Chỉ được quản lý, không được đầu tư
Ngành Đường sắt đang quản lý gần 300 nhà ga dọc chiều dài đất nước; tổng diện tích đất nhà ga, khu ga lên tới 9,4 triệu m2, trong đó hơn 10 khu ga có vị trí “đất vàng” ở các thành phố, đô thị lớn của đất nước. Tuy nhiên, phần lớn các nhà ga đều có quy mô nhỏ, tuổi đời vài chục năm trở lên, trong đó 25 công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, 220 công trình kiến trúc (hơn 45 nghìn m2) đã quá niên hạn sử dụng, hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu.
Giai đoạn 2011 - 2019, kinh phí nâng cấp, cải tạo tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bình quân chỉ khoảng 1.022 tỷ đồng/năm, chiếm 2,34% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển ngành Giao thông. Với số vốn nêu trên, theo tính toán, mỗi năm, Nhà nước chỉ “rót” khoảng 20 - 30 tỷ đồng để quét vôi, sơn sửa nhà ga, không đủ để nâng cấp nhà ga.
Nếu không được đầu tư đổi mới, ngành Đường sắt khó thu hút khách đi tàu.
Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từng nhận định: VNR chỉ thay mặt Nhà nước để quản lý tài sản hạ tầng đường sắt, không phải chủ sở hữu để đầu tư nhà ga. Lĩnh vực nào chưa phát triển và muốn bảo đảm sự hấp dẫn cần có sự can thiệp của Nhà nước để thu hút nguồn lực.
Trong khi các loại hình vận tải hàng không, hàng hải được giao tài sản hạ tầng cho doanh nghiệp để khai thác, kinh doanh, đường sắt lại chưa được phép. Nhà ga là điểm đến, điểm đi, tại đây có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, siêu thị, dịch vụ,... chứ hoàn toàn không đơn thuần là việc trung chuyển hành khách. Vì thế, nhiều quốc gia đã đầu tư các ga bằng nguồn ngân sách từ T.Ư và địa phương, kể cả cho phép doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác tham gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu nhà ga chỉ phục vụ hành khách thì không bao giờ có thể thu hồi vốn và khó phát triển. Nhiều năm qua, việc đầu tư nửa vời và không khai thác triệt để lợi thế nhà ga đã làm giảm sút hiệu quả, lãng phí nguồn lực.
Phương án thu hồi vốn giá trị thương mại từ các nhà ga, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại sẽ thu được thặng dư để bù đắp chi phí đầu tư và xây dựng các nhà ga chưa có sức hấp dẫn, từng bước nâng cấp dần toàn bộ hệ thống nhà ga. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là quản lý quy hoạch tốt để việc xây dựng tổ hợp nhà ga sẽ cải thiện giao thông và mang lại nguồn lực hiệu quả.
Xây dựng được cơ chế thu hút vốn ngoài đầu tư công
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường sắt có điểm mạnh là vận tải khối lượng lớn, cả về hành khách và hàng hóa nhưng chưa phát huy hết tiềm năng. “Một đoàn tàu tốc độ cao có thể vận chuyển được 1.300 khách; một toa tàu đường sắt đô thị có thể vận chuyển hơn 100 hành khách và một đoàn tàu kéo được nhiều toa. Trong khi một xe buýt chỉ vận chuyển tối đa được vài chục hành khách và chỉ hoạt động đơn chiếc.
Như vậy, rõ ràng chi phí vận tải đường sắt sẽ thấp hơn”, Thứ trưởng Đông lấy ví dụ. Tuy nhiên, ưu thế đó chỉ phát huy được khi gắn được với mối hàng, phải thuận lợi “door to door” (cửa tới cửa). Do đó, phải có đường sắt vào cảng biển, các ICD, các trung tâm kinh tế, sản xuất lớn có nhu cầu vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn như: Hàng nặng, hàng khối, container…
“Cùng với đầu tư nâng cấp đường sắt hiện hữu, tới đây phải đẩy mạnh đầu tư kết nối. Đường sắt hiện nay chưa có hạ tầng kết nối vào các mối hàng lớn trên các hành lang quan trọng, nên phải ưu tiên đầu tư”, Thứ trưởng Đông nói.
Đồng thời lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đưa vào danh mục dự án đề nghị đầu tư công trung hạn các kết nối như: Kết nối đường sắt quốc gia khu vực Hải Phòng với cảng Lạch Huyện; kết nối khổ đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc khu vực biên giới Lào Cai - Hà Khẩu; tuyến đường sắt từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến cảng Cái Mép - Thị Vải. Dự án 7.000 tỷ đồng đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Dự án cải tạo đèo Khe Nét tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư 1.928 tỷ đồng…
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất duyệt vốn trung hạn cho các dự án đường sắt khởi công mới với tổng vốn 27.942 tỷ đồng; còn tổng vốn cấp cho dự án hạ tầng đường sắt là 40.292/462.031 tỷ đồng tổng vốn các dự án hạ tầng giao thông (không tính đường sắt đô thị), tương đương chiếm tỷ trọng khoảng 9%. Trong khi đó, giai đoạn 2016 - 2020, vốn ngân sách cho đường sắt là 28.002/ 227.841 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công giao cho ngành GTVT, chiếm tỷ trọng khoảng 12,29%. Được duyệt như đề xuất trên, dù tỷ trọng vốn cấp cho đường sắt so với cả ngành không tăng nhưng tổng vốn tăng đáng kể.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, cùng với đầu tư hạ tầng từ ngân sách, phải xây dựng được cơ chế khai thác, kinh doanh hạ tầng để thu hút vốn ngoài đầu tư công, trong đó có cơ chế khai thác được các bãi hàng, khu ga. Bộ GTVT đang xây dựng đề án quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt, trong đó xác định các phương án, hình thức quản lý, khai thác, làm cơ sở để đầu tư.
Như với đất ở các khu ga, bao gồm cả khu phục vụ hành khách, bãi hàng, hạ tầng chạy tàu… phải có quy hoạch chi tiết, diện tích nào, vị trí nào sẽ sử dụng vào việc gì, phần nào có thể cho phép đầu tư ngoài ngân sách, kêu gọi vốn đầu tư, phần nào có thể giao tài sản cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đầu tư. Cùng đó, xác định rõ cơ chế đầu tư, cơ chế giao tài sản. “Nếu giao tài sản cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đầu tư thì doanh nghiệp phải xây dựng được phương án kinh doanh trên hạ tầng đường sắt như cho thuê hay tự đầu tư, khai thác, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Thứ trưởng Đông nói thêm.
Đường sắt giảm 50% giá vé tàu trong tháng 1 trên các tuyến Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, từ 1/1/2021, công ty thực hiện chương trình giảm 50% giá vé tàu trong tháng 1-2021 trên các tuyến tùy mác tàu, cự ly vận chuyển. Thời gian áp dụng đến hết 24/1/2021. Cụ thể, chương trình áp dụng đối với vé tàu Thống Nhất SE1/SE2, SE5/SE6 có cự ly vận chuyển từ 500km trở lên và tàu Hà Nội - Hải Phòng có ga đi là Hà Nội, Long Biên, ga đến là Hải Phòng hoặc ngược lại. Trước đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn triển khai chương trình “6.000 vé giảm giá 50%” cho hành khách đi trên các đoàn tàu công ty quản lý từ ngày 4/1 đến ngày 29/1/2021. Thời gian bán vé đến hết ngày 27/1/2021. Các mác tàu áp dụng gồm: Đôi tàu SE3/SE4 và đôi tàu SE7/SE8 (chạy cuối tuần) có cự ly vận chuyển từ 500km trở lên; đôi tàu SE7/SE8 (chạy đầu tuần) và tàu SE21/SE22 Sài Gòn - Đà Nẵng có cự ly vận chuyển từ 400km trở lên; đôi SNT1/SNT2 Sài Gòn - Nha Trang có cự ly vận chuyển từ 250km trở lên; đôi tàu SPT1/SPT2 Sài Gòn - Phan Thiết có cự ly vận chuyển từ 150km trở lên. |
Tác giả: Đặng Nhật
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy