Dòng sự kiện:
Tạo sự liên kết - 'cú đà' cho sự phát triển du lịch vùng
16/09/2020 20:57:50
Ngày 16/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh đã chủ trì buổi họp về vấn đề liên quan đến “Đề án cơ cấu lại ngành du lịch thành phố đến năm 2025, định hướng 2030”.

Theo kết quả phân tích số liệu từ “Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng năm 2025, định hướng 2030” cho thấy, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về sự phát triển của du lịch Đà Nẵng thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến vai trò ngành kinh tế mũi nhọn cũng như sự phát triển bền vững của điểm đến Đà Nẵng.

Cụ thể như: Mức chi tiêu và số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế có xu thế giảm, công suất sử dụng buồng trung bình có xu thế giảm, đặc biệt với nhóm khách sạn 2 sao trở xuống (chỉ đạt 30-40%), trong khi đây là nhóm chiếm tới 37,1% tổng số buồng (2019)…

Ngoài ra, tỷ trọng của thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc trong tổng số khách du lịch quốc tế tăng liên tục trong những năm gần đây và đạt 70,5% năm 2019, trong khi mức chi tiêu tương ứng là 2.066.000đ/ngày và 883.800đ/ngày (điều tra năm 2017) và số ngày lưu trú trung bình (tương ứng là 3,7 ngày và 3,4 ngày) của những thị trường này thấp so với các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ.

Phó Chủ tịch UBND thành Phố Đà NẴng, ông Lê Trung Chinh chủ trì cuộc họp. Ảnh: T.P

Qua những số liệu trên, PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, Đà Nẵng cần phải cơ cấu lại ngành du lịch để đảm bảo hạn chế nhất các tác động tiêu cực từ những bất hợp lý về cơ cấu du lịch Đà Nẵng tồn tại trong thời gian qua.

Theo đó, ngành du lịch Đà Nẵng phải điều chỉnh cơ cấu khách từ Hàn Quốc, Trung quốc và bổ sung Đài Loan cần theo hai hướng. Thứ nhất, đảm bảo lượng khách từ 2 thị trường này không chiếm tỷ lệ mang tính “chi phối” để hạn chế những rủi ro khi xảy ra khủng hoảng làm lượng khách giảm đột ngột. Thứ hai, đảm bảo tính hiệu quả với việc tập trung khai thác các phân khúc cao cấp có nhu cầu sản phẩm du lịch phù hợp với khả năng “cung” của Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Đà Nẵng cần đẩy mạnh thu hút khách từ các thị trường xa, song có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương, Nga, Ấn Độ, Trung Đông. 

“Khách du lịch từ những thị trường có khả năng chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài thường là những người có trình độ hiểu biết cao, có trách nhiệm với cộng đồng và văn hóa bản địa cũng như ý thức bảo vệ môi trường khi đi du lịch. Do đó việc thu hút khách từ những thị trường này không chỉ có ý nghĩa nâng cao hiệu quả về đóng góp kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và xã hội, đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững như mục tiêu du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng đặt ra”, PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết.

Cũng theo ông Lê Đức Viên, Phó giám đốc Sở Công Thương, du lịch Đà Nẵng cần hướng đến phát triển bền vững. Như vậy, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ giúp ổn định về kinh tế, góp phần vào đóng góp ngân sách và giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động. Việc phát triển du lịch bền vững sẽ làm ổn định môi trường và tạo sự lan tỏa đến các ngành khác.

Ông Viên cũng nhận định: “Đà Nẵng không thể tách rời Quảng Nam và Huế, trong đó Đà Nẵng phải là trụ cột. 

Ngoài ra, liên kết vùng chưa có, nguyên nhân là do thiếu sự điều phối. Do đó, ngành du lịch phải tạo sự điều phối.

Liên quan đến vấn đề kết nối du lịch với các địa phương khác, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, các tỉnh vẫn chưa có sự liên kết với nhau. Ngành du lịch của ba tỉnh Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam làm du lịch theo cách riêng thì sẽ thất bại. Do đó, cả 3 tỉnh này phải phối hợp với nhau.

Dựa theo tinh thần của chỉ thị “sống chung với dịch”, UBND thành phố đề nghị Sở Du lịch phải đưa ra kế hoạch cụ thể để thu hút khách du lịch nội địa trở lại. Bởi dịch Covid-19 là cơ hội và điều kiện để quảng bá du lịch của thành phố Đà Nẵng đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

“Qua một thời gian ngắn dập dịch, chúng ta đã tạo được sự đồng thuận cho nhân dân và các du khách đến Đà Nẵng. Các du khách được bảo vệ và tạo điều kiện về địa phương, cũng có những phản hồi tích cực”, ông Chinh cho hay .

Theo ông Chinh, trong thời gian có dịch, tình hình an ninh, chính trị của thành phố vẫn được đảm bảo an toàn, tuy đời sống khó khăn nhưng không một ai bị bỏ lại. Từ đây đến cuối năm, thành phố Đà Nẵng sẽ đề ra các giải pháp để thu hút một lượng du khách, để các doanh nghiệp hồi sinh.

 Phước Nguyên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến