Dòng sự kiện:
Thanh Hóa: Khó khăn GPMB, dự án nông nghiệp nghìn tỷ khó triển khai
04/04/2023 16:35:16
2 dự án chăn nuôi công nghệ cao lớn nhất tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn từ phía người dân khiến doanh nghiệp khó triển khai dự án.

 Khó khăn từ 13 hộ dân

Tháng 5/2021, Phó  Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 (dự án 2) và Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 3 (dự án 3) tại xã Nguyệt Ấn, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc để chăn nuôi lợn và sản xuất lợn giống. 

Trong đó, dự án 2 có quy mô diện tích đất khoảng 97,04 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5000 lợn nái và 35.000 lợn thịt.

Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 đã đi vào hoạt động ở giai đoạn 1 

Còn dự án 3 có quy mô diện tích đất khoảng 104,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng với công suất dự kiến 5000 lợn nái và 35.000 lợn thịt.

Tháng 7/2022, 2 dự án trên được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư, theo đó điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. 

2 dự án này cũng đã được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất lúa tại phần đất thực hiện dự án. Đồng thời, UBND huyện Ngọc Lặc đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Cả 2 khu đất trên đã được UBND huyện Ngọc Lặc cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và được chuyển tiếp vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện. 

Dù vậy, 2 dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng do gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng (GPMB). 

UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, chính quyền địa phương đã hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư thúc đẩy GPMB cho 2 dự án. Đến thời điểm này,  tại dự án 2, chủ đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân bị ảnh hưởng được 83/97,4 ha. Còn dự án 3 cũng đã GPMB được 100/104,96 ha. Như vậy, tiến độ GPMB đã đạt khoảng 91%. 

Được biết, có 301 hộ dân ở xã Nguyệt Ấn thuộc diện nhường đất cho dự án, đến nay, chỉ còn 13 hộ chưa đồng ý giao đất do đòi hỏi giá đền bù quá cao so với giá thị trường.  

Phía đại diện Công ty Cổ phần Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 cho hay, đa số người dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án trên đã nhất trí, đồng ý chuyển nhượng QSD đất cho dự án. Tuy nhiên vì dự án tự thỏa thuận GPMB với người dân nên nhà đầu tư gặp rất nhiều trở ngại. Nguyên nhân xuất phát từ một số hộ dân đòi hỏi giá trị chuyển nhượng đất quá lớn, trong khi đó, quy mô diện tích đất thực hiện dự án lớn nên thời gian thỏa thuận kéo dài chưa xong.  

Hiện nay, đối với phần diện tích đã hoàn thành GPMB, nhằm tránh tình trạng người dân lấn chiếm, xâm canh, đòi thêm tiền đền bù... chủ đầu tư buộc phải tiến hành việc bóc phong hóa, cắm mốc san gạt tạo ranh giới cho dự án với phần diện tích đất của người dân.

Khó khăn trong GPMB khiến nhà đầu tư gặp khó khi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm khởi công xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của người dân và các ngành chức năng tại địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Dự án mang những kỳ vọng lớn 

Dự án chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 thuộc chuỗi tổ hợp dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến nông sản được Tập Đoàn Xuân Thiện đầu tư tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa gồm: trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy sản xuất nước trái cây.

Đây là dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn nhất tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm này

Dự án đầu tiên trong chuỗi tổ hợp này là dự án Khu liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 được khởi công vào ngày 21/12/2020. Đến nay dự án đã đi vào vận hành giai đoạn 1 với toàn bộ thiết bị công nghệ tự động hóa và hiện đại nhất thế giới đảm bảo những quy định khắt khe về môi trường.

Đây là dự án nông nghiệp lớn nhất tỉnh Thanh Hoá đến thời điểm này.

Dự kiến trong tháng 4/2023, Tập đoàn Xuân Thiện sẽ khởi công dự án Nhà máy sản xuất nước trái cây tại huyện Ngọc Lặc. Nhà máy sẽ thu mua nông sản tại địa phương và vùng lân cận làm nguyên liệu sản xuất nước trái cây và sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Chuỗi dự án trên được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi có giá trị cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. 

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến