Dòng sự kiện:
Tàu nghiên cứu biển Đông: Khoa học trưởng không thể ngồi trên bờ chỉ đạo
09/04/2015 12:35:12
ANTT.VN - Phó giám đốc Trung tâm Hải văn Hoàng Trung Thành đã thẳng thắn chỉ rõ những điều bất thường trong các chuyến khảo sát của tàu nghiên cứu biển cũng như sự vô lý về mặt số liệu từ các chuyến đi này...

Tin liên quan

Trước lời giải thích “những tháng cuối năm công việc của tôi cũng quá nhiều công việc cần thiết” cho nên “không thể căng mình lên tàu NCB” của ông Trần Hồng Lam, phóng viên đã đặt câu hỏi: “Cả Trung tâm Hải văn chỉ có duy nhất Giám đốc Trần Hồng Lam có đủ năng lực để đảm nhiệm chức danh Khoa học trưởng?”.

Theo đó, tại Trung tâm Hải văn, ngoài Tiến sỹ Trần Hồng Lam, còn có 3 nhân sự khác cũng có trình độ Tiến sỹ, chuyên ngành thuộc lĩnh vực biển và hải đảo hoặc tương đương, đáp ứng đầy đủ yêu cầu để đảm nhận chức danh Khoa học trưởng theo Thông tư 22, đó là các ông: Hoàng Trung Thành – PGĐ phụ trách Vật lý – Động lực biển; Lê Văn Công – PGĐ phụ trách Dự báo tư liệu Hải văn và Nguyễn Anh Hoành – Trưởng phòng Sinh thái biển.

Tuy nhiên, theo ông Lam, tại thời điểm diễn ra chuyến điều tra, khảo sát bằng tàu NCB năm 2013 vì nhiều lý do các cá nhân trên đều không thể tham gia và đảm nhiệm chức danh “Khoa học trưởng”. Cụ thể, Trưởng phòng sinh thái biển Nguyễn Anh Hoành không có đủ sức khỏe để tham gia đi biển dài ngày, trong khi hai PGĐ Lê Văn Công và Hoàng Trung Thành lại đang bận thực hiện các công việc, dự án khác.

Liên quan đến việc khảo sát của tàu nghiên cứu biển với các dấu hiệu sai phạm, phóng viên ANTT đã có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Trung Thành, Phó giám đốc Trung tâm Hải Văn.

Thưa ông, trả lời ANTT.VN trước đó, Giám đốc Trần Hồng Lam có chia sẻ, tuy đảm nhiệm chức danh “Khoa học trưởng” trong chuyến điều tra, khảo sát bằng tàu NCB tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ năm 2013 nhưng do cuối năm nhiều việc nên không thể tham gia trực tiếp trên tàu. Còn đối với chuyến khảo sát 2014 thì danh sách các cán bộ tham gia không có chức danh “Khoa học trưởng” mà chỉ có “Đoàn trưởng”. Đồng thời, theo ông Lam, tại Trung tâm Hải văn, ngoài ông Lam còn có 3 người khác có đủ trình độ năng lực để đảm nhiệm cương vị “Khoa học trưởng” nhưng vì nhiều lý do cũng không thể tham gia chuyến khảo sát và lãnh trách nhiệm này, trong đó có ông, ông có thể cho biết rõ hơn?

 

Ông Hoàng Trung Thành – PGĐ phụ trách Vật lý – Động lực biển tại Trung tâm Hải văn

Thực ra thì tôi hiểu trong chuyến khảo sát 2013, anh Lam là “Khoa học trưởng” nhưng cụ thể thế nào thì tôi không được rõ, bởi Quyết định đi cho năm 2013 và kể cả là năm 2014 tôi đều không có, còn nếu muốn tìm hiểu thì đề nghị phải xuống phòng Tổ chức – Hành chính.

Về nguyên tắc, trong cơ quan Trung tâm Hải văn này, tôi được phân công phụ trách Điều tra cơ bản và trực tiếp phụ trách 3 đơn vị trực thuộc, bao gồm: phòng Vật lý – Động lực biển; phòng Điều tra, Khảo sát biển; Đội tàu Nghiên cứu biển.

Liên quan đến tàu NCB thì nó có một vấn đề đặc thù là như thế này, kể từ năm 2008 đến năm 2012, do chuyển đổi nhiệm vụ điều tra tàu NCB từ phục vụ dự báo biển sang lĩnh vực quản lý tổng hợp thống nhất nhà nước về biển, hải đảo nên con tàu đã không thực hiện được chuyến khảo sát nào. Mãi cho đến năm 2013 thì mới có một chuyến.

Tôi được phân công phụ trách điều tra cơ bản nên về nguyên tắc tôi sẽ phải phụ trách cái chuyến này, làm việc này nhưng mà theo cá nhân tôi thấy là nó có vấn đề khó khăn như sau. Do tàu 5 năm mới đi mà trong thời gian đấy lại có rất nhiều chuyện xảy ra, cái thứ nhất là ông thuyền trưởng đã đi làm gần chục năm thì ông ấy lại về hưu; cái thứ hai là tàu đã 5 năm không đi một lần mà người thường xuyên làm Khoa học trưởng trước kia là ông Nguyễn Văn Ái cũng đã nghỉ hưu rồi. Có nghĩa là chuyến tàu 2013 mọi cái đều mới, có nhiều cái khó khăn như thế, thì tôi nghĩ rằng Giám đốc muốn tự mình trực tiếp giải quyết những cái gì… có thể bức xúc, có thể là rủi ro sau một thời gian rất dài như thế.

Còn về cá nhân thì đúng là trong thời gian đấy tôi cũng phải phụ trách một dự án, dự án cũng là khó khăn. Cũng là khó khăn vì sao, vì dự án tôi nhận cũng rất nhiều cái chưa giải quyết được, cần giải quyết. Nhưng trong giai đoạn đấy (thời gian dự kiến diễn ra chuyến khảo sát – PV) thì hiện trường đã giải quyết xong mọi vấn đề trở ngại rồi và chỉ còn “nội nghiệp” và chờ để nghiệm thu thôi. 

Về chuyến khảo sát thì thực sự là Giám đốc không giao cho tôi, trước đấy, thì cũng bảo là trách nhiệm của mỗi người đấy nhưng không giao. Giám đốc có giải thích đại khái là: “Chú giải quyết cho anh xong cái dự án kia là tốt lắm rồi, cái việc này để anh lo”. Do đó, tôi chấp hành việc phân công của Giám đốc thôi. Từ đấy thì tôi không đi và cũng không biết gì nhiều trong cái chuyện này. Mặc dù rằng tôi phụ trách toàn bộ mảng điều tra cơ bản và chuyến này thì cũng nằm trong cái đấy thôi và lẽ ra là tôi phải phụ trách, tôi phải chịu trách nhiệm.

Nói như vậy, tức là nếu được phân công đảm nhiệm chứ danh “Khoa học trưởng” trong chuyến khảo sát đó, ông có đi được không, thưa ông?
Như tôi đã nói, dự án của tôi cũng rất khó khăn nhưng, tuy nhiên, đến thời điểm đấy, nghĩa là khi có Quyết định về chuyến đi thì thực sự là tôi cũng đã giải quyết cơ bản rồi, hiện trường xong rồi, chỉ còn nội nghiệp thôi. Nói chung, cực chẳng đã, tôi vẫn có thể thu xếp được.
Có nghĩa rằng, nếu được phân công, ông vẫn hoàn toàn có thể tham gia được?

Vâng, nói chung là cũng mệt mỏi nhưng mà vì trách nhiệm thì cũng không có gì là để mình không làm được việc đấy cả. Tôi có thể thu xếp được.

Là người phụ trách công tác điều tra cơ bản của trung tâm, theo ông “Khoa học trưởng” có cần thiết phải có mặt trực tiếp ở trên tàu trong mỗi chuyến khảo sát, hay có thể “chỉ đạo từ xa”?

Về nguyên tắc, Khoa học trưởng bao giờ phải có mặt trên tàu, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Ở nước ngoài, như Nhật chẳng hạn, trên mỗi chuyến NCB, bao giờ cũng có hai ông sếp quan trọng là Thuyền trưởng và Khoa học trưởng. Khoa học trưởng là bắt buộc vì Khoa học trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ về các số liệu, quy trình đo đạc.

Vì đặc thù riêng của ngành khí tượng là mỗi lần đo chỉ biết trong thời điểm đó chứ không đặc trưng cho việc đấy. Trong chuyến khảo sát, Khoa học trưởng phải có trình độ chuyên môn thì số liệu mới có giá trị.

Nói như vậy, có nghĩa rằng có lý do để nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin đã thu thập được. Báo cáo thu hoạch sau chuyến khảo sát có được xử lý nghiệm thu không, thưa ông?

Đối với việc nghiệm thu chuyến khảo sát 2013, Hội đồng đầu tiên, tôi được Giám đốc giao làm Chủ tịch hội đồng. Tuy nhiên, với tư cách Chủ tịch hội đồng, tôi thấy thiếu tài liệu để nghiệm thu. Tôi đã đề nghị phải đầy đủ (tài liệu) thì mới lập hội đồng. Tôi đã có biên bản nội bộ đề nghị Giám đốc chỉ đạo nhóm làm việc là phải có đầy đủ tài liệu.

Sau đó, lần thứ 2, lại gửi đến tôi. Trong cuộc họp giao ban, tôi nói rõ vẫn đang thiếu. Cả một chuyến đi khảo sát có hai phần: thứ nhất là phần khoa học, thứ hai là chi phí cho tàu.

Trong lần thứ 2, số lượng tài liệu khoa học đã đủ, nhưng phần kia lại bị thiếu như thế (thiếu báo cáo chi phí cho tàu - PV). Lúc đó, giám đốc chỉ thị “việc đó là việc của đơn vị chức năng thì mới làm được chi phí của tàu”. Tôi vẫn tổ chức hội đồng xong xuôi gửi lên. Nhưng khi gửi lên thì trên Tổng cục (Vụ kế hoạch - tài chính Tổng cục) nói rằng “Một việc phải nghiệm thu đủ, trên đó, mới xử lý” và gửi trở lại và từ lúc đó tôi không biết nữa.

Sau đó tổ chức một hội đồng khác nữa, người nào đó làm Chủ tịch hội đồng thì tôi không biết. Cho đến nay, đã có hồ sơ nghiệm thu gửi lên Tổng cục rồi nhưng thực tế, hồ sơ đó như thế nào thì tôi không được biết nữa.

Ông có thể nói rõ hơn về chất lượng các tài liệu, báo cáo, thưa ông?

Lần đầu tiên, tôi thấy tài liệu thiếu, tôi đã họp cả hội đồng của tôi lại và bảo như thế này thiếu tôi không xét, tôi đề nghị phải đủ.

Lần thứ 2, đủ chuyên môn nhưng thiếu 1 phần là thiếu phần của tàu. Giám đốc chỉ đạo là nghiệm thu nguyên phần kia thôi, còn phần khác là có đơn vị khác đảm nhiệm và tôi phải chấp hành mọi việc của giám đốc giao.

Về chuyên môn, lúc đấy rất khó khăn để duyệt chuyến 2013. Vì chuyến này không phải là chuyến mà Trung tâm Hải văn cần mà đó là nhiệm vụ của Nhà nước. Tôi vẫn gửi lên biên bản nghiệm thu, đề nghị sửa lại theo ý kiến hội đồng, nhưng thực tế có sửa hay không thì tôi cũng không được biết.

Đến thời điểm lần thứ 2, tôi vẫn nói lại với Giám đốc là nhiều cái đang bất hợp lí cần phải xem xét lại trước khi gửi lên trên kia (Tổng cục). Số liệu thuộc chuyên môn của tôi, tôi thấy chưa hợp lí thì không hiểu là cái báo cáo lần 3 mà tôi không được tham gia thì đã giải quyết vấn đề chưa(?).

Bất hợp lý như thế nào, ông có thể cho một ví dụ?

Ví dụ, gần như 100% hướng sóng là Tây Nam, về nguyên tắc là gió tạo ra sóng, không có nghĩa gì mà gió hướng Đông Bắc sóng lại hướng Tây Nam cả. Tôi đã hỏi việc cài đặt máy có gì sai không? Nhưng tôi không được câu trả lời nào.

Đây là một trong những chỉ tiêu trong khí tượng thủy văn để đánh giá cho nhau. Trong một đề tài nghiên cứu tôi có tham gia cố vấn thì một trong các chỉ tiêu đánh giá số liệu là quan hệ giữa sóng và gió. Gió tạo ra sóng, không có nghĩa gì gió ở hướng này mà sóng ở hướng ngược lại. Về chuyên môn, hướng sóng và gió trùng nhau.

Lần đầu tiên không nghiệm thu, tôi bảo thiếu tài liệu nên trả về. Lần thứ 2 nghiệm thu vẫn là tôi, vẫn thiếu tài liệu nhưng vẫn cho qua, đồng thời tôi có lưu ý là phải giải quyết cho xong. Khi đó sếp (giám đốc Trần Hồng Lam) có nói riêng với tôi là “không nhanh (nghiệm thu) thì không duyệt được chuyến 2014.”

Tôi đồng ý cho qua nhưng vẫn yêu cầu xem xét lại vấn đề đấy và tôi vẫn ký biên bản này và chuyển lên Tổng cục.

Sau khi chuyển lên Tổng cục, thì Tổng cục cũng yêu cầu đúng như theo yêu cầu của tôi là “Một chuyến khảo sát là một chuyến nhiệm vụ thì phải có báo cáo toàn bộ như chi phí, tàu bè…”. Nhưng giám đốc chỉ đạo cứ nghiệm thu phần này đã, phần kia tính sau. Cuối cùng gửi lên trên kia (Tổng cục) thì bị trả lại. Vì một nhiệm vụ không thể hai lần nghiệm thu được và sau đó thì tôi không biết gì nữa.

Sau đó có lập hội đồng khác nghiệm thu lần 3, nhưng tôi không biết. Cho đến bây kết quả như thế nào tôi cũng không biết và kết quả đó đã đi đâu.

Các số liệu bất hợp lý sẽ tác động sao tới các cơ quan, đối tượng sử dụng số liệu đó, thưa ông?

Về việc tác động, mảng thủy văn khác hẳn, tác động không ai biết được. Vì chuyên môn này khác những chuyên môn khác. Ví dụ như địa chất, khoan cái là biết ngay, bản đồ đo là biết ngay nhưng khí tượng thủy văn thì không đo được. Cái số liệu đo không phải là số liệu dùng được. Vì khi đo tại thời điểm này chỉ đại diện cho thời điểm đó thôi, bảo nó đúng nó lại sai, không ai có thể khẳng định đúng.

Là người được phân công phu trách đội tàu, ông có thể cho biết, ngoài chi phí phê duyệt riêng cho mỗi chuyến điều tra, khảo sát (như năm 2013 là 10,2 tỷ đồng) thì chi phí thường xuyên để duy trì tàu NCB mỗi năm là bao nhiêu không, thưa ông?

Tôi phụ trách đội tàu, nhiều việc tôi không rõ nhưng theo tôi được biết thì phí duy trì thường xuyên đội tàu khoảng 7-8 tỷ/năm và 2,5 năm lên đà một lần theo như thông tin báo đăng thì bao nhiêu tỷ đó (12,4 tỷ đồng – PV) tôi cũng không được nắm rõ.

Xin cảm ơn ông

Giữa đường đứt gánh

Ngoài PGĐ. Hoàng Trung Thành, phóng viên ANTT.VN cũng đã tìm gặp 2 nhân sự khác tại Trung tâm Hải văn là PGĐ. Lê Văn Công và Trưởng phòng Sinh thái biển Nguyễn Anh Hoành.

Cũng như ông Thành, ông Công cho biết nếu được Giám đốc phân công đảm nhiệm chức danh “Khoa học trưởng” trong các chuyến khảo sát ông cũng sẵn sàng thu xếp công việc và chấp hành. Tuy nhiên, theo ông Công, tuy là PGĐ phụ trách Dự báo tư liệu hải văn nhưng ông hoàn toàn không nắm được các thông tin gì về các chuyến điều tra, khảo sát bằng tàu NCB nêu trên, danh sách cán bộ tham gia đoàn khảo sát như cụ thể là những ai ông Công cũng không biết. Tuy nhiên, theo tài liệu mà ANTT.VN thu thập được, trong danh sách các cán bộ tham gia khảo sát biển năm 2013 tại vùng biển phía Nam và Nam Trung Bộ có tên Lê Văn Công – PGĐ. Trung tâm Hải văn.

Trong khi đó, xác nhận với phóng viên, ông Nguyễn Anh Hoành, Trưởng phòng Sinh thái Biển, cho biết, do sức khỏe tại thời điểm đó không cho phép nên không thể đảm nhiệm chức danh “Khoa học trưởng” trong chuyến khảo sát 2013. Đồng thời, trong chuyến đi trên, ông Hoành cũng chỉ có thể tham gia được một số điểm của chuyến khảo sát, sau đó quay về Hà Nội mặc dù chuyến đi chưa kết thúc.

Đáng chú ý, tuy là một đơn vị sự nghiệp, nhưng suốt 3 tháng 10, 11, 12 của năm 2014 các cán bộ viên chức tại Trung tâm Hải văn đều đã bị chậm lương và đến gần đây mới được giải quyết.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này…

Quỳnh Hương – Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến