Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Dấu hiệu trục lợi từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn
27/02/2020 10:43:34
Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã triển khai được 10 năm. Quá trình thực hiện tại địa phương, đã phát sinh những dấu hiệu trục lợi từ chính sách, điển hình như tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).

Dấu hiệu trục lợi ngân sách

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, 10 năm qua huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã tổ chức 145 lớp học nghề với sự tham gia của 6.663 lao động.

Các ngành nghề chủ yếu gồm: nghề xây dựng dân dụng, điện dân dụng, hàn điện; đan mũ; thêu ren; du lịch gia đình; nuôi cá lồng; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn, bò; sơ chế ngô, bẹ ngô; chế biến lâm sản, thêu ren.

Anh Th. khẳng định chỉ nhận được 150.000 đồng cho cả khóa học

Ông Nguyễn Văn Do, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quan Hóa cho biết, với mỗi khóa đào tạo nghề theo đề án này, huyện triển khai trong 3 tháng, tính số ngày thực tế là 66 ngày. Mỗi ngày được Nhà nước hỗ trợ 30 nghìn đồng/học viên.

Như vậy, mỗi khóa học, 1 học viên sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ tương đương 1.980.000 đồng. Tuy nhiên thực tế, theo phản ánh của học viên, họ đã không nhận được đủ số tiền.

Anh Hà Văn Th., trú xã Phú Xuân cho biết, anh tham gia lớp hàn năm 2018. Dù không đi học đầy đủ, nhưng trong danh sách, tên anh Th. vẫn được điểm danh đều đặn.

Dù đi học đều đặn, anh Ng. cũng chỉ nhận được 150.000 đồng

Đối chiếu với danh sách chi tiền ăn tháng 9,10,11,12 năm 2018 cho 35 học viên lớp hàn do Trường Trung cấp nghề xây dựng Thanh Hóa lập, mỗi học viên được chi tổng số tiền 1.980.000 đồng. Tuy nhiên, anh Th. khẳng định không nhận được số tiền nào như vậy và chữ ký cũng không phải của anh(?!)

“Tôi chỉ đi học được 4-5 buổi, cuối khóa học tôi nhận được số tiền là 150.000 đồng. Tôi không biết chính sách hỗ trợ của Nhà nước ra sao, được phát bao nhiêu thì tôi nhận thôi”, anh Th. nói.

Tương tự, anh Lương Văn Ng., bản Mỏ, xã Phú Xuân cũng là học viên cùng lớp anh Th. Anh Ng. cho hay, anh là lớp trưởng nên đi học rất đầy đủ. Dù vậy, số tiền anh nhận được khi kết thúc khóa học cũng chỉ có 150.000 đồng. Không theo nghề hàn dù đã được cấp chứng chỉ, anh hiện làm nghề thu mua phế liệu tại nhà.

Lao động vẫn thất nghiệp sau học nghề

Ở lớp học thêu ren năm 2018 tại xã Phú Nghiêm thì khá khẩm hơn, các học viên đều là nữ, tham gia lớp học đều đặn số ngày theo quy định.

Chị Phạm Thị Th., xã Phú Xuân cho biết: “Tôi không nghỉ học buổi nào, cuối khóa nhận được số tiền 1.200.000 đồng”.

Dù đã thạo tay nghề nhưng sau khóa học đến nay đã 2 năm, chị Th. không sống được với nghề thêu ren, vì có làm cũng không thể tìm được đầu ra cho sản phẩm ở vùng núi heo hút này.

“Chị em chúng tôi cứ nghĩ học xong thì sẽ có công việc để làm ngay tại địa phương, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn thất nghiệp, buồn lắm”, chị Th. nói.

Kết thúc khóa học, 35 học viên của lớp thêu ren cũng không nhận được bất kì chứng chỉ nghề nào, dù trong hồ sơ quyết toán của huyện, có khoản chi cho việc in chứng chỉ cho học viên.

Chị Th. sau học nghề vẫn thất nghiệp

Ông Nguyễn Văn Do lí giải, giáo viên điểm danh tại lớp, học viên đi buổi nào thì sẽ được tính tiền buổi đó, nên nhiều người vắng học thì sẽ không nhận được số tiền đầy đủ.

Tuy nhiên, ông Do không giải thích được tại sao, trong danh sách nhận tiền, dù có người đi học đầy đủ nhưng thực tế vẫn bị cấp thiếu tiền, hoặc có người chỉ đi học vài buổi nhưng trong giấy tờ lại vẫn được ký nhận đủ tiền.

Theo ông Do, huyện kí hợp đồng với các đơn vị có chức năng dạy nghề như trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện, trường Trung cấp nghề xây dựng Thanh Hóa để thực hiện giảng dạy học viên. Thông thường, các đơn vị giảng dạy theo dõi về mặt con số, huyện sẽ chuyển tiền để họ trực tiếp chi trả cho học viên.

“Chúng tôi chưa bao giờ nhận được phản ánh gì từ cơ sở, thậm chí thanh tra tài chính cũng đã kiểm tra, đánh giá không vấn đề gì. Nếu đúng như phản ánh trên thì chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm trong việc quản lí, giám sát”, ông Do nói.

Thừa nhận đã để xảy ra sai sót trong quản lý giám sát, bà Phạm Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa khẳng định, huyện sẽ sớm thành lập đoàn kiểm tra, xác minh cụ thể vấn đề báo chí phản ánh.

Trong 4 năm gần đây, huyện Quan Hóa đã được Trung ương hỗ trợ số tiền gần 1,7 tỷ đồng (năm 2016: 510 triệu đồng; năm 2017: 460 triệu đồng; 2018: 390 triệu đồng; 2019: 335 triệu đồng) cho đề án 1956.

Như vậy, số tiền không đến được tay người lao động đã đi về đâu, tình trạng này đã xảy ra từ khi nào, phải chăng ngân sách nhà nước đã thất thoát một khoản không hề nhỏ? Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần làm rõ, để hoàn trả lại cho Nhà nước số tiền đã chi không đúng mục đích nếu có.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến