Dòng sự kiện:
Thăm huyệt đạo thiêng trên đỉnh núi Nưa - Am Tiên
09/02/2025 17:26:35
Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) được đánh giá là một trong những huyệt đạo mạnh nhất nước, nơi giao hòa giữa trời và đất.

Từ ngày 6/2 (tức ngày 9 tháng Giêng), tại di tích quốc gia đền Nưa - Am Tiên (thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra lễ hội đền Nưa - Am Tiên năm 2025.

Những ngày này, dù thời tiết lạnh giá và có mưa, hàng ngàn người dân, du khách khắp nơi vẫn đổ về đền Nưa - Am Tiên, nơi có huyệt đạo linh thiêng trên đỉnh núi Nưa, để dâng lễ, cầu may mắn.

Núi Nưa hay còn gọi là Ngàn Nưa, Na Sơn, thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (đáp ứng xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa). Quần thể khu di tích bao gồm "Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên", được quy hoạch với tổng diện tích 100 ha. Đỉnh Ngàn Nưa, cao 538 m so với mực nước biển, với cảnh quang tự nhiên hoang sơ, yên tĩnh, mùa hè quang đãng, mùa đông mây mù giăng lối.

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã chọn núi Nưa làm căn cứ để tập hợp nghĩa quân, luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa chống quân Đông Ngô. Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, câu nói của Bà Triệu vẫn vang vọng từ ngàn xưa: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta".

Những dấu tích trên ngọn núi này dần phai mờ theo thời gian, nhưng những câu chuyện truyền thuyết về giếng tiên, bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên, động Am Tiên… vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay.

Theo các tài liệu phong thủy, Việt Nam có ba huyệt đạo thiêng là núi Đá Chồng (Hà Nội), núi Bà Đen (Tây Ninh) và núi Nưa (Thanh Hóa). Huyệt đạo ngàn Nưa tương truyền đã từng bị tướng Cao Biền nhà Đường tìm cách trấn yểm nhưng bất thành.

Huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa được quan niệm là huyệt đạo thiêng nhất nước

Huyệt đạo này hiện nằm ở đỉnh cao nhất của Ngàn Nưa, một khu đất bằng phẳng rộng vài trăm mét vuông. Thủ từ Đền Am Tiên, ông Lê Bật Sơn, cho biết: "Nơi đây chính là huyệt đạo mà Cao Biền đã tìm cách triệt long mạch nhưng không thành. Đây là nơi giao hòa giữa đất và trời, mang năng lượng vũ trụ huyền diệu".

Tại khu vực huyệt đạo, có tục lệ "nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng" quanh huyệt đạo để cầu may mắn, phúc lộc. Những ngày trời quang, đứng từ đây có thể nhìn thấy làng mạc, cánh đồng trải dài, tạo nên một không gian huyền ảo, linh thiêng.

Du khách xoa hòn đá tại huyệt đạo mong cầu may mắn

 

Đường lên Am Tiên được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách

 

Du khách về thăm Am Tiên mùa lễ hội 2025

Theo ông Sơn, trước đây, hành trình lên Am Tiên vô cùng gian nan. Du khách phải đi bộ gần nửa ngày trên con đường nhỏ phủ đầy lau sậy. Ngày nay, đường lên núi đã được mở rộng, đổ bê tông kiên cố, xe ô tô có thể lên tận đỉnh, giúp việc hành hương thuận tiện hơn.

Hàng năm, lễ hội đền Nưa - Am Tiên kéo dài từ ngày 9 đến 20 tháng Giêng Âm lịch. Đặc biệt, ngày mùng 9 là lễ "mở cửa trời" – thời điểm người dân tứ phương kéo về đây cầu cho một năm bình an, đủ đầy.

Ngày 27/3/2009, quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh núi Nưa gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên đã được công nhận là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia. 

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến