Tập đoàn Hoàng Huy và những lần tăng vốn “khủng” (1)
12/01/2017 16:08:32
ANTT.VN – Lịch sử thị trường chứng khoán Việt đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phát triển quy mô vốn một cách “thần tốc”, và nhưng với mức độ và cường độ như các đơn vị thuộc Tập đoàn Hoàng Huy thì thuộc dạng xưa nay hiếm.

Tin liên quan

Tăng vốn thần tốc

Ngày 04/01/2017, gần 30 triệu cổ phiếu TCH của Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy được chấp thuận niêm yết bổ sung trên Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE), nâng tổng số vốn cổ phần của doanh nghiệp này lên 3.630 tỷ đồng.

 Trước đó, HĐQT TCH không mấy khó khăn thông qua nghị quyết phát hành thêm số cổ phiếu nói trên để trả cổ tức cho cổ đông thay vì tiền mặt.

Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Huy, được thành lập từ năm 1995. Năm 2007 chuyển đổi mô hình doanh nghiệp cùng tên gọi như hiện nay.

Vốn điều lệ đăng ký được nâng lên 1.200 tỷ đồng, vốn thực góp là 53,5 tỷ đồng, bằng 1/70 con số hiện tại, với ngành nghề chủ yếu là kinh doanh và lắp ráp xe tải.

Từ thời điểm đó, vốn thực góp của TCH bằng nhiều cách khác nhau, liên tục tăng để rồi cuối năm 2015, con số này bằng đúng số đăng ký là 1.200 tỷ đồng. Một phần lớn trong đó do vợ chồng Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ góp vào.

Chỉ tính riêng giá trị tài sản góp vốn là trụ sở Tập đoàn Hoàng Huy tại địa chỉ 116 Nguyễn Đức Cảnh, Lê Chân, Hải Phòng cùng giá trị quyền sử dụng đất tại showroom 193 Bà Triệu, Hà Nội đã lên tới 300 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đây, tháng 4/2016, TCH tiếp tục gây “shock” thị trường khi phát hành thêm gần 210 triệu cổ phần với tỉ lệ 1:1,75 để nâng vốn điều lệ lên 3.300 tỷ đồng, tất cả đều được bán cho 96 cổ đông hiện hữu, cho thấy mức độ cô đặc của cổ đông công ty này.

“Tay trái – tay phải”?

Có một sự trùng hợp kỳ lạ là trong trong khoảng thời gian tiến hành tăng vốn, TCH cũng đồng thời đầu tư mạnh vào một loạt các doanh nghiệp có liên quan với số tiền gần như tương đương:

Tăng vốn tại công ty con duy nhất là Công ty CP Thương mại Hưng Việt từ 356 tỷ lên 1.009 tỷ đồng; tại Công ty CP Dịch vụ Thương mại Lâm Hậu từ 80 tỷ lên 267 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Hà từ 137 tỷ lên 314 tỷ đồng; ngoài ra còn góp 252 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Vinh Quang; 223 tỷ đồng vào Công ty CP Thương mại Quốc tế Việt Dũng hay 795 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HOSE: HHS) trong một thương vụ được lãnh đạo doanh nghiệp này gọi là tái cấu trúc tập đoàn.

Tổng số tiền TCH đã đổ vào các công ty liên quan ngay sau khi tăng vốn là 2.286 tỷ đồng, xấp xỉ khoản 2.100 tỷ phát hành thêm hồi đầu tháng 4/2016 của TCH.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp liên tục huy động vốn “khủng”, chủ yếu dưới dạng phát hành cho cổ đông hiện hữu, để rồi gần như đồng thời đầu tư vào các đơn vị liên quan với số tiền tương đương khoản vốn tăng lên.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, những trường hợp như thế có dấu hiệu của chiêu thức “tay trái – tay phải”. Thực chất vốn điều lệ của doanh nghiệp đó không tăng lên, hoặc tăng không đáng kể, tiền chỉ luân chuyển từ “tay này” sang “tay kia”; song trên sổ sách, hàng nghìn tỷ đồng vẫn được “phù phép” biến thành vốn cổ phần, để rồi sau đó bán ra thị trường chứng khoán. Lúc này thì dù chỉ bán với giá một bó rau, cốc trà đá thì vẫn thu về được khoản lợi nhuận khổng lồ.

Quay trở lại câu chuyện của TCH, ngoại trừ HHS, những doanh nghiệp mà TCH ồ ạt đầu tư cùng thời điểm tăng vốn đều nằm trong “hệ sinh thái” của Hoàng Huy và hầu hết chỉ mới được thành lập trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, công ty Hoàng Giang (thành lập 25/9/2013) và Trường Giang (29/10/2015) hoạt động trong lĩnh vực thương mại và sản xuất ô tô; các công ty Hưng Việt, Hoàng Hà (25/09/2013), Lâm Hậu (28/11/2013), Vinh Quang (11/04/2016) và Việt Dũng (15/04/2016) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đảm nhiệm các dự án của Hoàng Huy ở Hải Phòng và Hà Nội.

Theo đăng ký tại Cục thuế Hải Phòng, các công ty Trường Giang, Hoàng Hà, Hoàng Giang đều có trụ sở tại Km 9 Quốc lộ 5, Xã Nam Sơn, Huyện An Dương, Hải Phòng. Đây là xưởng lắp ráp kết hợp showroom của Hoàng Huy; trong khi Công ty Lâm Hậu có trụ sở tại số 116 Nguyễn Đức Cảnh, Hải Phòng – trụ sở của Tập đoàn Hoàng Huy. Đứng đầu Công ty Vinh Quang là ông Đỗ Hữu Hưng. Đỗ Hữu Hưng cũng là tên con trai cả của Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ.

TCH chỉ là một thành viên trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Hoàng Huy, mà muốn làm rõ, không thể không đề cập tới vai trò của một cái tên quan trọng không kém: Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS), sẽ được chúng tôi đề cập trong phần tới: “Cổ phiếu lao dốc, điều gì đang diễn ra ở HHS?”.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến