Dòng sự kiện:
Tăng trưởng Việt Nam “bóc trần” sự yếu kém của các doanh nghiệp trong nước
09/11/2015 12:03:39
ANTT.VN - Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 đang được dự báo tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 8 năm qua. Trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đang “đón được sóng lớn” và tăng trưởng với tốc độ ngoạn mục thì các doanh nghiệp trong nước lại đang bị bỏ tụt lại phía sau.

Tin liên quan

70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 được tạo ra từ khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng từ con số 44% năm năm về trước. Điều này đã làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế khi có bất kỳ doanh nghiệp ngoại nào trong số này “rút chân ra”.

Trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp nước ngoài tăng 21% trong quý III năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái, khu vực các doanh nghiệp trong nước đang phải chứng kiến một “cơn gió ngược” với mức sụt giảm gần 10% trong quý III so với cùng kỳ năm 2014, số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết.

Hai xu hướng ngược trong xuất khẩu giữa 2 khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở Việt Nam đang chia rẽ nền kinh tế, làm gia tăng rủi ro suy thoái khi các doanh nghiệp ngoại hoạt động ở Việt Nam đột ngột chuyển sang các quốc gia khác để tìm kiếm nguồn lao động rẻ hơn.

Khu vực doanh nghiệp FDI hiện chiếm đến 99% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy tính, hàng điện tử 9 tháng đầu năm 2015 (Ảnh minh họa)

Rẽ nhánh trong xuất khẩu hiện nay tại Việt Nam cũng giống như những gì đã từng diễn ra ở một số quốc gia lân cận với dải đất hình chữ “S” trong những năm đầu tiến hành công nghiệp hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt hiện cũng đang phải đối mặt với những khó khăn riêng xuất phát từ cấu trúc các ngân hàng nội địa luôn hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước khó có thể tiếp cận được với nguồn vốn, gia tăng thêm khó khăn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

“‘Vùng trũng’ của khối doanh nghiệp trong nước là dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai của Việt Nam, một nền kinh tế mà lợi thế cạnh tranh chính vẫn là đất và lao động giá rẻ” – Trinh Nguyen, nhà kinh tế học cấp cao về thị trường mới nổi khu vực châu Á thuộc Natixis SA chi nhánh đặt tại Hồng Kông cho biết. “Nó sẽ tác động xấu đến sự phát triển lâu dài. Nếu bây giờ chính phủ không khéo léo xoay xở và có các biện pháp để cải thiện năng suất và sau đó là tăng lương, Việt Nam sẽ phải chịu những sự mất mát.”

Hai xu hướng ngược của nền kinh tế

Hai xu hướng ngược trong xuất khẩu giữa 2 khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ở Việt Nam hiện nay (Ảnh: Bloomberg)

Tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam lên ít nhất 6,5% từ mục tiêu 6,2% được đặt ra từ tháng 11/2014. Nếu như thành hiện thực, đây cũng chính là mức tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam kể từ năm 2007.

Xuất khẩu của Việt Nam được dẫn dắt bởi các sản phẩm máy tính, hàng điện tử, hàng dệt may và da giày. Khối các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả công ty Samsung Electronics của Hàn Quốc, hiện đang chi phối tất cả các lĩnh vực trên. Khối này hiện chiếm đến 99% trong tổng 34,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy tính, hàng điện tử 9 tháng đầu năm 2015, đồng thời đóng góp đến 67% trong tổng 25,7 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng dệt may và da giày cùng kỳ.

Khu vực doanh nghiệp trong nước của Việt Nam đã có một mức gia tăng rõ rệt trong thị phần xuất khẩu hàng nông và thủy sản, tuy nhiên những mặt hàng xuất khẩu này lại đang gặp phải những  cản trở do giá cả hàng hóa giảm mạnh. Tháng 8/2015, chỉ số Bloomberg Commodity Index theo dõi 22 loại nguyên liệu thô đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trong một cuộc họp báo ngày 29/10/2015 cho biết: “Các công ty Việt Nam đang gặp khó khăn về xuất khẩu khi giá cả hàng hóa thế giới về nông nghiệp và thủy sản đang giảm mạnh”. Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế cũng làm tổn thương các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước – Bộ trưởng nói thêm.

Các quốc gia có nền tảng sản xuất đã phát triển, đi trước Việt Nam như Trung Quốc hay Malaysia đều chứng minh một điều rằng, theo thời gian các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt kịp được với khu vực nước ngoài.

“Trung Quốc dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một thời gian, và sau đó, bắt đầu từ năm 1990 đến đầu những năm 2000, khu vực các doanh nghiệp trong nước đã bật lên và qua thời gian đã ngày càng trở nên quan trọng đối với nền kinh tế và xuất khẩu” – ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết.

Quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP

Đến bây giờ, Việt Nam đang được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo Bloomberg, Trong 10 năm tới, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng lên 11% (36 tỷ USD), bên cạnh đó thúc đẩy xuất khẩu tăng tới 28%. Theo WB, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn so với mức trung bình của các nước trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2017.

Triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam sẽ củng cố đáng kể nếu TPP được các quốc gia thành viên thông qua, theo Fitch Ratings Ltd. Đồng thời Fitch Ratings cũng vừa công bố đánh giá tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ (IDRs) của Việt Nam ở mức BB- với triển vọng ổn định.

“Đó là một vị trí rất tốt cho một quốc gia có mức độ phát triển như Việt Nam” – ông Andrew Fennell, Quyền Giám đốc của Fitch Ratings tại châu Á – Thái Bình Dương, nói về những lợi ích của TPP. “Mô hình dựa vào xuất khẩu này là một mô hình mà nhiều quốc gia đã theo đuổi. Chỉ bởi các chuỗi cung ứng trong nước ở Việt Nam hiện tại chưa đủ mạnh, điều này không có nghĩa là về lâu dài nó không thể. Vấn đề là thời gian.” – ông nói thêm.

Sự đầu tư của Samsung

Samsung Group là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Theo thông tin từ một bài viết trên Báo Đầu tư, tính đến tháng 8, Samsung đã cam kết rót 14,2 tỷ USD vào Việt Nam. Bloomberg dẫn theo số liệu từ một trang website của chính phủ Việt Nam cho biết, Samsung chiếm đến 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2014.

“Các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ.” – theo Trinh Nguyen, nhà kinh tế học cấp cao về thị trường mới nổi khu vực châu Á thuộc Natixis SA chi nhánh đặt tại Hồng Kông cho biết. “Khi có càng nhiều công ty đầu tư vào, cuối cùng nó sẽ đặt áp lực lên tiền lương. Khi tiền lương tăng và Việt Nam không có một lợi thế so sánh nào khác, các nhà sản xuất sử dụng nhiều lao động sẽ đi đến các quốc gia cung cấp lao động rẻ hơn” – nhà kinh tế này nói thêm.

Phương Phương – Theo Bloomberg

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến