Dòng sự kiện:
Thanh Hoá: Di tích lịch sử chùa Hàn Sơn 'lâm nguy' vì hoạt động khai thác đá
11/06/2018 19:18:41
Hoạt động nổ mìn khai thác đá của doanh nghiệp thuộc tỉnh Ninh Bình tại khu vực giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, đe dọa đến di tích lịch sử chùa Hàn Sơn (Thanh Hóa).

Người dân nơm nớp lo âu

Theo phản ánh của người dân xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), việc Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Hải (Ninh Bình) nổ mìn, khai thác đá tại khu vực giáp ranh giữa xã Yên Lâm (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) và xã Nga Điền, huyện Nga Sơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như đe dọa đến di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn của tỉnh Thanh Hóa.

Bà Phạm Thị Hiên (xã Nga Điền, huyện Nga Sơn) cho biết, mỗi khi đơn vị nổ mìn khai thác đá thì ngôi nhà bà và các hộ dân sống gần đó bị rung lắc mạnh.

Cảnh quan chùa Hàn Sơn (Ảnh: chùa Hàn Sơn)

“Có lần, những cục đá to như nắm tay bay xuống tường rào nhà dân khiến chúng tôi hết sức lo sợ. Mặc dù bà con nhiều lần phản ánh, bức xúc nhưng vẫn không có gì thay đổi”, bà Hiên nói.

Còn ông Hoằng Văn Doa có nhà gần khu vực này cũng bức xúc cho hay, việc nổ mìn khiến nhà ông bị nứt toác nhiều chỗ trên tường.

“Mỗi lần nổ mìn, nhà tôi lại rung lắc như động đất, những vật dụng trên cao rơi xuống, bụi bay mù mịt, thậm chí có lần đá còn văng vào nhà”, ông Doa nói.

Đe dọa phá vỡ cảnh quan di tích lịch sử

Tại ngôi chùa Hàn Sơn, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), xuất hiện nhiều vết nứt ở trên tường, bậc tam cấp của chùa, những vết nứt gãy kéo dài chằng chịt, phần ngói trên còn bị sụt xuống do ảnh hưởng của nổ mìn khai thác đá.

Vết nứt dài ở chùa Hàn Sơn do ảnh hưởng nổ mìn

Được biết, chùa Hàn Sơn (tức Hàn Sơn Tự) được xây dựng từ năm 1797 tại Thần Phù Hải Khẩu (tức cửa biển Thần Phù). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các phật tử tại chùa Hàn Sơn đã có nhiều đóng góp trong việc giúp đỡ và bảo vệ cán bộ cách mạng hoạt động.

Hàng năm, ngôi chùa cũng đón nhiều phật tử tứ phương đến dâng hương, tham quan. Năm 2011, chùa Hàn Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trước đó, vào năm 2014, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 88/QĐ-UBND, thu hồi 2000m2 đất hoang tại địa phận xã Yên Lâm, huyện Yên Mô giao cho Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) Hồng Hải thuê để xây dựng các công trình phụ trợ, thực hiện dự án khai thác đá.

Những vết nứt xuất hiện trên tường

Quyết định trên cũng cho phép Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải tiếp tục thuê hơn 11.000m2 đất với thời hạn 11 năm để khai thác đá và xây công trình phụ trợ tại xã Yên Lâm.

Sau khi được thuê đất và thực hiện các thủ tục liên quan, Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải đã tiến hành khai thác đá tại núi Cồn Se (xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Chính việc nổ mìn khai thác đá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như ngôi chùa Hàn Sơn kể từ đó.

Trao đổi về vụ việc, Vũ Ngọc Huynh, Chủ tịch UBND xã Nga Điền, huyện Nga Sơn xác nhận, việc mỏ đá hoạt động gây ảnh hưởng đến chùa Hàn Sơn và mất an toàn giao thông vì bên dưới chân núi có con đường nối liền 2 tỉnh Thanh Hóa – Thanh Hóa.

Khung cảnh bụi bặm do khai thác đá

Cũng theo ông Huynh, chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc và gửi công văn sang UBND xã Yên Lâm, huyện Yên Mô (Ninh Bình), phía xã Yên Lâm cũng đã phản hồi xác nhận nắm được thông tin về sự việc, đồng thời báo cáo cấp trên để có cách giải quyết. 

Nhận được thông tin phản ánh của địa phương về tình hình trên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Quyền đã chỉ đạo Sở VHTT&DL, Sở TN&MT, Sở Công Thương, UBND huyện Nga Sơn đấu mỗi, làm việc trực tiếp với các cơ quan chuyên môn tỉnh Ninh Bình để kiểm tra, làm rõ ảnh hưởng của việc khai thác đá tại Tổ hợp sản xuất VLXD Hồng Hải đối với di tích lịch sử văn hóa chùa Hàn Sơn, có kết quả báo cáo về Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/7/2018.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến