Tập đoàn Hoàng Huy và ‘tấm màn chắn’ người khuyết tật
07/10/2016 15:56:37
ANTT.VN – Miễn thuế TNDN đối với doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật là chính sách đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm thu xếp công ăn việc làm cho những người thiếu may mắn, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội; tuy nhiên trường hợp đối với HHS đặt ra câu hỏi về tính trung thực, minh bạch của cả doanh nghiệp này lẫn các cơ quan nhà nước liên quan ở Hải Phòng.

Tiếp theo kỳ trước: Một quyết định giúp tập đoàn Hoàng Huy ‘né’ gần 200 tỷ tiền thuế

Lách luật tài tình?

Tất cả các BCTC kiểm toán của HHS đều được lưu ý về ưu đãi miễn thuế áp dụng với HHS

Khoản 3, Điều 4 Nghị định 124/2008/NĐ-CP được ký ngày 11/12/2008 về hướng dẫn thi hành một số điều của luật thuế TNDN quy định miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 51% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV.

Ngày 22/12/2008, UBND TP. Hải Phòng có Quyết định số 2206/QĐ-UBND về việc công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của người tàn tật.

2008 cũng là năm đầu tiên HHS đi vào hoạt động. Từ đấy cho tới nay, doanh nghiệp này đã tránh được tổng cộng 196,2 tỷ đồng thuế nhờ được hưởng chính sách ưu đãi dành cho người khuyết tật, như ANTT.VN đã phân tích ở kỳ trước.

HHS đã được miễn thuế TNDN kể từ thời điểm thành lập cho đến nay. Nguồn: BCTC HHS kiểm toán 2009

Sẽ không có gì đáng bàn nếu chính sách trên áp dụng đối với một doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khuyết tật và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực với xã hội. Tuy nhiên trường hợp HHS đặt ra câu hỏi liệu công ty tư nhân lớn nhất Hải Phòng này có đang lợi dụng chính sách mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước hay không?!

Thực tế, kinh doanh ô tô yêu cầu hệ thống đại lý phân phối rộng khắp, cùng đội ngũ nhân viên đông đảo. Tuy nhiên như đã phân tích trong kỳ trước, số lượng lao động của HHS kể từ thời điểm thành lập chỉ xoay quanh mức 20 người, cũng là một dấu hỏi nữa về tính minh bạch trong công tác nhân sự của doanh nghiệp này.

Trong khi đó, chủ trương khuyến khích sử dụng lao động khuyết tật tiếp tục được Chính phủ quan tâm, nhấn mạnh trong Nghị định 122/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 124/2008.

Đáng chú ý, Khoản 3 Điều 2 Nghị định này quy định doanh nghiệp có tỉ lệ người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV chỉ cần ở mức 30% là đã được miễn thuế TNDN.

Mặc dù vậy, để hạn chế tình trạng lách luật, lợi dụng chính sách, Nghị định 122 quy định thêm rằng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản không được áp dụng ưu đãi trên.

Mảng kinh doanh lớn nhất của HHS là buôn bán, phân phối xe tải Trung Quốc DongFeng, song doanh nghiệp này có không ít hoạt động liên quan tới tài chính, bất động sản, và BĐS cũng là một ngành nghề được cấp trong giấy phép kinh doanh của HHS.

Liên tục đầu tư vào bất động sản

Cuối năm 2012, tức là thời điểm Nghị định 122 đã có hiệu lực, HHS ghi nhận khoản hợp tác đầu tư trị giá 261 tỷ đồng xây dựng khu phức hợp Golden Land 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội với CTCP Thương mại Hưng Việt.

Hưng Việt là công ty con của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HOSE: TCH) – một cổ đông lớn của HHS (nắm giữ 24,5% cổ phần) và có cùng cơ cấu HĐQT, trong đó Chủ tịch là ông Đỗ Hữu Hạ.

Tháng 2/ 2013, HHS có nghị quyết số 02 của HĐQT quyết định rút vốn khỏi Hưng Việt, tuyên bố dừng đầu tư vào thị trường BĐS để tập trung nguồn lực kinh doanh cho công ty.

Tuy nhiên cũng trong năm 2013, HHS lại dành ra 160 tỷ đồng góp vốn thành lập 2 công ty con là CTCP phát triển dịch vụ Hoàng Giang và CTCP Đầu tư dịch vụ Thành Nam, cả 2 công ty con này đều có hoạt động chính là kinh doanh bất động sản và ô tô.

Chưa hết, ngay tháng 1/2013, tức là trước khi Nghị quyết 02 của HĐQT khẳng định dừng đầu tư BĐS được ban hành, HHS đã hợp tác với Công ty TNHH Pruksa International thành lập Công ty TNHH Pruksa Việt Nam, nhằm thực hiện dự án nhà ở có diện tích hơn 20 héc-ta tại An Đồng, An Dương, Hải Phòng.

Tính đến cuối năm 2013, HHS đã đầu tư hơn 47 tỷ đồng vào liên doanh này.

Tham vọng dấn thân vào thị trường BĐS của Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ càng lộ rõ khi ông cùng HĐQT công ty (thực chất là toàn người nhà của ông), tháng 6/2014 có Nghị quyết số 11 thông qua việc góp 100 tỷ đồng thành lập CTCP Đầu tư Xây dựng Hoàng Hiệp.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2015, HHS tăng vốn góp trong liên doanh Pruksa lên 262,5 tỷ đồng, nâng tỉ lệ sở hữu từ 15% lên 46,4%.

Cũng trong năm 2015, HHS thực hiện thương vụ hoán đổi cổ phiếu ồn ào với CTCP Phát triển dịch vụ Hoàng Giang, không bỏ ra một đồng nào vẫn sở hữu 99,78% cổ phần công ty này, tương đương 479 tỷ đồng giá trị góp vốn.

Hoàng Giang hiện là công ty con duy nhất của HHS, chuyên phân phối thương hiệu xe tải Sinotruck của Trung Quốc.

Ở một diễn biến khác, số lượng nhân sự của HHS tăng mạnh lên 40 người so với khoảng từ 20-23 người trong suốt 7 năm trước đó; song BCTC kiểm toán 2015 cho thấy công ty này vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi, với 57,4 tỷ đồng được miễn thuế. Như vậy, chỉ cần tuyển thêm 6-7 người trong số gần 20 nhân viên mới là HHS đã tránh được khoản thuế TNDN phải nộp khổng lồ.

Bộ máy nhân sự và hệ lụy của việc dành quá nhiều ưu đãi cho HHS sẽ được ANTT.VN phân tích trong kỳ tới: “Tập đoàn Hoàng Huy: Lãnh đạo công ty nghìn tỷ, thu nhập 6,5 triệu đồng/ tháng”.

Nghi Điền

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến