Tập đoàn Ấn Độ muốn mua mỏ Núi Pháo vì mục đích quốc phòng?
29/03/2017 06:00:05
ANTT.VN – Mỏ vonfram Núi Pháo có thể được Masan chuyển nhượng cho nhà đầu tư Ấn Độ trong thời gian tới.

Tin liên quan

Các khoản vay nợ tài chính của mỏ Núi Pháo đã lên tới 11.150 tỷ đồng

Truyền thông Ấn Độ vừa đưa tin Tập đoàn Quốc doanh NMDC của nước này có thể mua cổ phần chi phối ở Công ty Masan Resources – đơn vị đang khai thác mỏ vonfram Núi Pháo ở Thái Nguyên, Việt Nam.

Núi Pháo được cho là mỏ Vonfram lớn nhất thế giới, với trữ lượng lên tới 66 triệu tấn (bằng 1/3 toàn cầu).

Nguồn tin từ NMDC cho hay công ty này vừa qua đã cử một phái đoàn tới làm việc tại mỏ Núi Pháo và có những bước thương thảo đầu tiên với Masan Resources – thành viên của Tập đoàn Masan, đồng thời cho hay NMDC muốn mua lượng cổ phần chi phối tại Masan Resources, nhằm tạo nguồn cung vonfram để New Delhi phát triển chương trình phòng thủ quốc gia của mình.

Núi Pháo được cấp giấy phép khai thác chính thức kể từ năm 2005 với 70% cổ phần thuộc về Tập đoàn Tibron (Canada). Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế khiến dự án gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn huy động. Tibron năm 2007 đã bán lại Núi Pháo cho Dragon Capital nhưng quỹ này cũng không thể đẩy nhanh tiến độ và đến năm 2010, Masan đã nhảy vào thâu tóm toàn bộ dự án.

Kể từ thời điểm giao mẻ hàng đầu tiên vào đầu năm 2014, Núi Pháo được kỳ vọng sẽ là một nhân tố đóng tỷ trọng lớn vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Masan, song kết quả thu về không suôn sẻ như kế hoạch của lãnh đạo công ty này.

Mặc dù doanh thu của Núi Pháo năm 2016 tăng lên 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn bán hàng cùng chi phí lãi vay tăng mạnh khiến lãi ròng chỉ ở mức 115,3 tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất tính tới cuối năm 2016 là 26.535 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tài sản ngắn hạn là 2.496 tỷ đồng, thấp hơn nợ ngắn hạn (3.519 tỷ đồng).

Thực trạng tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ ngắn hạn kéo dài suốt nhiều năm qua khiến không ít nhà đầu tư nghi ngại Masan Resources có thể rơi vào tình trạng mất thanh khoản nếu rủi ro xảy tới.

Lưu ý rằng giá vonfram hiện đã giảm gần một nửa so với cách đây 2 năm, hiện dao động quanh mức 25 USD/ kg. Lượng tồn kho khổng lồ của Trung Quốc cùng công nghệ tái chế vonfram được áp dụng đại trà chính là sức ép lớn đối với mặt hàng khoáng sản này. Giá vonfram được dự đoán vẫn sẽ nằm ở mức thấp ít nhất cho tới năm 2018.

Ngoài dấu hỏi về tính thanh khoản, một sức ép nữa đối với lãnh đạo Masan Resources chính là nợ vay. Nói không quá khi nhìn nhận Masan Resources là doanh nghiệp “sống” bằng vay nợ ngân hàng.

Số dư vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của Masan Resources tại ngày 31/12/2016 là 11.150 tỷ đồng, gấp 160% vốn cổ phần (7.194 tỷ đồng) và tăng 7% so với cuối năm 2015.

Gánh nặng nợ vay thể hiện qua gần 1.000 tỷ đồng (967 tỷ đồng) chi phí tài chính Masan Resources phải bỏ ra trong năm 2016, góp phần bào mòn mạnh lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Theo số liệu công bố, trong giai đoạn 2014-2016, số tiền vay nhận về trong các năm của Masan Resources luôn lớn hơn tiền chi trả. Tổng cộng doanh nghiệp này đã nhận 23.707 tỷ đồng tiền vay, trong khi chỉ trả 18.701 tỷ đồng tiền vay.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (công ty mẹ của Masan Resources) ông Nguyễn Đăng Quang đã rời ghế Chủ tịch HĐQT Masan Resources, chuyển xuống chức danh thành viên HĐQT kể từ ngày 21/4/2016. Ở chiều ngược lại, thành viên HĐQT Chetan Prakash Baxi lên làm Chủ tịch HĐQT Masan Resources.

Đáng chú ý, đợt thay đổi lãnh đạo cấp cao của Masan Resources diễn ra ngay trước thời điểm doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán. Và cũng thật trùng hợp khi ông Chetan Prakash Baxi là một người Ấn Độ.

Nghi Điền

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến