Tin liên quan
Năm năm mòn mỏi, chờ một chuyến xa khơi
Căn cứ Quyết định số 1900/QĐ-BTNMT và Quyết định số 2036/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 25/10/2013, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã ban hành Quyết định số 331/QĐ-TCBHĐVN giao Trung tâm Hải văn (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục) thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát bằng tàu Nghiên cứu biển năm 2013 tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ”.
Với Quyết định trên, lần đầu tiên sau gần 5 năm neo đậu, tàu Nghiên cứu biển (NCB) mới lại nhận nhiệm vụ ra khơi để thực hiện chức năng phục vụ khảo sát trên biển của mình. Theo đó, kể từ năm 2008 đến năm 2012, do chuyển đổi nhiệm vụ điều tra tàu NCB từ phục vụ dự báo biển sang lĩnh vực quản lý tổng hợp thống nhất nhà nước về biển, hải đảo nên con tàu được hạ thủy và đưa vào hoạt động từ năm 1998 đã không thực hiện được chuyến khảo sát nào.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ngày 29 /11/2013, Giám đốc Trung tâm Hải văn Trần Hồng Lam đã ra Quyết định số 130/QĐ-HV về việc phê duyệt danh sách cán bộ tham gia khảo sát bằng tàu Nghiên cứu biển tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ, với nhân sự tham gia bao gồm 31 cán bộ (không tính thủy thủ đoàn), trong đó, ông Trần Hồng Lam – Giám đốc Trung tâm Hải văn đóng vai trò là “Khoa học trưởng”.
Theo Thông số 22/2010/TT-BTNMT ngày 26/10/2010 của Bộ trưởng Bộ TN&MT, thì tàu nghiên cứu biển khi thực hiện ra khơi khảo sát phải “Cử khoa học trưởng để theo dõi công tác chuẩn bị máy, thiết bị, lập đề cương khảo sát và điều hành trực tiếp chuyến khảo sát”. Cùng với đó, theo tiểu mục 7.2.2.1 của thông tư này, “khoa học trưởng điều hành chung về chuyên môn, phối hợp cùng các tổ trưởng chỉ đạo công tác chuẩn bị máy, thiết bị, vật tư, nội dung đo đạc”. Thông tư cũng quy định “Khoa học trưởng” có trình độ phải là Tiến sĩ, chuyên ngành thuộc lĩnh vực biển và hải đảo hoặc tương đương”.
Chở gần 10 tỷ đồng ra khơi, Khoa học trưởng ở đâu?
Theo Quyết định số 2507 ngày 12/12/2013 của Bộ TN&MT, chuyến điều tra, khảo sát tàu nghiên cứu biển năm 2013 giao cho Trung tâm Hải Văn được Bộ này phê duyệt kinh phí lên đến 10.211.000.000đ (mười tỷ hai trăm mười một triệu đồng).
Đầu tư tốn kém cho một lần ra khơi khảo sát, và mặc dù có hẳn cả một Thông tư quy định về vị trí, vai trò của “khoa học trưởng” trong các chuyến khảo sát của tàu, tuy nhiên, theo điều tra riêng của ANTT, ông Trần Hồng Lam, Giám đốc Trung tâm Hải Văn với chức trách là “khoa học trưởng” lại vắng mặt trong đợt khảo sát của tàu nghiên cứu biển.
Xác nhận với phóng viên, một số thành viên thủy thủ đoàn trên tàu NCB (trong chuyến khảo sát biển năm 2013) cho biết “Khoa học trưởng” Trần Hồng Lam không hề có mặt trên tàu được “một ngày nào” và chỉ vào gặp đoàn khảo sát một lần duy nhất khi tàu phải vào Bãi Trước – Vũng Tàu để neo tránh bão.
Tiếp tục tìm hiểu thông tin từ một số cán bộ đang công tác tại Trung tâm Hải Văn, được biết, trong suốt thời gian diễn ra chuyến điều tra, khảo sát khí tượng hải văn, hóa học mội trường và sinh thái biển mang tên “Điều tra, khảo sát bằng tàu nghiên cứu biển năm 2013 tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ” thì Khoa học trưởng Trần Hồng Lam, đồng thời cũng là Giám đốc Trung tâm Hải văn vẫn có mặt ở Hà Nội, lên cơ quan làm việc hàng ngày.
Không riêng gì năm 2013, lãnh đạo Trung tâm Hải Văn cũng thừa nhận chuyến khảo sát của tàu nghiên cứu biển năm 2014 cũng không có chức danh Khoa học trưởng tham gia đoàn khảo sát.
Nhiều người đặt câu hỏi, những số liệu thu thập được trong các chuyến khảo sát khi vắng mặt khoa học trưởng có đủ cơ sở pháp lý, đủ sức tin cậy để cho các đơn vị liên quan sử dụng các số liệu đó?
Phóng viên ANTT.VN trong buổi làm việc với các lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Trung tâm Hải văn (Từ trái qua: Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Xuân Tùng; Giám đốc Trung tâm Hải văn Trần Hồng Lam; Chánh Văn phòng Tổng cục Phạm Ngọc Long)
Ngày thứ Hai (6/4/2015), phóng viên ANTT.VN đã có buổi làm việc trực tiếp với các ông: Phạm Ngọc Long – Chánh Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; ông Lê Xuân Tùng – Quyền Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và ông Trần Hồng Lam – Giám đốc Trung tâm Hải văn, đồng thời cũng là người đảm nhận chức danh Khoa học trưởng trong chuyến điều tra, khảo sát bằng tàu NCB năm 2013.
Tại buổi làm việc, ông Lam thừa nhận đã không có mặt trên tàu NCB trong suốt thời gian tàu tham gia thực hiện chuyến điều tra, khảo sát tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ năm 2013. Ông Lam giải thích rằng “cũng đã lâu tôi không đi tàu NCB, vì các yêu cầu buộc phải chỉ đạo trực tiếp, vì tôi nghĩ rằng kế hoạch chỉ đạo trực tiếp không phải bắt buộc tham gia trực tiếp”.
“Nó vào chuyến mùa hè, tháng 4 - 5 rỗi rãi thì tôi có thể đi được. Nhưng vào những tháng cuối năm có quá nhiều công việc cần thiết, ngoài chuyến điều tra khảo sát trên tàu NCB thì chúng tôi còn chuyến khảo sát đồng thời cùng Quyết định 2036, thực hiện các chuyến điều tra khảo sát ven bờ đo 7 cọc, 2 trạm điện tử… tại khu vực. Cho nên tôi không thể căng mình ra để lên tàu NCB hay lên tàu nhỏ tàu 350 được”, ông Lam trần tình.
Theo vị Khoa học trưởng này, tuy rằng không có mặt trực tiếp trên tàu trong chuyến đi nhưng ông đã “trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị, theo dõi các công tác cùng với các tổ để chuẩn bị máy, thiết bị, lập đề cương khảo sát” và “điều hành trực tiếp chuyến khảo sát” (?).
Giải thích về chuyến khảo sát của tàu NCB năm 2014 không có tên Khoa học trưởng theo như quy định tại Thông tư 22, ông Lam nói rằng “chuyến 2014 không có Khoa học trưởng, nhưng chúng tôi đã cử một Đoàn trưởng. Mà Đoàn trưởng mang tính chất rộng hơn Khoa học trưởng chỉ ở trên tàu NCB”.
“Trong Quy định của Bộ TNMT chưa có bắt buộc Khoa học trưởng phải tham gia trực tiếp trên tàu NCB. Còn vấn đề điều hành trực tiếp, tôi đã chỉ đạo trực tiếp thông qua hàng ngày có báo cáo của thuyền trưởng và đội trưởng đội khảo sát trên tàu. Và chỉ đạo trực tiếp ngày hôm nay lấy mẫu gì, và đo đạc theo quy định của thông tư” – ông Lam giải thích.
Khoa học trưởng “điều hành trực tiếp chuyến khảo sát”, “điều hành chung về chuyên môn, phối hợp cùng các tổ trưởng chỉ đạo công tác chuẩn bị máy, thiết bị, vật tư, nội dung đo đạc”, “liên lạc thường xuyên và báo cáo với Cơ quan chủ quản”… có nghĩa là Khoa học trưởng có thể ngồi ở nhà (Hà Nội) để “điều hành trực tiếp” chuyến tàu NCB đang điều tra, khảo sát, nghiên cứu biển cách đất liền hàng trăm hải lý và cách thủ đô hàng nghìn cây số?
Câu hỏi này xin được dành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan trực tiếp ban hành Thông tư số 22/TT-BTNMT.
Trước lời giải thích “những tháng cuối năm công việc của tôi cũng quá nhiều công việc cần thiết” cho nên “không thể căng mình lên tàu NCB” của ông Trần Hồng Lam, phóng viên đã đặt câu hỏi: “Cả Trung tâm Hải văn chỉ có duy nhất Giám đốc Trần Hồng Lam có đủ năng lực để đảm nhiệm chức danh Khoa học trưởng?”. “Còn có 3 người khác nữa, cũng có trình độ Tiến sỹ” – ông Lam trả lời. ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này… |
Quỳnh Hương – Thủy Tiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy