Dòng sự kiện:
Thanh Hoá: Nan giải tìm lối lên bờ cho người dân xóm chài Thành Công
11/03/2018 10:39:57
Ngay giữa lòng một thành phố hiện đại, đang phát triển, dưới chân cầu sông Sâng (TP Thanh Hóa) vẫn còn có một xóm chài mà người dân bao đời nay sống lay lắt trên những con thuyền chật chội, tù túng.

Cuộc sống lay lắt giữa lòng thành phố

Dưới chân cầu Sâng, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa là xóm chài nghèo mang tên Thành Công. Tại đây, già trẻ, gái trai, các thế hệ trong cùng gia đình chen chúc nhau trên những con thuyền nhỏ, cũ nát và chật chội.

Xóm chài nép mình giữa lòng thành phố Thanh Hóa

Nhìn lên phía cầu, xe cộ tấp nập, hai bên bờ sông là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát, trái ngược với cuộc sống đô thị ồn ào và sự phát triển nhanh chóng của thành phố, xóm chài Thành Công dường như vẫn nằm im lìm dưới chân cầu, trong sự thiếu thốn và khốn khó trăm bề.

Không điện, không nước, người dân thường xin nối dây với các hộ ở bên bờ sông để có điện thắp sáng. Nước uống thì họ mua trên bờ với giá 20.000 đồng/khối. Mọi sinh hoạt đều ở trên thuyền, nên người dân tự do xả những thứ không biết xả đi đâu ra sông, rồi lại sử dụng chính dòng nước đục ngầu, có thứ mùi khó chịu ấy để tắm giặt.

Có những người cả đời chỉ đau đáu một nỗi ao ước được thoát khỏi cảnh tù túng trên thuyền.

Hình ảnh nhếch nhác cùng lối sinh hoạt tự do, xả rác bừa bãi ở xóm chài đã ảnh hưởng không ít đến mỹ quan đô thị của thành phố Thanh Hóa.

Trước đây, người dân xóm chài chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt tôm cá, nhưng những năm gần đây, dòng sông ô nhiễm khiến tôm cá không còn. Mất nghề mưu sinh truyền thống, cư dân xóm chài buộc lên bờ tìm việc. Đàn ông thì đi làm thợ xây, thợ hồ, bốc vác ở các nơi khác, còn phụ nữ, có người buôn bán con tôm, con cá ven bờ, có người đi làm thuê, làm mướn trong thành phố.

Đa phần, người dân xóm chài không biết chữ, dân trí thấp. Trẻ con sinh ra cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Nhiều đứa trẻ chưa bao giờ được đến trường, có đi học cũng chỉ đến lớp 4 – 5 thì bỏ ngang. Do điều kiện nghèo khó là một phần, nhưng chủ yếu là do chúng không thích đi học, các bậc cha mẹ cũng không mặn mà với con chữ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (55 tuổi) cho biết, từ khi sinh ra, bà đã sống ở trên thuyền với bao sóng gió, chìm nổi trên sông. 2 con gái của bà đã đi lấy chồng, nhà chồng cũng chỉ ở trong xóm chài cách thuyền nhau vài mét nước. Con gái con trai ở đây cứ lớn lên là gả cho nhau, chứ hiếm có ai đi lấy người nơi khác.

Chồng bà mất đã 2 năm nên bà Nguyệt đang sống trên thuyền cùng cậu con trai 17 tuổi. Hàng ngày, bà đi rửa bát thuê trong thành phố, hoặc bà đi nhặt rác để bán kiếm sống qua ngày. Nếu làm việc đều đặn, mỗi ngày bà Nguyệt cũng kiếm được khoảng 40 nghìn đồng, số tiền ít ỏi dành mua gạo và thức ăn.

Cậu con trai của bà không biết chữ, cũng chưa kiếm được việc làm, từ sáng sớm, cậu đã tót lên bờ đi chơi, khi nào đói thì về ăn bát cơm, chỉ đêm mới về thuyền để ngủ.

“Mỗi ngày hai mẹ con chỉ ăn 2 bữa cơm, mỗi bữa cũng chỉ một bát gạo và một ít rau, nên ăn uống cũng không tốn kém lắm”, bà Nguyệt nói.

Bà cũng tâm sự: “Mỗi khi trời mưa thuyền ướt nhẹp, cả đêm cứ phải tát nước, không được ngủ. Mùa đông thì rét, may có đoàn từ thiện họ đến tặng cho cái chăn bông. Trước đây ở xóm này có đông người. Nhưng họ được nhà nước cấp đất, cấp nhà trên bờ nên họ đi nhiều rồi. Tôi cũng chỉ ước ao có ngày được lên bờ như họ, để con cháu đỡ khổ”.

Nan giải tìm lối lên bờ

Cách thuyền bà Nguyệt không xa là chiếc thuyền con của bà Nguyễn Thị Thạo (60 tuổi), chồng bà Thạo đã mất hơn 3 tháng vì bệnh tật. Không con cái, ở cái tuổi sức khỏe đã bắt đầu xuống dốc, thường xuyên ốm đau, mỗi ngày, bà Thạo vẫn phải đi mò ốc để kiếm sống qua ngày.

Tại xóm chài, không ít những số phận hoàn cảnh éo le, bệnh tật. Trong số đó, nhiều người có hộ khẩu thành phố hẳn hoi, thế nhưng cũng có những người cả đời phiêu bạt, trôi nổi nơi các khúc sông, đến mảnh giấy tờ tùy thân cũng không có.

Cụ ông Nguyễn Văn Viến (77 tuổi) sống bằng nghề lượm ve chai.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, cho biết, ông là người đã sống cùng người dân xóm chài từ thuở nhỏ nên hiểu được nếp sống cũng như tính cách của họ.

Theo ông Thủy, người dân làng chài đến từ nhiều nơi như các huyện Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc. Hiện vẫn còn 64 hộ dân xóm chài đăng ký hộ khẩu tại phường. Hiện tại, trong số liệu của phường, chỉ còn 2 hộ dân là hộ nghèo. Cũng có những người sống ở xóm chài Thành Công nhưng không thuộc quản lí của phường, họ từ nơi khác đến, nên khó khăn khi quản lí về mặt con người. Còn về những người gốc Thành Công, trước đó, thành phố có chủ trương cấp đất, cấp nhà cho 36 hộ dân lên bờ đến sinh sống ở khu tái định cư phường Đông Hải, TP Thanh Hóa.

“Có nhiều người đã có nhà, có đất trên cạn nhưng họ không thích sống, vẫn cứ lên thuyền để ở. Thậm chí, trong số đó còn có người có nhiều tiền, có điều kiện chứ không phải nghèo khó gì. Nguyên nhân một phần vì họ không quen sống trên cạn, mặt khác, nhiều người dân có tâm lý ỉ lại, trông chờ vào các nguồn từ thiện bên ngoài. Đối với việc trẻ con không đi học, chúng tôi cũng đã nhiều lần vận động, nhưng chính bản thân họ không muốn thì rất khó để thay đổi”, ông Thủy nói.

Lương Diễn 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến