Tin liên quan
5 năm thành công đã qua
Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng là một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Quân đội trong những năm qua, được thành lập theo quyết định số 3036 QĐ-BQP ngày 23/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư Xây lắp và Thương mại 36 (tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp 36 thành lập 4/4/1996).
Từ chỗ tên gọi 36 chưa được biết tới, Tổng Công ty 36 (TCT) nay được mọi người biết đến không đơn thuần là tên của một Tổng Công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, mà đã gắn liền với một thương hiệu nổi tiếng, là doanh nghiệp đầu tiên được Đảng Ủy Quân Sự Trung Ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng thí điểm thành công mô hình quản lý “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên” hiện đã được nhân rộng trong hầu hết các doanh nghiệp quân đội. Và sau 5 năm xây dựng và phát triển vượt bậc, đến nay đã trở thành Tổng Công ty 36 có uy tín cao trong lĩnh vực xây dựng.
TCT đã xây dựng thành công và tham gia nhiều dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia như: Hội trường Bộ Quốc phòng, Nhà làm việc các Ban Đảng. Đập thủy lợi Môn Sơn, Khách sạn 5 sao Bộ Quốc phòng, Đường Đông Trường Sơn, Đường tuần tra biên giời… Cho tới nay, TCT đã thực hiện hơn 200 dự án trên 50 tỉnh thành trong cả nước và một số dự án tại nước bạn Lào.
Nhằm tạo đà phát triển cho TCT, Thủ tướng Chính phủ hồi đầu năm đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty 36 theo hình thức bán bơt phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
TCT đã nhanh chóng thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 1/7/2016, TCT chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.
Theo đó, vốn chủ sở hữu của TCT được phân loại lại từ 566 tỷ đồng thời điểm 30/6/2016 thành 430 tỷ đồng ngày 1/7/2016. Trong đó Nhà nước chiếm 40%, tương đương 17,2 triệu CP, bán trực tiếp 42,21%, tương đương 18,15 triệu CP cho 2 nhà đầu tư chiến lược là CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc (32,91%) và CTCP Vận tải và Thương mại Anh Quân (9,3%), phát hành 7,91% (3,4 triệu CP) cho cán bộ công nhân viên và chào bán công khai 9,87% (4,25 triệu CP) cho Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (HNX:PTI).
Với sự đa dạng trong cơ cấu cổ đông, TCT được kỳ vọng sẽ ngày một lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên tham vọng này sẽ không dễ dàng để đạt được, khi mà TCT sẽ phải đối mặt với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt một khi không còn là DN 100% vốn nhà nước với nhiều đặc thù như trước đây.
Chặng đường phía trước đầy chông gai
Thời điểm cuối quý II/2016, tổng tài sản của TCT lần đầu tiên vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng (6.007,6 tỷ đồng), tiếp tục tăng 10,3% so với đầu năm, và gần gấp 3 lần thời điểm cuối năm 2011, năm đầu tiên thành lập (2.285 tỷ đồng).
Tuy vậy, quá trình tăng trưởng nhanh chóng đặt ra một câu hỏi lớn đối với Chủ tịch Nguyễn Đăng Giáp cùng các cộng sự: Đó chính là vay nợ tài chính.
Cuối năm 2011, dư nợ tài chính của TCT là 835 tỷ đồng, gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu; năm 2012 là 1.035 tỷ đồng (gấp 4,3 VCSH); năm 2013 là 993 tỷ đồng (4,1 lần VCSH), năm 2014 là 1.109 tỷ đồng (3,6 lần VCSH); hết quý II/2015 tăng vọt lên 1.558 tỷ đồng (gấp 9,2 lần VCSH); cuối tháng 6/2016 tiếp tục tăng lên 1.625 tỷ đồng (gấp 2,9 lần VCSH).
Điều 3 Thông tư 242/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 30/12/2009 quy định doanh nghiệp nhà nước (100% vốn nhà nước) chỉ được huy động vốn vay không vượt quá 3 lần vốn điều lệ (vốn chủ sở hữu) đối với công ty có hội đồng quản trị, và không quá vốn điều lệ đối với công ty không có hội đồng quản trị. |
Phụ thuộc lớn vào đòn bẩy tài chính khiến chi phí lãi vay của TCT tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, bằng 3,3 lần thời điểm cuối năm ngoái, lên mức 43,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh 160% lên 31,8 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận gộp trong kỳ chỉ đạt 55,8 tỷ đồng, bằng 86% cùng kỳ năm ngoái, khiến TCT ghi nhận khoản lỗ sau thuế 22,4 tỷ đồng trong 2 quý đầu năm, so với khoản lãi 27,2 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, TCT trong quá khứ là DN 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là một lợi thế lớn khi được giao những dự án đặc thù, mặc dù tỉ suất lợi nhuận thấp nhưng đều đặn, ổn định, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa cho xã hội. Giờ đây, khi có sự tham gia của những nhân tố tư nhân, chắc chắn rằng mục tiêu lợi nhuận sẽ được đặt lên trước nhất.
Khi này, những dự án mang tính xã hội có tỉ suất sinh lời kém, thời gian thu hồi vốn dài có thể sẽ không nằm trong danh mục ưu tiên nữa, thay bằng là những dự án thương mại đầy hấp dẫn, đồng nghĩa với việc TCT sẽ phải cạnh tranh với những nhà thầu sừng sỏ trong lĩnh vực xây dựng thương mại.
Đây là lúc bản lĩnh người lính Cụ Hồ cần được thể hiện nhất!
Nghi Điền
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy