Dòng sự kiện:
Dân than trời vì sống lay lắt 15 năm trong lòng di tích Lam Kinh
10/10/2019 19:00:07
Suốt 17 năm qua, 31 hộ dân sống tại thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) phải sống trong những căn nhà cấp 4 chật chội, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng do chờ ngày di dời.

Năm 2002, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Theo đó, diện tích khu di tích được mở rộng từ 141ha lên 200ha. Để thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời 1 khu chợ và 31 hộ dân sống ở khu vực phía đông khu di tích (thuộc thôn Phúc Lâm) ra khỏi vùng quy hoạch.

Dãy nhà xuống cấp trong khu di tích Lam Kinh

Đến năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân cùng các ngành đã kiểm kê tài sản, áp giá đền bù, đồng thời xây dựng mặt bằng tái định cư cách đó khoảng 700m để di chuyển các hộ dân, nhường đất cho khu di tích. Trong quá trình thực hiện kiểm kê, áp giá, 31 hộ dân sống tại đây đều hoàn toàn ủng hộ dự án và luôn trong tâm thế chuẩn bị di dời. Thế nhưng suốt 17 năm qua, việc tái định cư cho các hộ dân vẫn chưa thể thực hiện. Thời gian càng kéo dài khiến cho đời sống người dân càng khó khăn, họ phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà cấp 4 không được sửa sang đang xuống cấp trầm trọng.

Người dân phải chui rúc trong những căn nhà xập xệ

Ngôi nhà của bà Đỗ Thị Minh (62 tuổi) nằm trong diện giải tỏa, bao năm nay gia đình cứ thấp thòm chờ đợi ngày được đến nơi tái định cư. Căn nhà hiện đang sống không được nâng cấp, sửa chữa nên có nguy cơ sập mái bất cứ lúc nào.

“Chúng tôi đã chờ đợi mỏi mòn đến 15 năm kể từ thời điểm kiểm kê tài sản, nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù để di dời. Căn nhà ngày trước gia đình ở chính giờ đã sập, không thể ở được, cả gia đình phải ở chui rúc trong gian quán chật chội, sinh hoạt vô cùng khổ sở, bao nhiêu năm qua, gia đình muốn đi cũng dở mà ở cũng không xong. Mối lần mưa xuống cả nhà phải lấy áo mưa mặc trong nhà, chỗ nào cũng dột mặc dù đã sửa đến lần thứ 3. Chúng tôi mong chính quyền phải làm rõ, nếu đi thì trả lời cho người dân biết, nếu không đi thì cũng trả lời cho dân để chúng tôi còn nâng cấp, sửa chữa lại nhà ở", bà Minh bức xúc nói.

Nhiều hộ dân khác cũng trong tình trạng tương tự nhà bà Minh. Chỉ có một số gia đình có điều kiện đã tự đi nơi khác ở, số còn lại khó khăn đành chấp nhận ở lại. Họ không được xây dựng nhà mới, không được chuyển nhượng đất đai. Con cái khôn lớn, lập gia đình cần chỗ ở, cần tách hộ cũng đành chịu.

Nhà cửa dột nát không được sửa chữa

Ông Lê Đình Sĩ, Phó Ban quản lý khu Di tích Lam Kinh cho biết: Số hộ dân mắc kẹt tại thôn Phúc Lâm khiến di tích không thể mở rộng không gian như kế hoạch. Ban Quản lý không có sân để tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian, cũng như các khu dịch vụ để thu hút du khách.

“Việc hàng trăm nhân khẩu đang sống chung với di tích đã phần nào tạo ra sự nhếch nhác, mất mỹ quan, sự trang nghiêm vốn phải có của các khu Thái miếu. Đồng thời, vấn đề này còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng của cả khu di tích”, ông Sĩ nói.

Trước những yêu cầu bức xúc của người dân Phúc Lâm và Khu di tích Lam Kinh, UBND huyện Thọ Xuân đã có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đề nghị Sở báo cáo UBND tỉnh khẩn trương bố trí nguồn kinh phí và giao UBND huyện Thọ Xuân làm chủ đầu tư để tổ chức thực hiện đền bù, di dời 31 hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch.

Người dân phải sống tạm bợ đã 15 năm

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Kiến nghị của người dân thôn Phúc Lâm là hoàn toàn chính đáng, nhưng việc di dời 31 hộ dân này vượt ngoài khả năng và thẩm quyền của tuyến huyện. Chúng tôi cũng chỉ biết gửi kiến nghị của người dân lên cấp trên và chờ đợi”.

Sau công văn đề nghị của UBND huyện Thọ Xuân, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa với nội dung: “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Thọ Xuân khẩn trương rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho 31 hộ dân trong khu vực quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Nguồn vốn được bố trí từ ngân sách tỉnh”.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến