Nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ "khủng". (Ảnh: Vietnam+)
Mùa đại hội đồng cổ đông của các ngân hàng vừa kết thúc. Câu chuyện cổ tức, tăng vốn, các hợp đồng bảo hiểm mang đến khoản lãi hàng chục ngàn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng hay trái phiếu doanh nghiệp, cho vay bất động sản đã trở thành tâm điểm trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Hấp dẫn tăng vốn, chia cổ tức
Có lẽ đến thời điểm này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) là ngân hàng có phương án tăng vốn điều lệ lớn nhất hệ thống lên tới 79.000 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước. Kế hoạch tăng vốn sẽ được thực hiện thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP), chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, ngân hàng này đã tăng vốn điều lệ từ hơn 25.000 tỷ đồng lên 45.000 tỷ đồng. Như vậy, 2022 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp VPBank đẩy mạnh hoạt động tăng vốn điều lệ.
Hoạt động tăng vốn điều lệ liên tục của VPBank đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư, trong bối cảnh một số ngân hàng lớn khác có kế hoạch tăng vốn khá khiêm tốn hoặc thậm chí nhiều năm liền không tăng vốn.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank khẳng định mục đích tăng vốn của ngân hàng không phải để trở thành tổ chức tài chính có vốn điều lệ lớn nhất, mà nhằm củng cố nền tảng vốn vững chắc cho chặng đường phát triển 5-10 năm tới của VPBank.
Đây cũng là ngân hàng gây ngạc nhiên và bất ngờ cho các cổ đông khi thông báo từ năm sau sẽ trình đại hội chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Tiếp đến, ba ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng thông báo tăng vốn điều lệ trong năm nay. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng để lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21% trong năm 2022 bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ chia cổ tức là 12% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Cùng với đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 và 2020 với gần 856,6 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 18,1%. Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. VietinBank đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng với việc phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.
Đối với các ngân hàng tầm trung, hầu hết cũng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay và dự kiến chia cổ tức ở mức cao.
Đơn cử như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) năm nay có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng với tỷ lệ chia cổ phiếu ở mức 20%; Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) tăng từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) tăng từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã đưa ra phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 25% và nâng tổng vốn điều lệ lên 25.503 tỷ đồng, tăng 27% so với hiện tại; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng mạnh vốn điều lệ thêm hơn 5.300 tỷ đồng lên mức 21.143 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) cũng dự kiến chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông là 30% nhằm tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng...
Lý giải nguyên nhân việc các ngân hàng dồn dập tăng vốn, một chuyên gia ngân hàng cho biết động lực chính là các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, xa hơn là Basel III.
Bên cạnh một số cổ đông “hân hoan” được nhận cổ tức, cũng có nhiều cổ đông “ấm ức” do ngân hàng mấy năm liền không chia cổ tức.
Điển hình là tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), nhiều cổ đông thắc mắc lợi nhuận năm nào cũng tăng nhưng 4 năm liền không chia cổ tức. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch ngân hàng cho biết lộ trình chia cổ tức còn phụ thuộc vào sự phát triển của ngân hàng hàng và mang lại lợi ích cho cổ đông dài hạn. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể làm pha loãng giá cổ phiếu.
Trong khi đó, một số ngân hàng như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) muốn chia cổ tức nhưng lại không được, bởi vẫn phải chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước vì đang trong quá trình tái cơ cấu.
Nóng trái phiếu, bảo hiểm
Sau vụ việc lãnh đạo Tập đoàn FLC, rồi đến Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam, quan hệ tín dụng của các ngân hàng với các công ty bất động sản, xây dựng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cổ đông ngân hàng.
Tại đại hội đồng cổ đông của một số ngân hàng như Sacombank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Techcombank, VPBank... các cổ đông đã bày tỏ lo ngại về các khoản nợ của tập đoàn FLC và trái phiếu doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết ngân hàng này cho FLC vay trên 5.000 tỷ đồng, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là một số dự án và cổ phiếu của Bamboo Airways. Hiện ngân hàng đã xử lý, thu hồi được khoảng 2.600 tỷ đồng và đều có tài sản đảm bảo. Trong vòng 1 tháng nữa, Sacombank sẽ hoàn tất các khoản nợ của FLC và phía đối tác rất hợp tác trong việc trả nợ.
Tương tự, lãnh đạo OCB cũng cho hay ngân hàng này đang thương thảo thu nợ trước hạn dự kiến 1.500 tỷ đồng trên tổng số dư nợ 2.000 đồng cho FLC vay.
Về việc đầu tư trái phiếu, lãnh đạo một số ngân hàng nhấn mạnh rằng cơ quan quản lý không hạn chế thị trường vốn mà đang làm sạch và một số vấn đề tiêu cực xảy ra vừa qua là thiểu số. Do đó, việc phát triển thị trường vốn là chiến lược phù hợp mà các ngân hàng đã lựa chọn.
Chủ tịch Techcombank cho biết khi đầu tư vào vào trái phiếu, ngân hàng đều phải thẩm định như một khoản cho vay trung, dài hạn và đương nhiên trong đó sẽ bao gồm đầy đủ từ phương án kinh doanh đến nguồn tiền, khả năng trả nợ. Đây cũng là cơ hội để ngân hàng giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư trái phiếu tốt.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được các cổ đông quan tâm đó là bảo hiểm nhân thọ phân phối qua ngân hàng (bancassurance). Trong số này ấn tượng nhất là VPBank với khoản lãi thuần từ thu nhập khác lên đến hơn 7.100 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ. Đây là mức thu từ thỏa thuận hợp tác độc quyền với Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, giúp ngân hàng báo lãi quý 1 kỷ lục. Không chỉ mở rộng mảng bảo hiểm nhân thọ, VPBank cho biết sẽ tiến hành mua lại cổ phẩn của Công ty Bảo hiểm OPES nhằm đẩy mạnh phát triển mảng bảo hiểm phi nhân thọ.
Tại HDBank, việc ký kết hợp tác độc quyền với bảo hiểm cũng được các cổ đông thắc mắc, khi HDBank là một trong những ngân hàng hiếm hoi chưa ký độc quyền với đối tác nào. Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho biết HDBank là ngân hàng duy nhất trong tốp 5 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ phân phối qua ngân hàng chưa ký hợp đồng độc quyền. Tuy nhiên ở góc độ điều hành, HDBank còn nhiều dư địa và cơ hội để tăng trưởng bancassurance mà chưa cần hỗ trợ độc quyền của đối tác bảo hiểm.
Việc hứa hẹn với cổ đông về khoản thu lớn về bảo hiểm cũng lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhắc đến tại kỳ đại hội cổ đông thường niên vừa qua. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay hiện hợp đồng 5 năm với Daii-chi Life sẽ hết hạn trong tháng Năm và ngân hàng đang tìm kiếm công ty bảo hiểm phù hợp để ký kết hợp đồng bancassurance trong khoảng 15-20 năm, dự kiến có thể công bố vào tháng Sáu tới.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng trong thời gian qua, việc mua sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đôi khi không đến từ việc tự nguyện, mà bắt buộc mua kèm theo khi muốn vay vốn. Mặt trái của thị trường bancassurance - do đó vẫn là áp lực doanh số của các ngân hàng./.
Tác giả: Thúy Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Dịch vụ chuyển nhà trọn gói Kiến Vàng
- Đồng phục công ty tại cần thơ
- đồng phục công sở
- may áo đồng phục công ty
- Cung cấp dịch vụ thành lập công ty uy tín
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy