽ sớm chạm giới hạn mà NHNN cho phép.

Số liệu tăng trưởng cho vay trong 3 tháng đầu năm cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong hệ thống ngân hàng.  Kết quả kinh doanh quý 1 do các ngân hàng công bố,  tăng trưởng tín dụng thực tế tiếp tục có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

BIDV (+3,6%), ACB (+2,7%) và Techcombank (-0,3%) so với đầu năm nên vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng cho 3 quý cuối năm. Do tích cực phân phối danh mục trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân nên Techcombank có tăng trưởng tín dụng âm dù cho vay khách hàng mở rộng 2,4% so với đầu năm.

Ngược lại, một số ngân hàng đẩy mạnh tín dụng ngay từ quý đầu năm, như TPBank (+11,3%), OCB (8,6%), MBBank (+8,4%), VPBank (+6,9%), tức đã sử dụng quá nửa chỉ tiêu được giao ban đầu.

Trong tháng 4/2019, có thêm 4 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tuân thủ Thông tư 41 trước hạn là MBB, ACB, TPB và VPB. Theo đó, các ngân hàng này sẽ bắt đầu áp dụng chuẩn mực an toàn vốn mới từ 1/5/2019. Các ngân hàng này đều kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao hồi đầu năm. Như vậy, đã có tổng cộng 7 ngân hàng được chấp thuận tuân thủ sớm. Hầu hết các ngân hàng này đều kỳ vọng NHNN sẽ xem xét nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao hồi đầu năm.

Ở Sacombank, ngân hàng cũng sắp dùng hết hạn mức được cấp và đang phải xin NHNN nới "room" tăng trưởng tín dụng năm nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết Sacombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 7% và hiện nhà băng này đang trình cơ quan quản lý chấp thuận điều chỉnh tăng chỉ tiêu lên mức 15%. Trong quý 1, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này cũng rất cao; đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay của Sacombank là 271.020 tỷ đồng, tăng 5,61% so với đầu năm.

Trong khi những ngân hàng trên sắp dùng hết hạn mức thì nhiều nhà băng khác tăng trưởng rất thấp, hoặc thậm chí còn sụt giảm cho vay trong quý 1.

Nhóm tăng trưởng thấp này chủ yếu xảy ra ở các ngân hàng nhỏ Saigonbank giảm 0,4%; VietCapitalBank và PGBank chỉ tăng lần lượt 1,32% và 1,87% còn MSB gần như không thay đổi. Ngoài ra, ngân hàng tầm trung như Eximbank, quý đầu năm nay tín dụng cũng tăng trưởng âm 2,9% với dư nợ rơi xuống dưới 100.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, "ông lớn" VietinBank có dư nợ cho vay tiếp tục giảm gần 6.600 tỷ đồng sau khi đã giảm hơn 26.000 tỷ trong quý 4/2018 trước đó. So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này là âm 0,8%. Cả năm 2019, VietinBank chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng có 6-7%, bằng một nửa so với các ngân hàng lớn khác.

Ngoại trừ VietinBank vì vướng mức về tăng vốn, việc tăng trưởng cho vay thấp của nhóm ngân hàng top dưới cho thấy nhóm này ngày càng khó có cửa để cạnh tranh với các ngân hàng lớn. Thị phần cho vay đã nhỏ, tăng trưởng lại yếu thì khoảng cách, chênh lệch của nhóm này so với các ông lớn ngày càng cách biệt. Trong khi đó, thu nhập tín dụng ở các ngân hàng này là nguồn thu chủ yếu với tỷ lệ đóng góp thường trên 90%; sự dịch chuyển cơ cấu thu nhập sang nguồn thu ngoài lãi lại rất chậm chạp, sản phẩm không có sự khác biệt và vượt trội so với các ngân hàng lớn.

Thực tế, việc tăng trưởng cho vay thấp cũng đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng top dưới. Thu nhập lãi thuần ở Saigonbank quý 1 chỉ tăng 0,8%, VietCapital Bank giảm 2,6%. Kết quả là, lợi nhuận của Saigonbank giảm 39%, VietCapital Bank giảm 75%.

Đối với các ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá cao trong quý đầu năm cũng chưa hẳn là điều tốt bởi điều đó đồng nghĩa với việc hạn mức tăng trưởng cho vay trong 3 quý còn lại sẽ hẹp hơn. Việc xin NHNN cấp thêm "room" chưa chắc đã được chấp nhận buộc những nhà băng này phải cơ cấu lại dư nợ cho vay theo hướng tăng biên lợi nhuận. Và phải lưu ý rằng, chú trọng cho vay vào phân khúc có biên lợi nhuận cao mà không quản trị rủi ro tốt thì có thể dẫn tới khả năng nợ xấu tăng lên.

Các năm trước, Ngân hàng Nhà nước có xu hướng giao cho từng ngân hàng chỉ tiêu ban đầu vào quý 1, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế sẽ điều chỉnh vào quý cuối năm nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm nằm trong hạn mức cho phép. Thực tế trong năm 2018 vừa qua, chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao cho từng ngân hàng vào đầu năm phổ biến ở mức 14-15% và sau đó đã tăng lên 18-20% cho một số ngân hàng thương mại cổ phần vào cuối năm.

Năm 2019, các ngân hàng như ACB, MBB, HDB, TPB, TCB được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13%. Một số ngân hàng được giao chỉ tiêu thấp hơn gồm BID (12%), VPB (12%) và CTG (do CTG đang triển khai đề án tái cơ cấu). Đặc biệt, VCB (một trong 3 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước công nhận đáp ứng Thông tư 41 trước thời hạn vào cuối năm 2018) được giao chỉ tiêu cao hơn ở mức 15%.

Tại bản báo cáo mới nhất về tăng trưởng tín dụng, chuyên viên phân tích của chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với tình hình dư địa tăng trưởng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) trở nên hạn chế, các ngân hàng sẽ phải trông cậy nhiều hơn vào việc mở rộng tín dụng.

Tuy vậy, hiện mức tăng trưởng tín dụng bị hạn chế bởi chỉ tiêu do Ngân hàng Nhà nước giao ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của nhiều ngân hàng. Vì vậy, việc có được điều chỉnh nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng so với mức hiện tại hay không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập lãi cũng như kết quả lợi nhuận cả năm của nhiều ngân hàng.

Không thể phủ nhận việc điều hành bằng công cụ hạn mức tín dụng đã góp phần giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được các mục tiêu vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ chế này cũng làm hạn chế khả năng tăng trưởng của nhiều ngân hàng cũng như công ty tài chính tiêu dùng tốt.

Căn cứ theo diễn biến của năm 2018, dù NHNN có chấp thuận nới chỉ tiêu thì mức tối đa cho từng ngân hàng vẫn khó có thể vượt quá 20%, vì vậy mức dộ tăng trưởng tín dụng cao của nhiều ngân hàng đặt ra năm nay có thể là mục tiêu khá tham vọng. 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 17/4/2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,23% so với đầu năm. Như vậy, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% của cùng kỳ 2018 và 2017, đồng thời cũng thấp hơn so với mức tăng bình quân 3,5% cùng kỳ các năm trước đó.

Trong năm nay, nhiều ngân hàng đang và chuẩn bị được áp dụng chính thức Thông tư 41, với những quy định chặt chẽ hơn nhiều về tiêu chuẩn an toàn vốn so với Thông tư 36 hiện tại.

Do đó, VDSC cho rằng sẽ là hợp lý hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét phương án để cho các ngân hàng có thể tự chủ tốc độ tăng trưởng tín dụng, miễn là vẫn thỏa mãn các hệ số an toàn theo quy định. Điều này nhằm đảm bảo nguồn lực tín dụng được phân bổ hợp lý và các ngân hàng sẽ thực sự có động lực phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả và các chỉ số an toàn hoạt động để được hưởng các ưu đãi về tăng trưởng tín dụng xứng đáng.

Hoàng Dung

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến