Dòng sự kiện:
Thận trọng để tránh mắc bẫy vay mua tiêu dùng
27/01/2016 10:13:40
Nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng, người vay mua tiêu dùng sẽ rất dễ mắc bẫy lãi suất cao, lên tới 6-6,5% mỗi tháng thay vì từ 1-2% như tư vấn ban đầu của công ty tài chính.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều trong năm 2015 vừa qua.

Các hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Theo Cục quản lý cạnh tranh, các hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu như nhân viên tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ví dụ: mời chào ký hợp đồng với lãi suất thấp; có thể thanh lý hợp đồng bất kỳ thời điểm nào; thủ tục thanh lý đơn giản…trong khi thực tế đây đều là những nội dung xảy ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng.

Hay trường hợp nhân viên tư vấn không chủ động cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng tham khảo trước khi ký và lưu giữ sau khi ký. Một số phản ánh của người tiêu dùng cho thấy, khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa nội dung hợp đồng sau đó nhanh chóng đề nghị người tiêu dùng ký; khi ký xong nhân viên giải thích hợp đồng sẽ được gửi qua địa chỉ bưu điện cho người tiêu dùng.

Thực tế, một số người tiêu dùng cho rằng khi ký kết có để ý đến nội dung mức lãi suất nhưng trên hợp đồng khi đó để khoảng trống. Chỉ khi được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký kết, người tiêu dùng mới phát hiện thấy thông tin về mức lãi suất (thường từ 6-6,5%/tháng, thay vì từ 1-2%/tháng như tư vấn ban đầu).

Một trường hợp nữa là khi xảy ra tranh chấp, việc liên hệ và phản ánh tới công ty cung cấp dịch vụ (thường là các công ty tài chính) rất khó khăn và tốn kém: tổng đài liên tục bận; lời thoại hướng dẫn rất dài; chỉ tiếp nhận phản ánh qua điện thoại, không hỗ trợ tiếp nhận trực tiếp tại văn phòng công ty hoặc email…Việc kéo dài thời gian giải quyết như vậy sẽ phát sinh thời gian, qua đó, làm tăng số tiền phạt mà người tiêu dùng phải nộp cho công ty trong một số vụ việc.

Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng, thậm chí là người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng liên tục bị các số máy lạ gọi điện, nhắn tin từ 6h sáng tới 9-10h tối để giục đóng tiền nợ. Rất nhiều cuộc gọi điện bao gồm cả việc đe dọa, sử dụng từ ngữ "chợ búa", giang hồ để thách thức người tiêu dùng.

Trước thực trạng của dịch vụ tín dụng tiêu dùng như vậy, ngay từ giữa năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã phát hành nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông nhằm hướng dẫn và cảnh báo người tiêu dùng lưu ý khi tham gia các hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số vụ việc người tiêu dùng khiếu nại trong lĩnh vực này vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao. Nghiêm trọng hơn, số lượng công ty tài chính bị khiếu nại cũng đang có xu hướng mở rộng.

Tâm lý của người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc được vay nên thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng, chỉ đến khi xảy ra tranh chấp và được cung cấp các hợp đồng đã ký kết thì người vay mới nhận thức được các yếu tố ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Khi đó, rất khó có thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng vì hợp đồng đã được ký kết, hiệu lực thi hành đã được áp dụng.

Nhằm cảnh báo người tiêu dùng trước khi thực hiện các hợp đồng tín dụng tiêu dùng, tránh các phát sinh ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi tài chính của người tiêu dùng và người thân của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ thực tiễn các tranh chấp xảy ra trong quá trình giao dịch tín dụng tiêu dùng vừa qua, người tiêu dùng cần lưu ý một số nội dung, bao gồm: Cân nhắc trước khi tham gia vay tiêu dùng trả góp; Lưu ý trước khi ký hợp đồng và Lưu ý sau khi ký hợp đồng.

Cân nhắc kỹ trước khi vay tiêu dùng trả góp

Để tránh dẫn tới tình trạng phải đi vay để tiêu dùng, trong quá trình chi tiêu người tiêu dùng nên lập kế hoạch các tài sản, các nhu cầu cần mua sắm, từ đó bố trí nguồn tài chính và cân đối các khoản thu chi để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu.

Khi quyết định vay tiêu dùng, người tiêu dùng cũng cần đảm bảo tính ổn định của thu nhập, ít nhất trong toàn bộ thời hạn của khoản vay. Có trường hợp khi ký hợp đồng vay tiêu dùng, người tiêu dùng cho rằng mỗi tháng chỉ phải trả nợ một số tiền nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến khả năng tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều sự việc phát sinh trong quá trình người tiêu dùng thực hiện hợp đồng, ví dụ: mất việc, ốm đau, bệnh tật…dẫn tới khả năng tài chính bị hạn chế, không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Sau khi quyết định vay tiêu dùng, người tiêu dùng nên cân nhắc, tham khảo thông tin từ nhiều nguồn để lựa chọn đơn vị cho vay tiêu dùng. Hiện nay, có nhiều công ty tài chính cung cấp khoản vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, thời gian nhanh gọn. Tuy nhiên, so với các ngân hàng, lãi suất của các công ty tài chính cao hơn rất nhiều. Trước khi lựa chọn đơn vị cho vay, người tiêu dùng có thể tham khảo thông tin về hoạt động của đơn vị thông qua website hoặc qua người thân, bạn bè hoặc liên hệ tới Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 để được tư vấn thông tin.

Theo quy định pháp luật, hiện nay dịch vụ cho vay tiêu dùng thuộc Danh mục dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, khi lựa chọn bất kỳ đơn vị nào cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty thông báo về việc đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền hay chưa? Người tiêu dùng có thể kiểm tra hành vi này thông qua Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838.

Người tiêu dùng cũng cần lưu ý, chỉ khi thật sự cần thiết thì mới vay tiêu dùng vì lãi suất của các khoản vay tiêu dùng là rất cao.

Trước khi ký hợp đồng cần lưu ý về lãi suất, lãi phạt, phương thức trả nợ và các khoản phí

Trước khi đặt bút ký hợp đồng vay tiền, trách nhiệm của người tiêu dùng phải làm rõ những nội dung trong hợp đồng nhằm đảm bảo đã hiểu rõ hợp đồng, tránh các trường hợp nhầm lẫn, bị tư vấn thông tin chưa đầy đủ, chính xác. Một khi người tiêu dùng đã ký hợp đồng thì các điều khoản, điều kiện quy định tại hợp đồng sẽ có giá trị ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng.

Lưu ý đầu tiên là về Lãi suất vay. Trong quá trình tư vấn, người tiêu dùng có thể được cung cấp thông tin với mức lãi suất rẻ, hợp lý. Ngay cả trước khi ký hợp đồng, mục thông tin thể hiện lãi suất thường được nhân viên tư vấn bỏ qua, không lưu ý người tiêu dùng kiểm tra lại. Nhiều người tiêu dùng sau khi ký hợp đồng một thời gian mới phát hiện mức lãi suất thực tế trên hợp đồng rất cao. Vì vậy, người tiêu dùng phải đề nghị nhân viên ghi rõ mức lãi suất trên hợp đồng trước khi ký.

Tiếp đến là các khoản phí. Ngoài mức lãi suất phải trả hàng tháng, một số hợp đồng có thể phát sinh các khoản phí, chi phí khác. Ví dụ, phí mua bảo hiểm cho khoản vay. Các khoản phí này có thể được tính gộp vào khoản tiền phải trả hàng tháng của người tiêu dùng. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng phải được thông tin về các khoản phí này. Để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng nên đề nghị nhân viên nêu rõ các khoản phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Lãi phạt cũng là nội dung quan trọng. Mức phạt trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng thường rất cao và rất chặt chẽ. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn thường bỏ qua nội dung này. Để hiểu rõ các hành vi có thể dẫn tới mức phạt, người tiêu dùng đề nghị nhân viên chỉ rõ nội dung quy định về lãi phạt, cách thức tính lãi phạt, hình thức thông báo cho người tiêu dùng khi bị phạt.

Thời hạn trả nợ và Phương thức trả nợ. Đề nghị nhân viên chỉ rõ thời gian phải trả nợ định kỳ. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý một số vấn đề, ví dụ, nếu ngày trả nợ trùng với ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) thì hợp đồng sẽ quy định thế nào. Liên quan tới thời hạn trả nợ, nhiều người tiêu dùng sử dụng cách thức chuyển khoản qua ngân hàng để thanh toán. Người tiêu dùng cũng nên lưuý là đôi khi việc chuyển khoản giữa các ngân hàng khác nhau sẽ mất thời gian 1 hoặc 2 ngày làm việc. Việc này có thể dẫn tới tiền báo có vào tài khoản công ty sẽ bị chậm.

Thanh lý hợp đồng hoặc hủy hợp đồng. Có nhiều người tiêu dùng sau khi thực hiện hợp đồng một thời gian thì có nhu cầu thanh lý sớm hoặc khi phát hiện sai phạm của công ty nên muốn hủy hợp đồng. Trong quá trình tư vấn, có thể người tiêu dùng sẽ được cung cấp các thông tin về việc thanh lý hợp đồng đơn giản, gọn nhẹ, không phát sinh chi phí hoặc quyền có thể chấm dứt hợp đồng khi phát hiện các nội dung sai phạm của hợp đồng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải tất cả trường hợp đều như vậy. Người tiêu dùng phải đáp ứng rất nhiều điều kiện theo quy định của hợp đồng để có thể được thanh lý hoặc chấm dứt hợp đồng. Quy định về thanh lý hợp đồng là một trong những căn cứ quan trọng để người tiêu dùng quyết định ký hợp đồng vay tiền đối với các công ty.

Sau khi ký hợp đồng cần lưu ý giữ hợp đồng

Sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng cần kiểm tra một lần nữa các nội dung của hợp đồng. Nếu có gì sai khác, thông báo ngay cho công ty và thực hiện quyền hủy hợp đồng (nếu cần thiết).

Người tiêu dùng có trách nhiệm yêu cầu và lưu giữ hợp đồng để làm căn cứ đối chiếu, so sánh trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Trong đó đáng lưu ý cần lưu giữ một số thông tin cơ bản như số tiền trả nợ hàng tháng, phương thức trả nợ và thời hạn trả nợ để có thể theo dõi và thực hiện đúng định kỳ, đồng thời lưu giữ tất cả các hóa đơn, tài liệu chứng minh nghĩa vụ thanh toán nợ.

Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng có quyền yêu cầu công ty giải quyết tranh chấp hoặc khiếu nại tại Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

Theo Tùng Lâm - Trí thức trẻ/VCA

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến