Dòng sự kiện:
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng ở Thanh Hóa
16/05/2019 06:48:31
Sau một thời gian lắng xuống, dịch tả lợn châu Phi lại tiếp tục bùng phát trở lại, lây lan nhanh chóng đến 14 huyện, thành phố. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đang ra sức triển khai phòng chống.

Ngày 15/5, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, thống kê đến thời điểm chiều ngày 15/5, trên toàn địa bàn tỉnh có 345 hộ dân bị ảnh hưởng, 141 thôn, 71 xã, 14 huyện có dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy tổng 5.988 con lợn với trọng lượng 378.442,4kg.

Như vậy, sau một thời gian tạm lắng xuống, dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát trở lại, lần này mức độ lan nhanh và rộng hơn, đặc biệt mới nhất và có số lượng lợn mắc dịch nhiều ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Nông Cống và TP Thanh Hóa.

Chốt kiểm dịch tại huyện Quảng Xương

Tại huyện Quảng Xương, trong vòng 12 ngày từ ngày 2/5 – 14/5, trên địa bàn đã có 12 xã công bố dịch tả lợn Châu Phi. Cho đến thời điểm hiện tại, huyện đã tiêu hủy tổng cộng 800 con lợn, tổng trọng lượng 56.241kg, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 3,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Bách, phó phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương cho biết: Từ ngày 25/2, UBND huyện đã có công điện khẩn về việc khiển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn trên địa bàn huyện. Trong một thời gian dài liên tục lấy mẫu kiểm tra nhưng không phát hiện lợn mắc bệnh, cho đến ngày 2/5, dịch tả lợn bắt đầu từ một con lợn đực ốm tại xã Quảng Thạch sau đó nhanh chóng lan rộng ra các xã khác.

Theo ông Bách, nguyên nhân dịch lan nhanh là vì Quảng Xương là một huyện đặc biệt với rất nhiều tuyến đường lớn, quốc lộ chạy qua, mật độ giao thông lớn nên rất khó khăn để kiểm soát được dịch bệnh đến từ các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vật nuôi qua lại.

Mặt khác, ở các xã như Quảng Trung, Quảng Chính, Quảng Khê, Quảng Lĩnh, Quảng Trường là những xã có diện tích trồng thuốc Lào lớn. Bà con lại sử dụng nguồn phân bón chủ yếu từ phân lợn cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh ở các xã này.

Tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh (Ảnh minh họa)

Cùng với đó là trên địa bàn huyện, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn đến 60% nên hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật khó kiểm soát.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi, huyện Quảng Xương đã huy động mọi nguồn lực để triển khai các biện pháp ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch bệnh. Tại các xã có dịch, lực lượng chức năng đã lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại đầu ra, mỗi xã ít nhất 2 trạm kiểm soát, riêng xã Quảng Trung có 7 chốt kiểm dịch 24/24.

Còn tại địa bàn thành phố Thanh Hóa, ngày 13/5, UBND thành phố cũng đã ra công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Quảng Cát. Ổ dịch xuất hiện tại 1 hộ dân thuộc thôn 9, có 5 con lợn nái và 60 con lợn con bị lây bệnh.

Chính quyền thành phố cũng đã ráo riết triển khai các biện pháp dập dịch theo quy định để tránh lây lan và gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Đồng thời, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đầu mối trung chuyển cơ sở giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tương tự, dịch tả lợn châu Phi hiện cũng đang có diễn biến phức tạp tại các huyện Nông Cống, Hoằng Hóa.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đây là loại bệnh đặc chủng trên đàn heo, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng đến sức khỏe và lây bệnh sang con người.

Các nhà chức trách khuyến cáo người tiêu dùng không quay lưng lại với thịt lợn, tuy nhiên, cần chú ý mua thịt lợn tại các địa chỉ uy tín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, tuân theo các hướng dẫn bảo quản và chế biến an toàn để bảo vệ sức khỏe của gia đình.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến