Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Không có tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt mua dứa non
02/06/2017 13:37:18
Trước thông tin dư luận đồn đoán về việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua dứa non ở các vùng nguyên liệu trên địa bàn, Công an huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã vào cuộc xác minh và khẳng định, hoàn toàn không có tình trạng trên.

 Nông dân không bán dứa non 

Vừa qua, dư luận rộ lên thông tin thương lái Trung Quốc tìm đến thị trấn Thống Nhất (huyện Yên Định, Thanh Hóa) để thu mua dứa non với mức giá cao chót vót, khiến nhiều người hoang mang. Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an huyện Yên Định đã trực tiếp đến nông trường thị trấn Thống Nhất để xác minh thực hư sự việc. 

Theo thông tin từ Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất, đơn vị quản lý gần 800 ha diện tích đất trồng dứa trên địa bàn các huyện: Yên Định, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân và đã giao đất trồng dứa cho các hộ gia đình. 

Ông Nguyễn Vũ Cư, Giám đốc Công ty TNHH bò sữa Thống Nhất cho biết, mỗi năm, các hộ dân trồng dứa thuộc diện Công ty quản lý tiêu thụ ra ngoài thị trường khoảng 60 nghìn tấn. Từ đầu vụ đến nay, ông Cư không thấy có tình trạng thương lái thu mua dứa non.

Thông thường, trước khi thu mua, thương lái sẽ đến xem dứa, những ruộng chín đốm vỏ hoặc chín lòng mới thu mua. Nếu thương lái có đặt vấn đề mùa dứa non thì các hộ trồng dứa cũng sẽ không bán, bởi việc bán dứa non sẽ ảnh hướng đến sản lượng, giá trị thu được từ diện tích trồng dứa.

Thương lái chỉ thu mua dứa đã đến kì thu hoạch

Được biết, vùng dứa nguyên liệu tại thị trấn Thống Nhất có diện tích gần 600 ha, sản lượng trung bình đạt 45-50 tấn/ha. Các hộ chủ động cơ cấu nhiều trà khác nhau để thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ. Thời gian thu hoạch dứa rải rác từ tháng 1 đến tháng 6, rộ nhất từ tháng 3 đến tháng 5. Vừa qua là thời điểm dứa chín rộ nên quá trình thu hoạch tất bật hơn thường lệ, tính trung bình mỗi ngày thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua xấp xỉ trăm tấn dứa. 

Trên thực tế, giữa nông dân và các nhà máy chế biến dứa không ký kết hợp đồng bao tiêu, nên không có ràng buộc giữa hai bên. Các nhà máy chế biến không có chính sách đầu tư vùng nguyên liệu, nông dân đều phải tự đầu tư kinh phí, từ giống, phân bón, vật tư đầu vào cho đến kì xuất bán. Vì vậy, các hộ đều ưu tiên lựa chọn bán cho thương lái với mức giá cao nhất.

Thông thường, những trà đầu có giá từ 4.500 - 5.000 đồng/kg, đến thời điểm cuối vụ sản phẩm khan hiếm nên giá được đẩy lên cao chót vót, dao động từ 8.800 - 9.200đồng/kg.

Công an huyện Yên Định trực tiếp xác minh thông tin (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Một hộ trồng dứa ở thị trấn Thống Nhất cho biết, thông thường trước khi thu mua, thương lái sẽ đến kiểm tra kỹ lưỡng, nếu thấy đảm bảo mới tiến hành giao dịch chứ không mua ồ ạt. Chị cũng khẳng định: "Chúng tôi không dại gì đem bán. Dứa non giá không cao, bán sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và giá trị của toàn bộ diện tích còn lại”.

Nông dân chỉ bán dứa đã đến kì thu hoạch

Ông Lê Minh Thường, một hộ dân trồng dứa khác ở thị trấn Thống Nhất bác bỏ thông tin khi được hỏi về việc thương lái Trung Quốc thu mua dứa non với số lượng lớn: “Từ đầu vụ đến nay, thương lái chỉ thu mua dứa chín lòng”.

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Trần Bình Chung, Phó trưởng Công an huyện Yên Định cho biết: “Qua công tác nắm tình hình của lực lượng công an thì từ trung tuần tháng 4, có 3 tiểu thương ở tỉnh Lào Cai đến lưu trú và thu mua dứa trên địa bàn thị trấn Nông trường Thống Nhất. Các loại dứa mà các thương lái thu mua trên địa bàn đều là loại đã già, đến kỳ thu hoạch.

Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, trên địa bàn huyện Yên Định không hề xảy ra sự việc thương lái ồ ạt đến thu mua dứa non, xanh chưa đến kỳ thu hoạch như dư luận đã nêu". 

Cũng vậy, Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cũng khẳng định, thông tin thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua dứa non là không chính xác.

Ông Lâm cũng cho biết, sau khi nắm bắt thông tin đã khuyến cáo các địa phương nêu cao cảnh giác với thương lái Trung Quốc vì họ mua bán chớp nhoáng theo hình thức chộp giật. Bà con nông dân phải thật tỉnh táo, không vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt chuyển đổi sang trồng dứa, bởi khi đối tác dừng thu mua thì khó tránh khỏi tình trạng thua lỗ như người nuôi lợn đang phải đối mặt.

Lương Thị

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến