Dòng sự kiện:
‘Tay to’ ép chỉ số phái sinh?
28/07/2018 06:00:18
Những biến động mạnh, có phần bất thường trên thị trường phái sinh (TTPS) đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại các “tay chơi lớn” đang ép chỉ số để thu lợi từ hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh.

Kể từ tháng 3/2018, TTPS đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trong tháng 5 và 6/2018, thanh khoản thị trường tăng mạnh đạt lần lượt 74.567 và 94.568 hợp đồng/phiên. Đặc biệt trong nửa đầu tháng 7/2018, giao dịch phái sinh chạm đỉnh 165.000 hợp đồng/phiên.

Đối nghịch giữa 2 thị trường

Điều khiến nhiều NĐT quan ngại chính là sự đối nghịch giữa thị trường cơ sở (TTCS) và TTPS. Trong khi TTCS liên tục sụt giảm mạnh, giảm hơn 25% từ đỉnh, thì TTPS lại thăng hoa cả về giao dịch cho đến hợp đồng mở mới. Theo báo cáo tổng hợp từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong quý II/2018, khối lượng giao dịch phái sinh đạt 4.187.579 hợp đồng, tương ứng giá trị hơn 417.784 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý I/2018.

Quả thực, quý II vừa qua có khá nhiều điểm bất ngờ và sự nghi ngờ của NĐT hoàn toàn có lý. Thứ nhất, từ một thị trường tăng trưởng top 1 trong quý I thì sang quý II trở thành thị trường tệ nhất với mức giảm đến 25,4%. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô khá ổn định mặc dù tỷ giá có biến động nhưng không nhiều và áp lực bán của khối ngoại. Thứ hai, các cổ phiếu lớn, đặc biệt nhóm ngân hàng, mất đến 40-50% giá trị cho dù kết quả kinh doanh vô cùng tích cực. Thứ ba, khi chưa có TTPS thì sau nhịp giảm mạnh khiến NĐT phải bán cắt giảm margin, thị trường sẽ đi vào giai đoạn cân bằng. Nhưng lần này, điều đó không xảy ra mà có ít nhất 2 đợt NĐT bị rơi vào trạng thái bổ sung margin cao độ.

Mặc dù những lý do được đưa ra cho nhịp điều chỉnh của TTCS là chiến tranh thương mại, tỷ giá, bán ròng của khối ngoại, nhưng ngay cả quốc gia chịu tác động chính là Trung Quốc cũng không có mức điều chỉnh lớn như vậy so với thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì thế, 2 câu hỏi được đặt ra của NĐT hoàn toàn có lý: (1) TTPS có hút tiền của TTCS hay không? (2) Có hay không hiện tượng ép chỉ số để gia tăng giao dịch trên TTPS?

Để trả lời cho 2 câu hỏi trên đã có những nghiên cứu về mối quan hệ này và có thể nhìn nhận như sau. Thứ nhất, tiền chưa hẳn đã được hút từ TTCS sang TTPS, nếu có cũng không quá lớn. Bởi khối lượng giao dịch lớn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, nhưng khối lượng phái sinh mở OI lại không quá lớn.

Thứ hai, cuộc họp giữa Chủ tịch HSX với các quỹ đầu tư cho thấy, chỉ 5% NĐT kiếm được lợi nhuận từ TTPS. Trong khi đó, hầu hết các giao dịch đều từ những NĐT cá nhân. Nhìn vào thị trường đôi khi chúng ta lại thấy bất ngờ khi nhóm VN30 hay một số cổ phiếu vốn hóa lớn nào đó giảm mạnh thì sự nghi ngờ về ép chỉ số là hoàn toàn có.

Siết chặt quản lý

Quan sát thị trường cho thấy, khi vào giai đoạn giảm điểm, thì thanh khoản của TTPS lại bất ngờ tăng mạnh và ngược lại. Bởi vì, trong giai đoạn thị trường giảm điểm, tâm lý của NĐT dễ bị tổn thương, nên việc tạo sức ép lên cổ phiếu lớn rất dễ dàng bởi cầu mua yếu. Nhưng khi thị trường tăng điểm, NĐT luôn cảm thấy đầy nghi hoặc, áp lực bán vì thế luôn sẵn sàng nên việc mua chứng khoán phái sinh thường khó kiếm lời ngay trong phiên.

Một số NĐT lớn đến từ các nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đều cho rằng, ở giai đoạn đầu khi TTPS hoạt động thì đầu cơ chiếm tỷ trọng rất lớn. Vì thế ngay từ đầu, những quốc gia này đã phải tìm cách lọc bớt NĐT cá nhân vốn luôn ưa thích đầu cơ bằng nhiều biện pháp như có chứng chỉ, có tài sản trên TTCS và có kinh nghiệm giao dịch.

Tuy nhiên ở Việt Nam, tất cả những yếu tố này dường như là không có nên hoạt động giao dịch trên TTPS hoàn toàn của NĐT cá nhân. Sự méo mó đã khiến dư luận lên tiếng và từ sức ép này các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc nhằm đưa cả 2 thị trường phát triển ổn định hơn. Trước mắt UBCK đã nâng tỷ lệ ký quỹ từ 10% lên 13%, mặc dù không lớn nhưng động thái này cho thấy rằng các cơ quan quản lý có thể sẽ hành động nâng tiếp nếu cần thiết. Trong tay các cơ quan quản lý còn nhiều công cụ khác mà nhiều nước đã áp dụng thành công.

Trong cuộc họp với Bộ Tài chính vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu giám sát chặt chẽ các hoạt động thao túng nhằm tránh tình trạng thị trường bị méo mó. Không nên “bóp chết” một sản phẩm chứng khoán phái sinh vốn rất cần cho những NĐT thực hiện phòng vệ rủi ro đối với các khoản đầu tư lớn, nhưng cũng tránh những NĐT khác lợi dụng để kiếm lời. TTPS rồi cũng sẽ đi vào ổn định và đúng với bản chất của nó bởi nếu chỉ với 5% NĐT có lời thì thực sự khó duy trì số lượng NĐT tại đây.

Theo Enternews

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến