Chiến lược phát triển tổng thể ngành
Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam. Ổn định hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ chốt trong ổn định tiền tệ và ổn định tài chính, là điều kiện tiên quyết để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.
Hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế. (Ảnh: Lê Minh Khuê)
Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), mục tiêu của ngành ngân hàng ở giai đoạn đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống.
Cụ thể, giai đoạn 2018-2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chếthị trường. Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất 1-2 ngân hàng trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á (về tổng tài sản).
Về hoạt động, giai đoạn đầu tiên đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập lên 12-13%, và dần lên 16-17% vào giai đoạn sau. Ngành ngân hàng cũng được kỳ vọng hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (bao gồm cả nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại).
Giai đoạn 2021-2025, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.
Song song với đó, hệ thống ngân hàng cần đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.
Chiến lược cụ thể từng ngân hàng
Bám sát chiến lược phát triển tổng thể của ngành, một số ngân hàng cũng đã có chiến lược phát triển riêng của mình trong 10 năm tới. Ngân hàng có hoạt động kinh doanh vượt trội trong hệ thống hiện nay là Vietcombank cho biết sẽ tiếp tục bám sát tầm nhìn và định hướng đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại Vietcombank đến năm 2020 đã được NHNN phê duyệt là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Theo đó, Vietcombank sẽ thực hiện 8 mục tiêu chiến lược, bao gồm: ngân hàng số 1 về bán lẻ và thứ 2 về bán buôn; ngân hàng đứng đầu về quy mô và hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn trong nước và quốc tế; ngân hàng có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao nhất trong các tổ chức tín dụng trong nước; ngân hàng có quy mô lợi nhuận lớn nhất và hiệu suất sinh lời gia tăng hàng năm; ngân hàng đứng đầu về mức độ hài lòng của khách hàng; ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực; ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất; ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số.
Một sự chậm trễ trong việc bắt kịp xu thế tiêu dùng có thể khiến ngân hàng trở nên lạc hậu. (Ảnh: Thành Hoa)
Với VietinBank, mục tiêu trung và dài hạn là trở thành tập đoàn tài chính có quy mô lớn với hiệu quả hoạt động tốt nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam vào năm 2020. VietinBank đã xác định những trọng tâm chiến lược trong giai đoạn tiếp theo là tiếp tục tăng trưởng kinh doanh có chọn lọc, hiệu quả, bền vững, chuyển dịch mạnh cơ cấu khách hàng, tiếp tục tự động hóa dịch vụ với tiện ích cao, cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt chú trọng dịch vụ thanh toán ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực tài chính, tăng cường hiệu quả hoạt động ngân hàng và công ty con, công ty liên kết; cải thiện năng suất lao động, quản trị hiệu quả chi phí.
Trong khi đó, Ngân hàng Quân đội (MB) lại xác định tầm nhìn trở thành “ngân hàng thuận tiện nhất”. MB cho biết đã triển khai đồng bộ và quyết liệt bốn chuyển dịch chiến lược, đó là ngân hàng số, nâng cao quan hệ khách hàng, quản trị rủi ro vượt trội và nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty thành viên. Theo đó, MB xác định các dự án chiến lược trọng điểm, xây dựng từng hoạt động chi tiết, kèm theo các thước đo đánh giá và tổ chức triển khai.
Với Techcombank, ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục trung thành với mô hình rủi ro thấp và tập trung vào các khoản thu nhập ngoài lãi. Chiến lược của của Techcombank trong hiện tại và tương lai là cân bằng giữa khoản thu từ lãi và ngoài lãi.
Dự kiến nguồn thu không từ tín dụng sẽ chiếm khoảng 40-50% tổng thu nhập hoạt động của Techcombank thời gian tới. Với hoạt động tín dụng, gần một nửa thu nhập lãi thuần của Techcombank đến từ các khách hàng cá nhân với phân khúc khách hàng có tài sản đảm bảo, chủ yếu là vay mua nhà và ô tô.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy