Dòng sự kiện:
Tháng 8, thị trường chứng khoán kỳ vọng tích lũy đi lên trong ngắn hạn
08/08/2021 16:39:51
Hầu hết các dự báo triển vọng thị trường vẫn tích cực trong ngắn hạn, song diễn biến COVID-19 ngày càng phức tạp có thể sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà đầu tư trong quý 4.

(Ảnh minh họa/Nguồn: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán trong tháng này sẽ tích lũy đi lên với các yếu tố hỗ trợ, bao gồm sự trở lại của khối ngoại và tâm lý nhà đầu tư có thể tốt hơn trong ngắn hạn nhờ việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt chỉ ra những yếu tố tích cực trợ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Động lực từ khối ngoại?

Nhìn lại diễn biến giao dịch trên thị trường trong tháng Bảy, VN-Index giảm 7% so với tháng Sáu, đây là mức giảm mạnh so với các thị trường quốc tế, như SET (-4,15%), KOSPI (-2,86%), S&P 500 (2,27%). Bên cạnh đó, HNX-Index cũng mất 2,6% so với tháng trước đó.

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trên thị trường số mã giảm nhiều hơn số mã tăng và đa phần cổ phiếu rơi vào phạm vi +/-10%, thêm vào đó số mã giảm trên 10% tăng mạnh so với tháng Sáu. Cụ thể, hai nhóm ngành năng lượng và bất động sản tạo áp lực mạnh nhất lên VN-Index ghi nhận mức giảm lần lượt là 10,1% và 8,4%, các ngành khác cũng lần lượt dao động giảm từ 7,8% đến 4,0%.

(Nguồn: VNDIRECT)

Lội dòng nước ngược, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin và tiêu dùng không thiết yếu vẫn duy trì mức sinh lời tốt nhất cho nhà đầu tư, với mức tăng trưởng tương ứng 7,2% và 3,4% so với tháng trước.

Bên cạnh đó, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng chỉ ra mức thanh khoản bình quân trên thị trường cũng sụt giảm 12,8% so với tháng Sáu.

Theo VNDIRECT, nguyên nhân của sự điều chỉnh giảm trên đến từ những lo ngại về đợt dịch COVID-19 lần thứ tư với tính chất nghiêm trọng cùng tốc độ lây nhiễm tăng cao trong cộng đồng. Thêm vào đó, các hoạt động giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố đang kéo dài hơn dự tính, điều này tác động ảnh hưởng đến tới kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong các quý tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà đầu tư trong nước tháo chạy thì động thái của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy sự tích lũy mua vào.

“Lần đầu tiên kể từ kể từ tháng 1/2020, khối ngoại mua ròng với tổng giá trị mua 3.602 tỷ đồng (tương đương 155 triệu USD). Trong số đó, Quỹ Fubon ETF là nhân tố chính, với hoạt động hút ròng 3.953 tỷ đồng (tương đương 171 triệu USD),” báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy

Về điều này, đại diện của Fubon cũng cho biết họ đánh giá cao khả năng kiểm soát dịch COVID-19 và nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển thị trường chứng khoán (sử dụng hệ thống giao dịch mới để giải quyết vấn đề tắc nghẽn lệnh).

Nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt lý giải động thái của các nhà đầu tư nước ngoài là dễ hiểu khi thị trường Việt Nam có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát dịch COVID-19 với P/E (hệ số giá/thu nhập) dự báo năm 2022 là 12,96 theo ước tính của Bloomberg. Đây là mức tăng trưởng là tương đối hấp dẫn nếu so với các quốc gia khác.

Đồng tình với quan điểm này, nhóm nghiên cứu của VNDIRECT cũng cho rằng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn. Theo tính toán của VNDIRECT, P/E của chỉ số VN-INDEX đang ở mức 16,5 lần và tương đương với mức bình quân 5 năm lịch sử đồng thời thấp hơn tới 25,7% so với mức định giá tại đỉnh năm 2018 là 22,2 lần.

VNDIRECT ước tính VN-INDEX đang được giao dịch với mức P/E forward 2021 (hệ số giá/thu nhập dự phóng) là 15,8 lần.

“Trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam là thị trường có mức định giá rất hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023,” báo cáo của VNDIRECT nhấn mạnh.

Dòng tiền vẫn nằm trong thị trường

Mặc dù mức thanh khoản của thị trường xuống thấp, song nhóm chuyên gia của VNDIRECT cho biết chưa nhìn thấy dấu hiệu dòng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Cụ thể, lượng tiền gửi của nhà đầu tư để tại các công ty chứng khoán cuối quý 2 đạt 86.000 tỷ đồng vẫn tăng 32,3% so với thời điểm cuối quý 1.

“Điều này cho thấy nhà đầu tư luôn chực chờ gia nhập thị trường một khi cơ hội xuất hiện,” bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định.

Ngoài ra, nền tảng kinh doanh của các công ty niêm yết cũng là yếu tố hỗ trợ triển vọng thị trường. Tính đến tuần đầu tháng Tám, trên thị trường chứng khoán đã có 700 công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và ước tính từ VNDIRECT cho thấy lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn (HoSE, HNX, UPCOM) đã tăng 66,0% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, nửa chặng đầu tiên của 2021, lợi nhuận ròng của khối doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn đã tăng 75,3% so với cùng kỳ.

(Ảnh minh họa/Nguồn: Vietnam+)

Tuy nhiên, VNDIRECT cũng khá thận trọng đưa ra dự báo triển vọng thị trường trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới trong nước tiếp tục ở mức cao và giãn cách xã hội kéo thêm vài tuần tại nhiều tỉnh, thành phố. Cụ thể, VNDIRECT dự báo chỉ số VN-Index trong tháng Tám dao động trong vùng 1.250-1.350 điểm, với ngưỡng hỗ trợ mạnh tại khu vực 1.250-1.270 điểm

“Nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ, ưu tiên những cổ phiếu dẫn đầu thuộc những nhóm ngành có triển vọng tích cực trong thời gian tới, như bất động sản, bán lẻ, logistic,” bà Hiền khuyến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra mức dự báo khiêm VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.260-1.370 trong tháng Tám.

Tuy nhiên về dài hạn, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Trưởng Khối phân tích và Tư vấn đầu tư quan ngại hơn về tình hình phức tạp hơn của dịch COVID-19, khi tình trạng giãn cách kéo dài và các hoạt động của nền kinh tế sẽ không thể tái khởi động như dự kiến vào quý 4, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Chỉ ra một số điểm sáng, bà Lam kỳ vọng các cổ phiếu liên quan ngành tiêu dùng, bao gồm MSN, MWG sẽ hỗ trợ VN-Index dựa trên triển vọng kinh doanh quý 3 (do nhu cầu cao của người dân với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm trong thời gian giãn cách).

Ngoài ra, theo bà Lam, cổ phiếu FPT cũng đang có cơ hội với triển vọng tăng trưởng cao khi việc chuyển đổi số sẽ càng được đẩy nhanh hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

“Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, câu chuyện phát hành riêng lẻ của các cổ phiếu vốn hóa vừa (như DIG, NLG), bán cổ phiếu quỹ (VHM) có thể dẫn dắt thị trường vào giai đoạn cuối quý 3 và quý 4. Song với nhóm cổ phiếu ngân hàng, đà tăng mạnh như trong nửa đầu của năm sẽ khó lặp lại, do nền cao giá đã cao của cùng kỳ năm ngoái đồng thời dự kiến tăng trưởng của nhóm ngành này sẽ chậm lại trong quý 3,” đại diện của Chứng khoán Rồng Việt chia sẻ./.

Tác giả: Hạnh Nguyễn

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến