Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 ở Đà Nẵng: Nơi gồng mình, nơi phải bán khách sạn
15/09/2020 11:21:26
Gồng mình để duy trì hoạt động hay phải bán khách sạn để trả nợ ngân hàng là hoàn cảnh mà doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng phải gánh chịu do ảnh hưởng nặng nề từ 2 đợt dịch Covid-19.

Theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, do dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp, thành phố chỉ đón được 2,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch, giảm 68,6% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 686 ngàn lượt, giảm 80,5% so với năm 2019; khách nội địa ước đạt hơn 2,03 triệu lượt, giảm 60,6% so với năm 2019. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng, giảm 65,1% so với năm 2019.

Riêng đối với hoạt động kinh doanh du lịch, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ dài hạn. Một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động. Dự kiến năm 2020, ước thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch thành phố khoảng 26 ngàn tỷ đồng, trong đó, ước tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng, tại doanh nghiệp vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng, tổng số lao động phi tạm ngừng việc, nghỉ việc từ đầu tháng 8/2020 đến nay ước khoảng 31.874 người/50.963 người, chiếm 62.5% tổng số lao động.

Đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà, nơi tập trung nhiều khách sạn tại Đà Nẵng. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Minh, Tổng Giám đốc khách sạn Seven Sea cho hay, do ảnh hưởng của cả 2 đợt dịch Covid-19, doanh thu của khách sạn 8 tháng đầu năm còn chưa đến 2,2 tỷ đồng. Doanh thu này còn thấp hơn cả doanh thu bình thường của 1 tháng thấp điểm.

Theo ông Minh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, khách sạn của ông đành phải cho nhân viên nghỉ không lương, để duy trì khách sạn. Giai đoạn đầu, khách sạn còn hỗ trợ nhân viên lương cơ bản. Tuy nhiên, khách sạn chỉ duy trì được đến tháng thứ 3 thì dừng do không đủ kinh phí.

“Thời gian đầu, chúng tôi đã đề ra các biện pháp để chia lại thời gian làm cho nhân sự của mình. Theo đó, nhân viên của tôi sẽ phải làm việc bán thời gian, tuy mức lương thấp hơn khi chưa có dịch covid-19, nhưng cuộc sống của họ vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung vào công tác bảo trì, nâng cấp cơ sở vật chất và huấn luyện nhân viên” ông Minh chia sẻ.

Không chịu nổi trước sức ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hàng loạt khách sạn phân khúc từ 1 đến 3 sao phải rao bán để bù lại chi phí ban đầu và trả nợ ngân hàng.

Chị N.T.T.M. chủ của một khách sạn 3 sao ven biển ở quận Sơn Trà cho biết, trước đây du lịch Việt Nam đang đà phát triển, ở cùng kỳ năm 2019, tần số khách đến thuê các phòng chiếm 75-85%. Tuy nhiên, tần số khách đến thuê phòng của năm nay đạt chưa bằng một nửa của năm trước. Trong khi đó, khách sạn phải trả nợ ngân hàng và các khoản tiền để duy trì hoạt động của khách sạn.

“Để vận hành khách sạn, mỗi tháng chị phải bỏ ra trên khoảng 100 triệu. Dù trước đó có nhiều chính sách khuyến khích khách nội địa đi du lịch, nhưng lương khách vẫn không bù lại được chi phí hàng tháng của khách sạn. Do đó, tôi đành phải bán khách sạn để trang trải các chi phí ban đầu” chị N.T.T.M. chia sẻ.

Theo Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, để thực hiện tốt phòng chống dịch Covid-19, đồng thời triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để định hướng chuẩn bị để khôi phục hoạt động du lịch khi Chính phủ cho phép.

Sở Du lịch đã phối hợp Hiệp hội Du lịch đang triển khai các biện pháp. Trong đó, Sở tiếp tục phổ biến, hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố trong việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch, Sở sẽ xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí và quy trình đón khách du lịch đảm bảo an toàn phòng chống, dịch bệnh Covid -19 đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để phục vụ khai thác khách khi Chính phủ cho phép hoạt động lại du lịch, nối lại các đường bay quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Bình cũng cho biết thêm: “Sở Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xử lý vấn đề hủy, hoãn dịch vụ đảm bảo phù hợp lợi ích song phương các doanh nghiệp”.

Ngoài ra, Sở đang tiếp tục phối hợp Hiệp hội Du lịch và Hội thành viên để đề xuất UBND thành phố trong thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp du lịch, đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Phối hợp cùng các Sở ngành thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố triển khai các sớm triển khai các chinh sách hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời báo cáo để tháo gỡ vướng mắc.

 Phước Nguyên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến