Tin liên quan
Cảnh chen chúc về quê của lao động Trung Quốc dịp tết 2015 trước cửa Nhà ga Nam Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Cứ tới dịp cuối tháng Một, đầu tháng Hai hàng năm, hàng trăm triệu lao động Trung Quốc từ các thành phố lớn lại lũ lượt kéo nhau “hồi hương” ăn Tết Âm lịch, tạo nên cuộc “di cư” lớn nhất thế giới. Lực lượng đông đảo này thường gây rất nhiều khó khăn cho ngành giao thông Trung Quốc. Tuy nhiên năm nay, họ có thể sẽ dễ thở hơn ít nhiều.
Mặc dù còn hai tuần nữa mới tới Tết,hàng triệu công nhân, đặc biệt từ các ngành công nghiệp nặng, xây dựng hay sản xuất đã trở về quê sớm, bởi họ khôngcó đủ việc để làm trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang diễn biến tiêu cực. Đối với các chính quyền địa phương trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, hiện tượng này đặt ra một câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu những lao động trên không trở lại thành phố làm việc sau kì nghỉ?
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được đưa lên bàn tính. Năm 2009, 20 triệu lao động Trung Quốc trở về nhà trong tâm bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, gia tăng tỉ lệ thất nghiệp lên mức đỉnh điểm và đe dọa nguy cơ bất ổn xã hội. Tuy nhiên những biện pháp kích thích kinh tế quyết liệt của Chính phủ Trung Quốc sau đó đã thành công trong việc kéo người lao động trở lại thành phố.
E rằng lần này sẽ khó có thể dễ dàng như vậy, khi mà Bắc Kinh không còn nhiều dư địa để tiếp tục áp dụng các chính sách kích thích mạnh tay như trước, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước này chững lại trông thấy, tăng trưởng 2015 ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Sự đi xuống trong năm qua của kinh tế công nghiệp nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đã khiến hàng triệu lao động Trung Quốc rơi vào cảnh thất nghiệp. Ảnh: AP
Thách thức
Tuần trước, Tổng cục Thống kê Trung Quốc thông báo lượng lao động di cư của nước này giảm 5,68 triệu người trong năm 2015, đảo chiều đi xuống lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỉ qua.
Dĩ nhiên, một phần trong sự sụt giảm này tới từ nhân khẩu học – vấn đề mang tính thời sự của xã hội Trung Quốc hiện nay. Tỉ lệ sinh thấp, già hóa dân số đã không còn là nguy cơ, khiến Chính phủ nước này cuối năm ngoái phải bỏ chính sách “Một con”, nhằm cứu vãn lực lượng lao động tăng trưởng với tốc độ âm thời gian qua. Tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc số lượng lao động di cư giảm trong năm 2015.
Công nghiệp – khu vực giải quyết nhiều công ăn việc làm nhất – lại là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong nền kinh tế Trung Quốc năm qua, khiến hàng triệu người lao động mất việc, thu nhập giảm sút.Thất nghiệp, cuộc sống đắt đỏ ở thành thị khiến lao động di cư không còn lựa chọn nào khác, buộc phải trở về quê nhà.
Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn của nước này đang dần được cải thiện cũng khiến thành phố không còn là lựa chọn số 1 đối với nhiều lao động tỉnh lẻ.Xu hướng này nằm trong lộ trình đô thị hóa của Bắc Kinh (năm 1980, tỉ lệ đô thị hóa của Trung Quốc là 19,6%, tăng nhanh chóng lên hơn 50% hiện nay). Chính phủ Trung ương ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các địa phương hẻo lánh, từ phát triển cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ tài chính đối với hàng trăm triệu nông dân. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân của khu vực nông thôn được dự báo sẽ năm thứ 5 liên tiếp vượt khu vực thành thị để lần đầu tiên chạm ngưỡng 10.000 NDT (1.520 USD).
Bên cạnh lý do kinh tế, một yếu tố quan trọng nữa khiến hàng chục triệu lao động có thể sẽ không trở lại thành phố sau dịp Tết năm nay là tâm lý gắn kết trong gia đình của người phương Đông, đặc biệt là mong muốn chăm sóc cha mẹ già yếu hay nhu cầu lập, ổn định gia đình.
“Những lao động di cư có mối liên hệ chặt chẽ với quê hương của họ”, Yang Tuan, nhà xã hội học danh tiếng tại China Academy of Social Science, nhận định. “Họ luôn có một cảm xúc đặc biệt và luôn hướng về gia đình ở bất cứ nơi đâu”, bà dự đoán lượng lao động từ bỏ thành thị có thể đạt đỉnh trong 5-10 năm tới.
Cơ hội
Thách thức đồng thời cũng là cơ hội nếu Chính phủ Trung Quốc nắm bắt được. Ảnh: Getty
Tuy nhiên xét về mặt tích cực, hiện tượng này có thể giúp “hạ nhiệt” tình trạng quá tải ở các thành phố lớn trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, cũng như giảm mất cân bằng thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Bởi lao động di cư sau khi trở về thường “khấm khá” hơn lúc họ ra đi. Họ có tay nghề, đồng thời được rèn luyện sự chuyên nghiệp nhất định trong phong cách làm việc. Nếu được sử dụng hợp lý, đâycó thể là một nguồn lực to lớn nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Theo giới chức Trung Quốc, số lượng các doanh nghiệp địa phương đã tăng 3,1% trong nửa đầu năm 2015 so với cùng kì 2014, với khoảng 2 triệu lao động di trú trở về quê nhà và thành lập các cơ sở kinh doanh/ công ty tư nhân của riêng họ, qua đó giải quyết công ăn việc làm cho không chỉ riêng những lao động này mà còn đối với hàng triệu người dân bản địa khác.
Để tăng tốc xu hướng tích cực này nhanh hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc xem ra vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt phải đẩy mạnh chương trình cho vay cấp vi mô, giúp các doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ (bởi hệ thống ngân hàng hiện nay không mấy mặn mà với lao động di cư trở về), đồng thời đẩy mạnh kết nối Internet tới các vùng xa xôi hẻo lánh (chỉ chưa tới 1/3 dân số nông thôn Trung Quốc có kết nối mạng máy tính).
Nông nghiệp, lĩnh vực truyền thống trong khu vực nông thôn, đang hơn lúc nào hết cần một cuộc hiện đại hóa sâu rộng. Bắc Kinh có thể làm điều này bằng cách mở các trường dạy nghề, không chỉ đào tạo cho nông dân địa phương, mà còn đóng vai trò như trung tâm kết nối, giới thiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thành phố. Đây là cách làm mặc dù còn mới mẻ, tuy nhiên đang phát triển rất nhanh trong thời gian qua ở Trung Quốc.
Nói tóm lại, Tết Bính Thân 2016 có thể sẽ chứng kiến một sự thay đổi mang tính bước ngoặt của xã hội Trung Quốc. Với hàng chục triệu lao động lựa chọn ở lại thay vì trở về thành phố làm việc, đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để nhà cầm quyền Bắc Kinh thực hiện một cuộc cách mạng trong thị trường lao động lớn nhất thế giới.
Để làm được điều này chắc chắn sẽ không hề đơn giản, nhất là khi mà kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gần như theo cùng một kiểu mẫu trong suốt 30 năm qua. Tuy nhiên nếu có thể được thực hiện thành công, Tết 2016 sẽ là một trong những cái Tết ý nghĩa nhất đối với Chủ tịch Tập Cận Bình cùng cộng sự của ông.
Nghi Điền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy