Dòng sự kiện:
Tề Trí Dũng, IPC và mưu toan cản trở Thanh tra
18/05/2019 14:00:31
Quá trình phanh phui sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC do ông Tề Trí Dũng làm Tổng Giám đốc, đã có 2 mưu toan 'đào thoát' sai phạm, đối phó cản trở Thanh tra TP HCM làm rõ.

Toan tính vụ bán 20 triệu cổ phiếu

Đây là vụ giúp tư nhân thâu tóm tài sản nhà nước với giá rẻ xảy ra tại Cty CP KCN Hiệp Phước (Cty Hiệp Phước), nơi IPC sở hữu 60,8% vốn điều lệ. Mặc dù UBND TPHCM chưa cho phép nhưng tháng 5.2016, nhóm đại diện vốn của IPC tại Cty Hiệp Phước đã bàn với IPC phát hành 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 300 tỉ lên 600 tỉ. Cùng lúc, Cty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Cty Tuấn Lộc) gửi văn bản xin làm nhà đầu tư chiến lược.

IPC ngay sau đó đã có văn bản chỉ đạo nhóm đại diện vốn tại Cty Hiệp Phước biểu quyết thống nhất phát hành 20 triệu cổ phiếu cho Cty Tuấn Lộc. Khoảng cuối năm 2016, Cty Hiệp Phước đã hoàn tất việc bán mua, hoàn tất phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ, giảm tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước của IPC từ 60,8% xuống còn 40,5%.

Tòa nhà IPC, nơi có nhiều sai phạm.

Theo Thanh tra TPHCM, ở vụ này, IPC không chỉ “tiền trảm” khi UBND TPHCM chưa cho phép mà còn chỉ định cổ đông chiến lược không có cơ sở pháp lý. Việc Cty Hiệp Phước ém, cung cấp thiếu hồ sơ để định giá bán tài sản sai thực tế là vi phạm các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá. Đặc biệt, giá bán cho Cty Tuấn Lộc lại thấp hơn giá trị thực tế, có khả năng gây thiệt hại cho vốn Nhà nước.

Đáng nói, trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc thanh tra, ngày 10.9.2018, IPC vội làm ngay văn bản 905 báo cáo rằng HĐQT Cty Hiệp Phước đã thông qua nghị quyết đàm phán với Cty Tuấn Lộc để ngưng hợp tác; Cty Hiệp Phước mua lại 20 triệu cổ phiếu đã bán cho Cty Tuấn Lộc... Sau đó, Cty Hiệp Phước đã mua lại số cổ phiếu đã bán trên để giữ lại tỉ lệ sở hữu của IPC như cũ.

Tuy nhiên theo Thanh tra TPHCM, hành vi trên của IPC và Cty Hiệp Phước là nhằm đối phó gây trở ngại cho hoạt động thanh tra. Tuy nhiên “gậy ông đập lưng ông”, hành vi trên lại vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước khi vẫn… không xin phép UBND TPHCM mà đã vội mua lại cổ phiếu.

Đến kịch bản vụ bán 9 triệu cổ phiếu

Vụ này, như Lao Động phản ánh, IPC bán rẻ 9 triệu cổ phiếu của Cty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, nơi IPC chiếm tỉ lệ sở hữu vốn tới 44%) cho cổ đông chiến lược tư nhân.

Theo Thanh tra TPHCM, vụ này đã gây thiệt hại cho nhà nước 153 tỉ đồng khi thẩm định giá trị tài sản doanh nghiệp để định giá cổ phần cổ phiếu sai thực tế.

Tài sản Sadeco bị định giá thấp hơn thị trường để IPC giúp tư nhân thâu tóm tài sản nhà nước giá rẻ

Và khi thanh tra đang phanh phui, IPC bèn đối phó bằng chiêu thức “đã khắc phục hậu quả” y như vụ Cty Hiệp Phước. Cụ thể, ngày 10.9.2018, IPC cũng gửi văn bản báo cáo rằng cổ đông chiến lược tư nhân kia đã hoàn trả lại 9 triệu cổ phiếu cho Sadeco, còn Sadeco trả lại tiền cùng lãi suất; số cổ phiếu cho cổ đông chiến lược kia sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu để giữ nguyên tỉ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco là 44%.

Thanh tra TPHCM nhận định, việc làm trên thực chất là đối phó gây trở ngại thanh tra và tiếp tục xem thường quy định pháp luật khi y như vụ Cty Hiệp Phước, cũng không báo cáo UBND TPHCM khi thu hồi và thay đổi hình thức bán 9 triệu cổ phiếu.

Theo báo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến