Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Hơn 10 năm chưa sửa xong một con đường
09/08/2017 19:54:43
Khoảng 100m đường đi qua tiểu khu Nam Tiến, thuộc thị trấn Nông Cống (Thanh Hóa) đến nay đã xuống cấp trầm trọng mà chưa thể sửa chữa, dù tuyến đường 505 đã được phê duyệt cải tạo 10 năm nay.

"Hố tử thần" và những tai nạn thương tâm

Tuyến đường 505 trước đây có tên là Đường lịch sử 12, nối từ hợp tác xã Nam Tiến lên đường mòn Hồ Chí Minh. Thời chiến, đây là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển vũ khí, đạn dược từ miền bắc vào chiến trường miền nam. Cuối năm 2006, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án nâng cấp tuyến đường này và đổi tên thành đường 505, do Ban 2 Sở GTVT thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của người dân, đoạn đường đi qua tiểu khu Nam Tiến, thuộc thị trấn Nông Cống xuống cấp nghiêm trọng, có đoạn sâu hõm thành những ổ voi khổng lồ… Khi trời mưa, đoạn đường trở thành những hố tử thần rất nguy hiểm đối với người qua lại. Trời nắng, nơi đây trở thành "lãnh địa" của khói bụi. Những hộ dân nơi đây luôn sống trong tình trạng cả ngày phải đóng kín cửa.

Đoạn đường nhiều ổ voi khổng lồ, rất khó khăn trong việc di chuyển

Cụ Lê Thị Tùng (86 tuổi), người địa phương cho biết: “Đoạn đường này hỏng đã lâu nhưng không thấy cơ quan nào đến sửa chữa. Khi hỏng nhiều, chính quyền mới cho đổ đá xuống. Trời nắng, xe qua lại làm bụi mù mịt, trời mưa, đường biến thành ao to, ao nhỏ rất nguy hiểm cho người đi đường…”.

Không chỉ người dân sống nơi đây bị ảnh hưởng, đoạn đường xuống cấp còn khiến cho những ai đi qua cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là những em nhỏ và cụ già. Tại đây đã xảy ra những tai nạn thương tâm.

Anh Mai Văn Bính, trú tại xã Công Bình, huyện Nông Cống cho biết: “Chúng tôi thường xuyên qua đây để lên thị trấn hoặc đi thành phố. Có lần chở nặng, tôi bị ngã xe, gãy tay do lao xuống ổ voi…”.

Kể lại vụ tai nạn xảy ra với cụ Nguyễn Minh Đại, thương binh hạng 2/4, người dân xót xa: “Hôm đấy trời mưa to, chúng tôi đang ngồi uống nước thì thấy cụ Đại đi xe đạp từ đâu tới, đến đoạn đường hỏng, cụ lao xuống hố sâu. Cụ không đứng lên được vì chân giả đã rơi ra ngoài. Bà con thấy vậy vội vàng ra giúp”.

Chưa kể đến năm 2016, anh N.T.T, người xã Công Liêm, huyện Nông Cống điều khiển xe từ thị trấn Nông Cống về nhà, qua đoạn đường này gặp tai nạn lao xuống hố tử vong.

Tỉnh lộ 505, là huyết mạch giao thông nối giữa thị trấn Nông Cống và các xã, là tuyến đường vận chuyển từ các cơ sở trồng trọt đến với nhà máy mía đường Nông Cống. Theo như người dân nơi đây nói, đoạn đường bị hỏng và xuống cấp nghiêm trọng là do nhiều xe trọng tải lớn thường xuyên lưu thông.

Chính quyền sở tại đã đầu tư đổ đá lấp những "hố tử thần" này. Tuy nhiên, khi trời nắng, dân ở đây phải hứng chịu khói bụi. Vài năm trở lại đây, không chỉ 11 hộ dân mà toàn khu Xuân Hòa và Nam Tiến đều phản đối việc sửa chữa tạm thời này.

Những hôm trời mưa, đường biến thành những hố tử thần gây nguy hiểm cho người đi đường

Đơn vị thi công khóc ròng...

Cuối năm 2006 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quyết định nâng cấp, cải tạo tuyến đường 505. UBND huyện Nông Cống có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, giao cho công ty Đông Á làm chủ thi công.

Tuy nhiên, thi công đến đoạn tiểu khu Nam Tiến thì đơn vị buộc phải dừng lại do chưa giải phóng được mặt bằng. Hiện nay vẫn còn 100m đường thuộc thôn Đông Hòa vẫn chưa được thi công. Đường không có cống thoát nước nên khi trời mưa, nước đọng lại, cộng với xe tải trọng lớn thường xuyên lưu thông khiến đoạn đường liên tục sửa liên tục hỏng.

Theo như người dân, nguyên nhân không thể thi công được cho là việc đền bù không thỏa đáng.

Ông Nguyễn Bá Thiết, người dân địa phương bức xúc cho biết: “Có hai thửa đất, nằm sát nhau, diện tích đất bị thi công của tôi thậm chí còn nhiều hơn, tuy nhiên sau khi đền bù, em trai tôi được 96 triệu, còn tôi lại không được đồng nào, như vậy có vô lý hay không?”.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, bức xúc kể lại những sự việc xảy ra hơn 10 năm trước

Cũng theo người dân, từ khi có quyết định nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ đi qua đây, ban giải phóng mặt bằng do ông Hoàng Như Đức, nguyên Phó Chủ tịch huyện Nông Cống làm trưởng ban. Sau khi tiến hành đo đất, cắm mốc để giải phóng mặt bằng cũng không thống báo cho dân được biết. Không chỉ có vậy, quyết định thu hồi và đền bù đất cũng không có. Chỉ khi họ nhận thông báo lên huyện lấy tiền mới vỡ lẽ ra là tiền… đền bù.

Chủ thi công đã phải... khóc ròng vì hơn 100m đường mà hơn 3 tháng không thể thi công. Khối lượng thi công vẫn chưa nghiệm thu lấy tiền mà vẫn phải nuôi công nhân.

Ông Hoàng Như Yến, chủ thi công công trình cho biết: “Đoạn đường chúng tôi nhận thi công dài 26,7km, trong khi chúng tôi đã thi công đến 26km, còn 100m nữa là hoàn thiện, lấy tiền từ nhà đầu tư. Tuy nhiên đường không thể giải phóng mặt bằng để thi công, trong khi vẫn phải nuôi hơn trăm công nhân, ăn không 3 tháng trời…”.

Kỳ 2: Chính quyền sở tại cuống cuồng tìm hồ sơ, người sau… đổ lỗi cho người trước

Hà Khải

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến