Tin liên quan
KỲ 3: CẠNH TRANH BÁN NƯỚC SẠCH CHO CTY LỌC HÓA DẦU NGHI SƠN
Nhiều lý do không thuyết phục
UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần có nhà máy nước mới để đáp ứng nhu cầu nước sạch khi KKT Nghi Sơn đã được mở rộng từ 18.600ha lên 106.000ha. Điều đó là cần thiết. Khi KKT Nghi Sơn mở rộng thì không chỉ thêm 1 mà hơn thế cũng là nhu cầu.
Tuy nhiên, với vị trí xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn tại xã Mai Lâm, chỉ cách nhà máy nước Bình Minh 4km và so với quy hoạch mở rộng thì lý do trên thiếu thuyết phục. Thực tế, quy hoạch điều chỉnh chủ yếu mở rộng về phía tây bắc QL1A đến giáp địa bàn huyện Nông Cống. Phần phía đông nam QL1A tính từ QL đến cảng nước sâu Nghi Sơn là vùng lõi của quy hoạch ban đầu. Nhà máy nước Bình Minh được đầu tư xây dựng từ 10 năm trước ngay cạnh hồ Đồng Chùa, sát dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Việc xây dựng án ngữ thêm nhà máy nước, mục đích chính là cạnh tranh bán nước cho Lọc hóa dầu với Cty Bình Minh.
Lý do thứ hai UBND tỉnh đưa ra, việc cấp nước là tối cần thiết nhằm đảm bảo cam kết của Chính phủ với việc cấp nước cho các dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (GGU). Điểm nhấn mạnh trong lý do này là nếu Thanh Hóa không cung cấp đủ nước sạch theo cam kết thì lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ phát sinh thiệt hại về doanh thu khoảng 20 triệu USD mỗi ngày. Con số 20 triệu USD này đã gây sốc cho nhiều người và lý do này dễ được chấp nhận vì tính nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên, đây là dự án cấp Chính phủ, tất cả phương án lớn, trong đó nước là yếu tố quan trọng đã được tính đến, vì vậy, trong phê duyệt quy hoạch của Chính phủ từ năm 2007 đã có nhà máy nước 90.000 m3/ngày đêm, đủ cung cấp cho lọc hóa dầu. Dự án lớn cấp quốc gia, không phải chờ “nước đến chân mới nhảy”.
Trong khi nhà máy mới được phê duyệt, xây dựng trái phép nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa liên tục ra các văn bản yêu cầu Lọc hóa dầu ký mua nước của Liên danh Anh Phát - Sông Chu.
Trong văn bản 1143 do ông Lê Thanh Hà – Phó ban BQL KKT Nghi Sơn ký ngày 22.6.2016 giải thích cho việc đồng ý cho phép đầu tư dự án nhà máy nước Quế Sơn: “Mặc dù Cty Bình Minh có dự án nâng cấp lên 90.000 m3/ngày đêm và tuyến đường ống mới vận chuyển 30.000 m3/ngày đêm cho nhà máy lọc hóa dầu, dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2016, không có gì chắc chắn là những dự án này sẽ hoàn thành đúng hạn để đáp ứng nhu cầu vận hành thử dự án NSRP (lọc hóa dầu) vào tháng 11.2016”. Công văn này cũng khẳng định “nhà máy nước Quế Sơn sẽ khởi công giai đoạn 1 vào tháng 7.2016 và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12.2016”. Thực tế, đến nay (tháng 3.2017) dự án xây dựng nhà máy hồ Quế Sơn vẫn chưa hoàn thành còn giai đoạn 2 Nhà máy nước Bình Minh sẽ vận hành vào 30.4.
Lý do thứ ba BQL KKT Nghi Sơn đưa ra là các quan ngại của Cty lọc hóa dầu về chất lượng và khả năng cung cấp nước của Cty Bình Minh. Về vấn đề này, ông Tào Quốc Tuấn – TGĐ Cty Bình Minh khẳng định, ông sẵn sàng mời các chuyên gia của đơn vị lọc hóa dầu hoặc đơn vị thứ ba kiểm tra, thẩm định chất lượng nước, sẽ làm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế, điều kiện mua nước của lọc hóa dầu khá khắt khe, Cty Bình Minh thường xuyên phải gửi mẫu nước đi kiểm nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01: 2009/BYT. UBND tỉnh cũng nhiều lần yêu cầu lọc hóa dầu Nghi Sơn thể hiện chất lượng nước của Cty Bình Minh bằng văn bản nhưng lọc hóa dầu mới chỉ dừng ở mức độ “quan ngại”.
Công văn trả lời thể hiện rõ quan điểm của Lọc hóa dầu: Coi nhà máy Quế Sơn là cấp nước dự phòng và chỉ mua nước khi đủ tiêu chuẩn.
Về số lượng, nếu Thanh Hóa thực hiện theo đúng quy hoạch, xây dựng đường ống 90.000 m3/ngày đêm về hồ Đồng Chùa, giám sát Cty Bình Minh thực hiện đúng cam kết thì không phải lo lắng. Với việc cho Liên danh Anh Phát – Sông Chu xây dựng đường ống dẫn nước thô 90.000m3/ngày đêm nhưng dẫn về hồ Quế Sơn 60.000m3, chỉ dẫn bổ sung cho hồ Đồng Chùa 30.000m3 cũng là cách hạn chế năng suất của Cty nước Bình Minh. UBND tỉnh Thanh Hóa luôn đề xuất Cty lọc hóa dầu hỗ trợ liên danh Anh Phát – Sông Chu xây dựng đường ống.
Trả lời lại, Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn thể hiện rõ quan điểm “NSRP sẽ không thể hỗ trợ đầu tư cho bất kỳ bên cấp nước nào”.
Mục tiêu: Bán nước sạch
Mục đích cuối cùng là cạnh tranh bán nước sạch cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trong các văn bản bày tỏ quan ngại của mình về vấn đề nước sạch, Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đề xuất có phương án dự phòng. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng xác định, nhà máy nước Quế Sơn “sẽ là phương án dự phòng cho các tình huống khẩn cấp, rủi ro, bất trắc…”. Vậy nhưng hầu hết các chỉ đạo đều tập trung mục tiêu bán nước sạch của nhà máy Quế Sơn cho Cty lọc hóa dầu.
Ngay khi nhà máy nước Quế Sơn mới được duyệt, một mặt, UBND tỉnh Thanh Hóa ra văn bản, “đề nghị Cty Bình Minh trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ nên đầu tư thêm 1 tổ hợp cấp nước với công suất 30.000 m3/ngày đêm”. Mặt khác, ngày 29.6.2016, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 6950/UBND-THKH gửi Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đề nghị đơn vị này có văn bản khẳng định sẽ ký hợp đồng với đơn vị cung cấp nước thứ hai, cụ thể là Liên danh Anh Phát – Sông Chu.
Đáp lại, ngày 22.7.2016, ông Kazutoshi Shimmura – TGĐ Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đã ký công văn số 558/2016/NSRP-HTC thể hiện rõ quan điểm, đối với Cty lọc hóa dầu, nhà máy nước Quế Sơn chỉ được coi như phương án dự phòng và họ chỉ ký hợp đồng khi nguồn nước sạch được cấp đến chân hàng rào và đảm bảo chất lượng, được Chính phủ Việt Nam xác nhận đủ các điều kiện. Đó là một lời từ chối đề nghị của UBND Thanh Hóa.
Ngày 11.10.2016, UBND tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục gửi công văn số 11604/UBND-THKH tới Cty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn đề nghị đơn vị này “sớm tiến hành thương thảo, ký hợp đồng cấp nước với đơn vị thứ hai”. Đơn vị thứ hai này cũng được chỉ định rõ là Liên danh Anh Phát – Sông Chu. Cty TNHH lọc hóa dầu vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Cùng với đề nghị này là “tối hậu thư” nếu không ký hợp đồng mua nước, Thanh Hóa khó đảm bảo cam kết GGU. Tuy nhiên, Lọc hóa dầu vẫn giữ quan điểm của mình.
Những năm qua, cả hệ thống chính trị Thanh Hóa đã quyết liệt vào cuộc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án ở KKT Nghi Sơn. Diện mạo khu kinh tế hàng đầu cả nước đang từng ngày hiện hữu. Lo lắng nhu cầu nước sạch cho Lọc hóa dầu là rất quan trọng. Tuy nhiên, với việc đột ngột cho xây nhà máy nước nghìn tỉ khi chưa có đủ hồ sơ đã khiến Chính phủ vào thế đã rồi. Ảnh hưởng không nhỏ tới cơ hội đầu tư của Cty Bình Minh, đẩy không chỉ Cty Bình Minh mà cả nhà máy nước Quế Sơn vào thế khó, ảnh hưởng bất lợi tới môi trường đầu tư đang rất cởi mở của tỉnh.
Hoàng Xuân
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy